DA chuyển đổi rừng trồng cao su 'phá sản',DN Gia Lai 'xé rào' trồng mít,xoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai được triển khai từ năm 2008. Qua 10 năm, những kỳ vọng của dự án đều phá sản, hàng chục nghìn ha cao su chết, kém phát triển; đất dự án bị sử dụng sai mục đích để nuôi bò, trồng cây nông nghiệp hoặc cho thuê.
 
Các diện tích cao su bị chết khô hoặc kém phát triển vì không phù hợp với đất. Ảnh: Hồng Điệp
Thực trạng không hiệu quả
Từ năm 2008 đến năm 2011, tỉnh Gia Lai đã giao hơn 32.000 ha rừng nghèo cho 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án trồng cao su. Đến nay, trên diện tích hơn 25.000 ha cao su đã được trồng, có hơn 12.000 ha bị chết, sinh trưởng kém.
xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, có 7 doanh nghiệp trồng cao su thay thế rừng nghèo, với tổng diện tích gần 6.000 ha đất, trong đó diện tích đã trồng cao su gần 4.500 ha. Điều đáng nói là hầu hết diện tích đất rừng khộp này sau khi chuyển sang trồng cao su thì cây cao su chết trắng hoặc còi cọc, không phát triển được. Hiện không có doanh nghiệp nào thiết tha chăm sóc hay trồng lại sau khi cao su chết hàng loạt.
Ông Lê Ngọc Minh, Quản lý dự án cao su Đức Long tại xã Ia Blứ thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết: Đơn vị nhận hơn 2.000 ha rừng nghèo để trồng cao su. Hiện nay, khoảng 1.400 ha trên tổng số hơn 1.700 ha cao su được trồng đã chết do cao su trồng trên đất rừng khộp nên không thể thoát nước, mùa mưa Tây Nguyên kéo dài khiến cao su bị ngập úng, mùa nắng hạn hán không có nước tưới.
Thực trạng các dự án cao su không hiệu quả này đã được công nhận tại Báo cáo số  87/BC-HĐND ngày 2/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai về kết quả giám sát “Tình hình triển khai thực hiện và chất lượng phát triển cây cao su trên đất rừng nghèo theo Dự án phát triển 50.000 ha cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ năm 2008 đến nay”. Báo cáo cho thấy, không chỉ Tập đoàn Đức Long Gia Lai mà nhiều đơn vị từng có kinh nghiệm trong trồng cao su như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 194, Công ty Cổ phần Trồng rừng và cây công nghiệp Gia Lai, Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức… cũng chung tình trạng có diện tích cao su trong dự án chết, kém hiệu quả.
Theo đánh giá của các tổ chức khoa học và ngành chức năng, cây cao su không phù hợp với đất rừng khộp vì thành phần cơ giới đất rừng khộp chủ yếu là đất cát, đất cát pha thịt hoặc pha sét biến tính.
Doanh nghiệp cần được gỡ khó
 
Diện tích cao su kém hiệu quả khiến các doanh nghiệp lao đao trước bài toán kinh tế đặt ra ngay trước mắt. Ảnh: Hồng Điệp
Diện tích cao su kém hiệu quả này khiến các doanh nghiệp lao đao trước bài toán kinh tế đặt ra ngay trước mắt. Nguồn kinh phí đầu tư bỏ ra quá lớn, tiền nhà nước đầu tư, vốn vay ngân hàng, giá mủ cao su xuống quá thấp (30-40 triệu đồng/tấn), nhiều doanh nghiệp tồn dư lượng mủ trong kho khá lớn hoặc không khai thác mủ vì tiền bán mủ không bằng tiền thuê nhân công khai thác.
Những diện tích cao su kém hiệu quả này đang được các doanh nghiệp trong dự án tự ý chuyển đổi sang trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn trái hoặc lấy một phần đất dự án cho thương lái thuê, cày xới đất để trồng dưa hấu, thậm chí nuôi bò. 
Đơn cử như, Công ty Cổ phần cao su Trung Nguyên (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) đã tự ý chuyển đổi 250 ha đất dự án sang trồng mít, xoài. Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 194 cũng trồng diện tích lớn xà cừ trên đất dự án cao su kém hiệu quả.
Việc sử dụng đất sai mục đích của dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái địa phương. Nhiều năm trở lại đây, bà Bùi Thị Nhường, thôn 3, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, thuê đất của Công ty TNHH Tập đoàn Đức Long Gia Lai để trồng dưa hấu. Bà Nhường cho biết, mỗi vụ dưa, bà thuê khoảng 2ha đất từ công ty này và thuê nhân viên Công ty mang máy cày xới để phá đất rừng trồng dưa hấu. Qua mỗi vụ dưa, phải ít nhất 7 năm sau mới có thể trồng lại tại khu vực cũ vì lượng thuốc bảo vệ thực vật cho dưa hấu rất lớn, không thể trồng vào vụ tiếp theo.
Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, cho hay: Việc phá rừng nghèo để trồng cao su gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế địa phương. Ngập lụt ảnh hưởng nhiều hơn, hạn hán cũng xảy ra.
Để giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp tại đại dự án này, ngày 15/6/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đồng ý chủ trương cho các doanh nghiệp chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp, nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 5683/VPCP. Theo đó, nếu muốn chuyển đổi 1 ha cao su sang trồng cây công, nông nghiệp khác, doanh nghiệp phải trồng 3 ha rừng thay thế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn và chưa thể có kinh phí chuyển đổi theo yêu cầu của Chính phủ.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào chiều 30/11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ cho chuyển đổi 7.500 ha rừng nghèo và khoảng 10.000 ha cao su kém hiệu quả sang các dự án nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo.
Mới đây nhất, trong phiên họp HĐND thường kỳ cuối năm 2018 của tỉnh Gia Lai, ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hiện nay Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương cho phép chuyển đổi trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp trên đất rừng nghèo. Bù lại, doanh nghiệp phải thực hiện trồng rừng thay thế và thực hiện trồng thử nghiệm, báo cáo và được nghiệm thu hiệu quả cây trồng trước khi triển khai chính thức. Thời gian tới, nếu các doanh nghiệp không có kế hoạch sử dụng hiệu quả đất rừng nghèo, tỉnh sẽ tiến hành thu hồi dự án. 
Có thể thấy rằng, rừng đang cạn kiệt, cao su kém hiệu quả, doanh nghiệp lao đao. Đây cũng là bài học cho chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp trong việc ồ ạt chuyển đổi các dự án kinh tế trong tương lai. Có chủ trương chuyển đổi, tuy nhiên nếu bỏ ra 4 ha mà chỉ kinh doanh được 1 ha và trồng rừng 3 ha theo chủ trương, phía doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vẫn trình kế hoạch chuyển đổi lên các cấp có thẩm quyền, tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi sẽ có những bất cập nếu Chính phủ không gỡ khó cho doanh nghiệp.
Hồng Điệp (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này