64 NĂM TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG (3.3.1959 - 3.3.2023)

Cột mốc chủ quyền đặc biệt: Mốc đầu nguồn sông Đà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sông Đà từ Vân Nam (Trung Quốc) đổ vào Việt Nam tại địa phận xã Mù Cả, H.Mường Tè (Lai Châu) và được đánh dấu bằng mốc ba cùng số 17.

Nếu như cột mốc số 17 (2) và 17 (3) đặt trên bờ suối phía Trung Quốc, thì cột mốc số 17 (1) đặt trên bờ suối phía Việt Nam, nơi giao nhau giữa suối Nậm Náp (Nan Ma He) và sông Đà (Li Xian Jiang).

Chúng tôi đi xe khách từ bến Mỹ Đình (Hà Nội) lúc 18 giờ ngày hôm trước, đúng 6 giờ sáng hôm sau đến bến xe TT.Mường Tè (Lai Châu). Trung tá Nguyễn Minh Đức (Đồn trưởng biên phòng Mù Cả, Bộ đội Biên phòng Lai Châu) cử đại úy - quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Chung chạy xe máy từ đồn ra thị trấn từ hôm trước, để đón.

Mốc 17 (1) uy nghiêm

Mốc 17 (1) uy nghiêm

Hơn 2 tiếng đồng hồ chạy xe từ TT.Mường Tè, vượt 54 km đường rừng dọc sông Đà vào Trạm kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ (thuộc Đồn biên phòng Ka Lăng), thấy bộ đội Đồn biên phòng Mù Cả đang đứng sẵn đợi. Hỏi ra mới biết, Đồn biên phòng Mù Cả quản lý 3 cột mốc và gần 5,7 km đường biên, mỗi lần tuần tra bảo vệ biên giới, bộ đội phải đi xe máy hơn 40 km, vòng sang trạm kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ của Đồn biên phòng Ka Lăng lân cận, để chính thức làm nhiệm vụ.

Chào cột mốc 17 (1) đầu sông Đà

Chào cột mốc 17 (1) đầu sông Đà

Thời tiết những ngày giữa tháng 2.2023 "ưu ái" cho Lai Châu, ở đâu cũng nắng ráo hanh hao, nên Bộ đội đồn biên phòng Mù Cả yên tâm chạy xe máy trên đường rừng, ngược bờ sông Đà lên mốc 17 (1) đầu nguồn. Trung tá Nguyễn Minh Đức bảo: "Mùa này mới đi được xe máy. Dịp mưa gió, chỉ có cách đi bộ, cả ngày trời đi về mới tới mốc".

Sau gần 1 tiếng đồng hồ vượt qua đường rừng, mốc 17 (1) cũng hiện ra uy nghi ở điểm giao nhau giữa suối Nậm Náp và Sông Đà. Trung tá Nguyễn Minh Đức rành mạch: mốc 17 (1) là mốc ba cùng số loại trung, làm bằng bê tông, được cắm ngày 28.11.2004, ở tọa độ 22˚33'23,431" vĩ độ Bắc - 102˚19'18,791" kinh độ Đông, ở độ cao 347, 51 m…

Kiểm tra hiện trạng mốc 17 (1)

Kiểm tra hiện trạng mốc 17 (1)

Đứng từ mốc 17 (1) nhìn sang bên kia biên giới, thấy rõ mốc 17 (2) và 17 (3) nằm bên 2 bờ suối, cạnh hàng rào thép gai nghiêm ngặt và phía sau là rừng cây cao su đang mùa thay lá, khắp nơi đều đỏ rực.

Từ mốc 17 (1) xuôi theo sông Đà về Kẻng Mỏ trên dưới 3,5 km là 3 mốc cùng số 18. Tại đây, sông Đà giao nhau với sông Nậm Là và chính thức chảy vào Việt Nam. Khu vực ngã ba sông này, mốc 18 (1) đặt bên bờ sông phía Trung Quốc, mốc 18 (2) đặt bên phía Việt Nam do Đồn biên phòng Ka Lăng phụ trách, mốc 18 (3) do Đồn biên phòng Mù Cả quản lý bảo vệ.

Trung tá Nguyễn Minh Đức giới thiệu về mốc 17 (1) cho cán bộ mới tham gia đội tuần tra

Trung tá Nguyễn Minh Đức giới thiệu về mốc 17 (1) cho cán bộ mới tham gia đội tuần tra

"Rất nhiều du khách tìm đến mốc 18 (2) và nói đó là mốc đầu nguồn sông Đà. Thực tế, đây là mốc đánh dấu sông Đà chảy hoàn toàn vào đất Việt Nam. Đầu nguồn là mốc 17 (1)", trung tá Nguyễn Minh Đức khẳng định vậy và cho biết: cuối tháng 7.2021, đoàn công tác của UBND tỉnh Lai Châu do Phó chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Tính dẫn đầu, đã khảo sát thực địa tại khu vực mốc 17, 18 nhằm đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng phục vụ trao đổi hàng hóa khi có điều kiện. Tương lai, khu vực mốc 17 sẽ có cửa khẩu thông thương giữa 2 huyện Mường Tè (Lai Châu, Việt Nam) - Giang Thành (Vân Nam, Trung Quốc) và cột mốc 17 (1) sẽ là điểm đến lý tưởng.

Cầu treo đầu nguồn sông Đà

Cầu treo đầu nguồn sông Đà

Bộ đội Đồn biên phòng Ka Lăng kiểm tra mốc 18 (2)

Bộ đội Đồn biên phòng Ka Lăng kiểm tra mốc 18 (2)

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.