Chị Nguyễn Thị Nga đang chế biến thức ăn. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Sinh ra tại một miền quê nghèo xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, có anh đang công tác trong quân đội, tháng 2-2003, chị tham gia sơ tuyển và trúng tuyển làm nhân viên hợp đồng trong Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273. Năm 2011, chị Nga được tuyển dụng làm công nhân quốc phòng và đến năm 2016, được chuyển làm quân nhân chuyên nghiệp.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Nga cho biết: Khi mới nhận công tác, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn và bỡ ngỡ trong môi trường làm việc mới, nhiều nội dung chưa được học tập, đào tạo cơ bản nên lúng túng. Chính vì thế, tôi luôn cố gắng học hỏi để thực hiện các công việc chế biến, cải tiến món ăn để bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn”.
Hơn 10 năm làm người cán bộ nuôi quân, công việc đòi hỏi rất lớn cả về thời gian, sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ... Hàng ngày chị và các đồng nghiệp khắc phục mọi khó khăn để dậy sớm để bảo đảm ăn sáng cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị. “Là người nhân viên nuôi quân, chúng tôi xác định, các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị như người nhà của mình. Từ đó, phải nấu những bữa ăn ngon, đảm bảo chất dinh dưỡng để ai cũng ăn ngon, ăn hết khẩu phần. Khi cán bộ, chiến sĩ ăn cơm xong tôi đến hỏi thăm về chất lượng các món ăn, cách phục vụ để từ đó làm tốt hơn nhiệm vụ của ngày hôm sau”- chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Chị Nga hướng dẫn nhân viên mới cách chế biến thức ăn. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Trong suốt thời gian công tác, chị lần lượt được phân công là nhân viên nấu ăn, rồi phụ trách bộ phận nuôi quân của nhiều đơn vị trong Lữ đoàn. Trong khi đó, khối lượng công việc tại bếp rất lớn nên hằng ngày trong xuất-nhập thực phẩm chị luôn tính toán, phân chia số lượng thực phẩm được chính xác, đúng thực đơn, bảo đảm đầy đủ định lượng khẩu phần. Chị luôn động viên đồng nghiệp tích cực đổi mới cách chế biến, đa dạng món ăn, phù hợp với khẩu vị, để bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn. Từ suy nghĩ đó, chị đã chủ động học tập, nắm chắc chức trách, nhiệm vụ, tích cực nghiên cứu, cập nhật văn bản mới về chế độ, tiêu chuẩn của bộ đội, học hỏi cách chế biến món ăn trên các trang mạng xã hội, của đồng chí, đồng đội để chế biến những món ăn ngon hơn. Bên cạnh đó, chị luôn tận tình chỉ bảo, bồi dưỡng chuyên môn cho những đồng chí hạ sĩ quan, binh sĩ mới được biên chế về bếp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tạo nên bầu không khí thân tình, gần gũi, đoàn kết.
Khu vực nấu ăn luôn được chị Nguyễn Thị Nga bố trí khoa học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Công việc nuôi quân vất vả, phải thức khuya, dậy sớm nhưng chị không nề hà mà luôn chịu khó đi chợ từng bữa, lựa chọn những thực phẩm sạch, tươi sống, phù hợp với mức ăn theo quy định để chế biến được ngon nhất, tiết kiệm nhất. Có mặt tại bếp ăn của đơn vị lúc cán bộ, chiến sĩ đang ăn cơm, chúng tôi nhận thấy trên bàn ăn lúc nào cũng có từ 4 món trở lên, ngoài ra còn có hoa quả để tráng miệng. Trung tá Trần Quang Thanh-Phó Chủ nhiệm Phòng Hậu cần-Kỹ thuật Lữ đoàn 273-cho biết: Đặc thù của đơn vị tăng thiết giáp là khối lượng công việc nặng nhọc, đòi hỏi chế độ dinh dưỡng cao nên để bộ đội có sức khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì công tác nuôi quân rất quan trọng. Trong quá trình công tác, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Nga rất nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, ham học hỏi để hoàn thành tốt công việc. Ngoài ra, chị luôn tích cực trong cải tiến chế biến các món ăn giàu chất dinh dưỡng, đủ định lượng, khẩu phần, các món ăn cũng được thay đổi thường xuyên. Cùng với đó, chị luôn gần gũi, hòa đồng với mọi người nên cán bộ, chiến sĩ khi xuống bếp ăn có cảm giác như ăn bữa cơm gia đình.
Với những nỗ lực trong việc, chị Nguyễn Thị Nga luôn được lãnh đạo, chỉ huy, đồng chí, đồng đội tin tưởng, quý mến. Từ năm 2019 đến nay, chị được Lữ đoàn tặng danh hiệu chiến sĩ tiên tiến, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngoài ra chị còn nhận được nhiều giấy khen và bằng khen của các cấp.