(GLO)- Lâu nay nhắc đến Gia Lai người ta thường nói đến cà phê, cao su, hồ tiêu và nhiều loại cây công nghiệp dài ngày khác là những loại cây trồng chủ lực trong nền kinh tế của Tây Nguyên. Thế nhưng còn có những loại đặc sản khác của Gia Lai mà không một nơi nào có được...
Từ khoai lang Lệ Cần...
Hơn 30 năm trước tôi công tác ở huyện biên giới Ia Grai. Bấy giờ huyện chưa có phong trào trồng cà phê hay cao su. Phần lớn cán bộ, viên chức đều tranh thủ ngày nghỉ và thường là trước mùa mưa để gieo trỉa lúa, trồng khoai, trồng mì, trước mắt nhằm giải quyết khâu lương thực vốn thiếu thốn trong đời sống, một phần dành cho chăn nuôi. Hầu như gia đình nào trong huyện cũng làm một hai sào lúa rẫy hoặc mì và trồng rau, khoai lang trên đất vườn. Có nhà còn nuôi thêm bốn năm con heo, vài ba chục con gà.
Thu hoạch khoai lang. |
Một loại khoai lang chủ lực bấy giờ là khoai lang Lệ Cần được trồng nhiều trên địa bàn huyện và cả các địa phương phía Tây của tỉnh. Khoai Lệ Cần vốn có nguồn gốc từ vùng Trà Đỏa, huyện Thăng Bình, Quảng Nam được những người dân đi dinh điền mang lên trồng ở Lệ Cần, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, Gia Lai từ những năm 50 của thế kỷ trước. Nhờ đất bazan màu mỡ của vùng Lệ Cần nên giống khoai này cho củ to, bùi và có vị thơm hơn so với khoai lang vùng Trà Đỏa. Khoai Lệ Cần thân dây to, cứng, lá mọc dài, người ăn được lá, chủ yếu là đọt, rất mềm, ngon và ngọt. Củ có màu đỏ, dài và lớn, ruột màu vàng nghệ, khi luộc lên bở vàng ươm, ăn ngọt lịm và rất bùi. Khoai lang Lệ Cần rất năng suất, mỗi sào thu hoạch được cả 4-5 tạ củ, không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm cho người mà còn dành cho chăn nuôi. Cứ khoảng đầu tháng 4, tháng 5, khi bắt đầu mưa đầu mùa là nhà nhà vun luống trồng khoai, chỉ vài tháng sau vồng lang đã xanh um, có thể hái lá, hái đọt rau luộc ăn. Khoai để càng lâu càng ngọt, vị thanh, ngoài luộc ăn, có thể chế biến như: chẻ nhỏ phơi khô dành hấp cơm, luộc chín chà qua lưới rồi phơi khô hấp chung với đậu phụng rang hoặc làm bột để ăn dần... Khoai lang Lệ Cần ngon đến mức sinh thời nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai.
Có người cho rằng do thời ấy đói quá nên ăn khoai lang Lệ Cần thấy ngon nhưng không phải vậy! Khoai lang Lệ Cần đúng là “vua khoai” bởi cái vị ngọt thanh, bùi bùi, bở bở, càng để lâu trên lưỡi càng thấm. Mùa mưa Tây Nguyên những năm ấy, trời mưa dầm dề, mưa suốt tháng, luộc nồi khoai Lệ Cần vừa ăn vừa thổi mới biết thứ khoai này mê hoặc ta đến thế nào...
... đến cá nhét sông Pô Cô
Đó là loài cá nhỏ tựa cá linh ở miền Tây Nam bộ hay cá trắng, cá mương ở miền Trung. Vào mùa khô chúng thường bơi thành đàn đông đến hàng vạn con trên nhánh sông Pô Cô, thuộc hệ thống sông Sê San ở khu vực phía Tây Kon Tum đổ về hướng huyện Ia Grai, Gia Lai. Sông Pô Cô ngày ấy chưa xây dựng các công trình thủy điện nên dòng chảy rất xiết, nhất là đoạn qua làng Pi, làng Nú ở xã Ia Khai, huyện Ia Grai bây giờ. Mùa này người dân các làng bên sông thả lưới bắt cá lên rồi phơi khô trên các tảng đá giữa sông. Sau một hai nắng họ trút cá vào các ống lồ ô giữ nguyên đốt rồi bịt kín đầu kia (sở dĩ có tên cá nhét là vì vậy). Mỗi mùa cá nhét, người các làng dọc biên giới thu được hàng vạn ống cá. Những năm ấy nhiều quán ở đường Trần Phú (TP. Pleiku) có bán các ống lồ ô cá nhét này cho đồng bào các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh như Ayun Pa, Krông Pa, Kông Chro... lên mua. Cá phơi chưa khô hẳn nên nhét trong ống lồ ô lâu ngày sẽ có mùi đặc trưng (thum thủm) rất khó ngửi. Thế nhưng ai đã dùng quen rồi thì thích, thường thì khi ăn người ta phải chế biến bằng cách rang cá lên trộn thêm ít bột canh, ớt, ăn với cơm gạo dẻo (loại gạo đồng bào dân tộc thiểu số trỉa trên nương rẫy, tuốt bằng tay) rất ngon. Bấy giờ hầu như vào nhà nào ở các làng khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai chúng ta cũng đều gặp các ống lồ ô đựng cá nhét dựng ở góc bếp. Tháng 6, tháng 7 vào mùa mưa dầm ở Tây Nguyên, đi công tác vào làng bước lên một ngôi nhà sàn nào đó khách chủ quây quần bên bếp lửa ăn cơm với đọt lá mì nấu cà đắng, rắc ít muỗng cá nhét đã chế biến lên trên, vài người mà ăn hết cả nồi cơm to...
Để đặc sản Gia Lai còn mãi
Do trồng bằng dây là chính nên những năm qua giống khoai lang Lệ Cần đã bị thoái hóa, củ nhỏ, ít bở, màu ít vàng và không ngon như trước kia. Từ năm 2008, Trung tâm Giống cây trồng Gia Lai đã triển khai đề tài khoa học nhằm phục tráng giống khoai quý này, thế nhưng để hoàn trả lại “ngôi vị” của giống khoai lang độc đáo này vẫn còn phải tiến hành nhiều bước tiếp theo, kể cả chọn vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp và tổ chức xây dựng, quảng bá thương hiệu Lệ Cần khoai. Còn với cá nhét sông Pô Cô thì mãi mãi chỉ còn là hoài niệm trong ký ức của dân làng và những người đã từng sống ở Tây Nguyên ba bốn mươi năm trước từng thưởng thức món đặc sản có một không hai này. Tính ra cũng vài chục năm rồi người ta không còn thấy những ống lồ ô cá nhét ở Phố núi nữa. Hỏi thăm người dân sống dọc sông thì được biết chẳng hiểu sao nhiều năm rồi cá không về nữa, có lẽ do dòng chảy đã bị thay đổi, do đánh bắt quá nhiều...
Còn nữa những đặc sản của Gia Lai như: gạo Ba Trăng (xã Đak Trôi, huyện Mang Yang), chim Gầm Ghì (huyện Kbang), cá Anh Vũ (hồ Sê San, huyện Chư Pah), rượu chuối Ia Chía (huyện Ia Grai), tép Biển Hồ (TP. Pleiku), chuối Ia Tiêm (huyện Chư Sê)... Đến nay thứ còn, thứ mất, thứ đang có nguy cơ tuyệt chủng khiến những ai quan tâm đến Gia Lai đều không khỏi bâng khuâng và mong sao một ngày nào đó lại được thưởng thức những món ẩm thực một thời nổi tiếng này...
Nguyên Anh