Đại án 9.000 tỷ: 12 giám đốc 'bù nhìn'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo chỉ đạo của Danh, 12 giám đốc "bù nhìn" đều không có năng lực, kinh nghiệm về kinh doanh, không được quản lý con dấu và giấy tờ pháp lý.

Kết quả điều tra vụ Phạm Công Danh giai đoạn 2 cho thấy, do cần tiền để chứng minh năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ Ngân hàng Xây dựng (VNCB) từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng theo đề án tái cơ cấu VNCB đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, cộng thêm áp lực cần tiền để trả nợ vay cũ, Phạm Công Danh đã trực tiếp đến BIDV Hội sở chính để gặp gỡ lãnh đạo ngân hàng này.

Theo lời khai, Phạm Công Danh đã gặp lãnh đạo BIDV đặt vấn đề về việc VNCB có các khách hàng doanh nghiệp cần vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD), nhưng do VNCB đang trong giai đoạn tái cơ cấu, chưa được tăng trưởng tín dụng nên giới thiệu sang BIDV để xem xét cho vay. 

 

Phạm Công Danh tại tòa
Phạm Công Danh tại tòa



Trường hợp khách hàng do VNCB giới thiệu không đủ tài sản đảm bảo, VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định.

Ông Đoàn Ánh Sáng đã đồng ý chủ trương về việc xem xét cho các khách hàng do VNCB giới thiệu sang BIDV vay vốn, nếu đáp ứng được các điều kiện vay.

Sau khi được BIDV Hội sở chính đồng ý thống nhất về việc BIDV xem xét cho các khách hàng của VNCB có nhu cầu vay vốn để kinh doanh VLXD, Danh đề nghị cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn.

Phạm Công Danh là người quyết định dùng tài sản đảm bảo gồm 6 lô đất SVĐ Chi Lăng, Đà Nẵng; đất tại số 209 Trường Chinh, Đà Nẵng, và 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh các khoản vay.

12 giám đốc "bù nhìn"

Theo chỉ đạo của Danh, một số nhân viên, bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh được dựng lên làm giám đốc của 12 công ty đứng ra vay tiền BIDV. Cả 12 công ty này đều không hoạt động kinh doanh VLXD.

12 giám đốc "bù nhìn" đều không có năng lực, kinh nghiệm về kinh doanh, không được quản lý con dấu, giấy tờ pháp lý và cũng không được quyết định gì.

Sau khi hồ sơ vay vốn khống được lập, 12 giám đốc trên được Danh triệu tập để ký vào các giấy tờ cần thiết nhằm hoàn thiện hồ sơ vay tiền của BIDV.

Sau khi BIDV hội sở tiếp nhận hồ sơ, đã quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay số tiền 4.700 tỷ đồng.

Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa VLXD và phối hợp để BIDV tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn vay, nhưng các công ty đã không cung cấp được.

Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng số tiền 4.700 tỷ đồng chuyển tăng vốn VNCB; hơn 600 tỷ đồng chuyển trả nợ Công ty cổ phần Đầu tư Hải Tiến; còn lại sử dụng trả lãi các khoản vay của BIDV.

Kết quả giám định của NHNN cho rằng, việc BIDV xem xét và quyết định cho vay khi chưa có đủ cơ sở để xác định khách hàng có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, có phương án khả thi và hiệu quả; chưa thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp là chưa thực hiện đầy đủ điều kiện cho vay...

Các kết luận giám định không xác định rõ được thiệt hại bao nhiêu, và thuộc ngân hàng nào. Việc bảo lãnh của VNCB cho 12 công ty vay vốn tại BIDV đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng.

Bản kết luận điều tra cho rằng, Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc quyết định chủ trương và chỉ đạo cấp dưới tạo dựng hồ sơ vay vốn, chỉ đạo cấp dưới cầm cố 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh, sau đó dùng để trả nợ thay 12 công ty số tiền hơn 2.550 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VNCB số tiền này.

Theo Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.