Công nghiệp bán dẫn Việt Nam - chờ 'vượt vũ môn'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuộc đua bán dẫn toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.

Có 4 động lực chính thúc đẩy Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ: Nằm ở vị trí chiến lược, cửa ngõ vào Đông Nam Á, là “Đối tác chiến lược toàn diện” với các cường quốc sản xuất chip; Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp; Có nguồn cung nguyên liệu thô dồi dào với trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới; Lợi thế về chi phí lao động so với các nước cùng ngành.

Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm lắp ráp và kiểm thử mới nổi (tỷ lệ lắp ráp và kiểm tra bán dẫn thuê ngoài - OSAT, chiếm 6% giá trị sản phẩm bán dẫn) quan trọng của khu vực trong trung hạn. Về dài hạn, Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chip theo 3 giai đoạn 2024-2030; 2030-2040 và 2040-2050.

Là nơi tập trung gần 85% nhân lực bán dẫn và các điều kiện hạ tầng khác, TPHCM cũng đưa ra các định hướng, ưu tiên phát triển ngành bán dẫn trong thời gian tới. Cụ thể, thành phố mở rộng và tập trung chuỗi giá trị giai đoạn sau - sản xuất OSAT, mạch khung bán dẫn, mảng kinh doanh trang thiết bị với yêu cầu về độ nhạy/độ chính xác tương đối thấp và đồng thời tận dụng thế mạnh về hạ tầng/chi phí nhân công thấp và nhân lực có trình độ cao tại thị trường Việt Nam…

Vận dụng linh hoạt Nghị quyết 98/2023/QH15, thành phố đã phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM tại Khu công nghệ cao giai đoạn 2025-2030 hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh với 4 cấu phần: Tổ hợp sản xuất công nghệ cao; Năng lực nghiên cứu và phát triển; Hạ tầng công nghiệp và hậu cần; Nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của ngành công nghiệp bán dẫn, TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung nên xây dựng lòng tin từ các “Đối tác chiến lược toàn diện”, ở lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Rà soát các chính sách phát triển ở cấp độ quốc gia và thành phố nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển riêng biệt cũng như không mâu thuẫn với chiến lược phát triển bán dẫn của Hoa Kỳ.

Vì phát triển chất bán dẫn, cả thiết kế và sản xuất, đều tốn kém nên đòi hỏi xây dựng các chương trình khuyến khích đơn giản và linh hoạt. Ưu tiên các ưu đãi bù đắp cho xây dựng và chi phí thiết bị. Hoặc đảm bảo cơ sở hạ tầng hoạt động xuyên suốt, tối ưu. Ngay cả một "sự cố mất điện nhỏ" cũng có thể gây ra tổn thất hoạt động đáng kể. Do đó, quốc gia sở tại phải đảm bảo nguồn điện ổn định, phát triển năng lượng xanh.

Bên cạnh đó là môi trường pháp lý chặt chẽ, có chính sách thương mại thân thiện với thị trường. Thiết lập cơ chế một cửa, loại bỏ các yêu cầu thừa. Hài hòa các tiêu chuẩn môi trường. Thực hiện chế độ kiểm soát xuất khẩu minh bạch. Bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do hóa thuế quan; tối ưu hóa tạo thuận lợi thương mại; tận dụng các khu vực thương mại tự do. Kể cả trong quy định về dữ liệu, đảm bảo tính di chuyển tự do, tránh các quy tắc định vị dữ liệu không cần thiết.

Sau cùng là gia tăng chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp về lực lượng lao động có tay nghề, gồm kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà khoa học máy tính, với bộ kỹ năng liên ngành dựa trên các lĩnh vực STEM.

Vì vậy, không chỉ trong giáo dục mà trong thiết kế chính sách và hệ thống quản trị, chúng ta cần ổn định một chiến lược dài hạn cùng một cơ quan đầu tư có đội ngũ nhân viên tận tụy hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam - TPHCM đang sở hữu những lợi điểm vừa nêu, song để tận dụng, phát triển thành sản phẩm và hình thành dần thị trường, một nỗ lực “vượt vũ môn” đồng bộ ngay từ bây giờ, là chuyện cấp bách triển khai ngay từ lúc này.

Theo NGUYỄN QUÂN CÁT (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.