Đak Rong trên đường "cán đích" nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, đến nay, xã Đak Rong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Hiện địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm “cán đích” NTM vào cuối năm 2021.
Chung tay xây dựng NTM
Xã Đak Rong có 1.188 hộ với 4.013 khẩu, hơn 91% là người dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2011-2020, người dân trong xã đã tự nguyện hiến 6,6 ha đất, đóng góp hơn 1 tỷ đồng và 1.350 ngày công để làm đường giao thông, xây dựng những công trình phục vụ cộng đồng.
Khi có chủ trương bê tông hóa đường làng Kon Lốc 2, hầu hết hộ dân sinh sống dọc các tuyến đường tự nguyện tháo dỡ hàng rào để nhường đất mở rộng đường. Gia đình ông Đinh Văn Mắc là một trong những hộ dân tự nguyện hiến gần 200 m2 đất ở. Ông cho hay: “Lâu nay, đường làng chật hẹp, mùa nắng thì bụi mù, vào mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt. Chính vì vậy, khi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng con đường, bà con mừng lắm nên đã tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công giải phóng mặt bằng. Bây giờ, đường sá rộng rãi đi lại thuận lợi, chúng tôi rất phấn khởi vì đã góp công sức xây dựng cảnh quan đường làng đẹp hơn”.
Ông Đinh Văn Mắc (làng Kon Lốc 2, xã Đak Rong, huyện Kbang) cùng dân làng hiến đất làm đường. Ảnh Ngọc Minh
Ông Đinh Văn Mắc (làng Kon Lốc 2, xã Đak Rong, huyện Kbang) tự nguyện hiến gần 200 m2 đất ở để làm đường giao thông. Ảnh: Ngọc Minh

Trước đây, điểm trường làng Kon Lốc 1 chật hẹp, không đủ không gian xây dựng khu vui chơi ngoài trời. Khi biết tin Nhà nước đầu tư xây dựng trường, ông Đinh Văn Váo tự nguyện hiến gần 2 sào đất bên cạnh điểm trường. Ông chia sẻ: “Tôi rất vui khi hàng ngày chứng kiến con cháu chăm chỉ đến lớp, vui chơi học tập dưới mái trường rộng rãi, khang trang”.
Tương tự, người dân làng Hà Đừng 1 cũng tham gia hiến đất, đóng góp của cải, công sức xây dựng công trình công cộng. Ông Đinh Văn Chui-Trưởng thôn Hà Đừng 1-cho biết: “Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, dân làng đã tự nguyện hiến hơn 3.000 m2 đất, đóng góp kinh phí và hàng trăm ngày công chung tay xây dựng NTM”.
Từ sự đóng góp của người dân cộng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đến nay, 100% đường trục xã, 92,33% đường làng ở xã Đak Rong đã được bê tông hóa; 71,35% đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Cùng với đó, xã cũng tập trung đầu tư xây mới, cải tạo cơ sở hạ tầng trường học, y tế, điện chiếu sáng. Bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều đổi thay. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,82%.
Hoàn thành tiêu chí thu nhập
Nhờ những nỗ lực cùng cách làm phù hợp, từ một xã nghèo, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đến nay, Đak Rong đã đạt 18/19 tiêu chí NTM, còn tiêu chí thu nhập chưa hoàn thành. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo bộ tiêu chí NTM thì mức thu nhập phải đạt 38 triệu đồng/năm. Vì vậy, xã đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân.  
Hơn 92% đường làng ở xã Đak Rong (huyện Kbang) đã được bê tông hóa. Ảnh: Ngọc Minh
Hơn 92% đường làng ở xã Đak Rong (huyện Kbang) đã được bê tông hóa. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong-cho biết: Ngay từ đầu năm 2021, xã đã xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp phấn đấu thực hiện tiêu chí này. Theo đó, xã tiếp tục vận động người dân tham gia Hợp tác xã Kon Pne nhằm tập trung nguồn lực thực hiện dịch vụ phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ nông nghiệp và liên kết sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán, hình thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, xã cũng triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị hiệu quả, phù hợp với địa phương như: trồng sa nhân tím dưới tán rừng, trồng cây dược liệu, mắc ca xen cà phê, mì cao sản, rau các loại, nuôi heo đen, nuôi trâu, bò…
Cùng với việc phát huy giống lúa đặc trưng của người địa phương, xã Đak Rong tiếp tục hỗ trợ bà con thâm canh lúa nước, giữ vững diện tích lúa 2 vụ; tích cực đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. “Xã cũng khuyến khích người dân duy trì thực hiện mô hình cộng đồng nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Rong để được hưởng lợi từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Mặt khác, xã tổ chức các nhóm hội nghề nghiệp để khai thác dịch vụ du lịch tại thác Kon Lốc 2 và thác Kon Bông vừa phát huy tiềm năng, vừa tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập”-ông Quang thông tin thêm.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.