Con muốn sống: Vợ chồng công nhân nghèo xin cứu con trai 15 tháng tuổi ung thư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ung thư không chỉ lấy cướp đi sinh mạng của người lớn mà còn tấn công cả những đứa trẻ, kể cả những em bé sơ sinh. Hằng ngày, ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) có hàng trăm 'chiến binh nhí' phải vật lộn với những cơn đau để chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo.

Bước vào phòng theo dõi 1, khoa Ung bướu - huyết học (Bệnh viện Nhi đồng 2), chúng tôi dán mắt vào kiểu nằm sấp, chân gồng lên, người ôm lấy chăn của cháu bé. Đó là kiểu “chữa cơn đau" mà cháu bé tự nghĩ ra. Chúng tôi bàng hoàng nhận ra, nhiều đứa trẻ vật lộn nỗi đau ung thư cũng có kiểu nằm như thế.

Đó là cháu Thân Viết Phát (15 tháng tuổi, ở TP.Biên Hoà, Đồng Nai). Cháu Phát vào viện cách đây hơn 1 tháng vì bị bạch cầu cấp dòng lympho (một dạng ung thư máu). Từ một cậu bé kháu khỉnh, khỏe mạnh, bây giờ Phát còn 7 kg, cả cơ thể sưng lên vì tích nước.

Tư thế nằm "chữa cơn đau" của Phát

Tư thế nằm "chữa cơn đau" của Phát

"Cháu còn nhỏ, có mắc tội gì đâu"

Anh Thân Viết Huy (35 tuổi, ba của Phát) với tính cách điềm đạm và thân thiện cho hay, tháng 4.2024, gia đình thấy cổ của con nổi hạch và sốt không ngừng nên mang con đi phòng khám để kiểm tra. Ở đây, bác sĩ chẩn đoán Phát bị bệnh quai bị rồi cấp thuốc cho uống. Phát về nhà được 2 tuần thì sốt cao, những cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm.

Thương con, vợ chồng anh Huy lại mang con trở lại phòng khám chữa trị. Ở đây, bác sĩ nói Phát bị thiếu máu bất thường rồi tiếp tục cấp thuốc để uống. Linh tính chuyện chẳng lành, vợ chồng anh Huy đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thăm khám, hy vọng có bác sĩ giỏi chấm dứt cơn sốt dai dẳng của con.

Phát khóc ngằn ngặt chiến đấu với bệnh ung thư máu

Phát khóc ngằn ngặt chiến đấu với bệnh ung thư máu

Suốt 2 ngày ở bệnh viện chờ kết quả xét nghiệm máu và tủy đồ, dường như dài vô tận đối với vợ chồng anh Huy. Tới chiều, bác sĩ báo hung tin Phát bị ung thư máu. Nghe đến ung thư, vợ chồng anh Huy sụp đổ. Những ngày sau đó, anh lùng sục thông tin trên mạng, kiểm tra tỷ lệ sống của căn bệnh quái ác này nhưng hầu như không có kết quả tốt.

Đêm xuống, anh Huy không ngủ được, nhìn con khóc ngằn ngặt không dứt, anh đau đớn, ruột gan như tan nát. Có lần, đứng ở hành lang bệnh viện, vợ chồng anh Huy định ôm con nhảy xuống cùng chết. “Lúc đó tôi suy nghĩ nhiều lắm, không tin được bệnh này lại rơi vào con mình. Cháu còn nhỏ, có mắc tội gì đâu... Đẻ con ra thấy mặt mũi rồi mà con phải chết, tôi chịu không nổi...", anh Huy chua chát.

Chị Mơ bất lực nhìn con đau đớn vì bệnh ung thư

Chị Mơ bất lực nhìn con đau đớn vì bệnh ung thư

Nhưng khi được bác sĩ động viên, nếu Phát hợp thuốc chống ung thư thì khả năng sống của con là 50%. Nghe đến từ "có hy vọng", vợ chồng anh Huy lấy lại tinh thần, cố gắng tìm đủ mọi cách chữa bệnh cho Phát. Sau đó, Phát được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 2 để truyền hóa chất chống ung thư.

Khi nghe anh Huy kể lại giây phút khủng khiếp mà gia đình đã trải qua, chị Mơ ngồi kế bên lặng lẽ khóc không thành tiếng. Chị vớ tờ giấy đưa lên gò má mà không kịp chặn dòng nước mắt. Trong tay chị là một đống giấy đã bị vò nhàu và đẫm nước.

Chúng tôi được sự đồng ý của anh Huy trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình anh vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ chị Nguyễn Thị Mơ (mẹ của cháu Thân Viết Phát) qua số điện thoại 0383342374.

Số tài khoản Nguyễn Thị Mơ 1015419887 - Ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Biên Hòa 2.

Nỗi sợ mất con bao trùm tâm trí

Gần 2 tháng ở bệnh viện, Phát sống trong căn phòng sặc mùi thuốc sát trùng, bởi những tác động nhỏ từ môi trường và hóa chất có thể khiến em nhiễm trùng bất cứ lúc nào. Vợ chồng anh Huy phải học cách chăm con từ ăn uống, sinh hoạt đến việc tập quen với tên các hóa chất, thuật ngữ y khoa. Không có đêm nào vợ chồng anh ngủ ngon vì nỗi sợ mất con bao trùm tâm trí.

Trước 1 ngày chúng tôi gặp Phát, cháu ở trong tình trạng sốt gần 40 độ C, viêm phổi và nhiễm trùng đường ruột. Anh Huy với giọng run run kể, lúc đó con không còn khóc hay gào thét được nữa mà nằm co ro, toàn thân con run lên bần bật và chỉ biết rên “hừ hừ". Để ý thấy, cánh tay nhỏ bé của Phát đầy những mảng thâm tím, đó là dấu hiệu của nát ven.

Phát được lấy ven ở trên đầu vì ven ở tay, chân đã xơ cứng

Phát được lấy ven ở trên đầu vì ven ở tay, chân đã xơ cứng

Điều ám ảnh nhất đối với anh trong quá trình cùng con chiến đấu với bệnh ung thư máu là gì? Chúng tôi hỏi. Anh Huy đưa ánh mắt nhìn về phía con rồi cho hay, đó là những lần con được chọc dò tủy xương. Mỗi lần lấy tủy cho con phải cần đến 3 người lớn để giữ.

Cái kim chọc tủy dài gần bằng gang tay, đâm xuyên qua da thịt, xới vào vùng xương chậu. Đó là nỗi đau khủng khiếp khiến Phát kêu thét, khóc lóc thảm thiết. Những lúc như vậy, anh Huy không dám đón nhận ánh mắt của con. Anh chỉ biết chạy trốn khỏi đứa trẻ, nghiến răng và vờ như không nghe thấy tiếng con gào thét, kháng cự.

Sau gần 2 tháng nhập viện, Phát đã chịu đựng cảnh đau đớn ấy đó 3 lần. Nhưng sự thật rằng trong tương lai, không biết chuyện này sẽ còn tiếp diễn bao nhiêu lần nữa làm cho anh Huy cảm thấy bủn rủn và sợ hãi.

“Tôi chưa bao giờ suy nghĩ con mình sẽ phải chịu đựng nỗi đau đớn như vậy. Người lớn như mình không chịu được, huống gì đứa trẻ. Nhìn con, tôi thương lắm mà mình chẳng làm gì được, chỉ biết nhìn và nén nước mắt thôi”, anh Huy nói, gương mặt đượm buồn.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, đôi khi bị ngắt quãng bởi tiếng khóc ngặt nghẽo của Phát. Chị Mơ lại ẵm con trên vai, tìm cách vỗ về con. Chị nhẹ nhàng xoa xoa lưng con, hy vọng có thể xoa dịu đi nỗi đau đang giằng xé.

"Tôi đánh đổi gì cũng được, chỉ cần đừng mất con"

12 năm trước, từ vùng quê nghèo ở H.Can Lộc (Hà Tĩnh), anh Huy khăn gói vào Đồng Nai kiếm việc làm thì gặp chị Mơ. Anh làm Huy làm công nhân sản xuất sợi, trung bình kiếm được 7 triệu đồng/tháng. Còn chi Mơ làm công nhân may, mỗi tháng kiếm được hơn 5 triệu đồng.

Gia đình anh Huy đang ở trọ, căn phòng rộng chừng 10 m2, giá thuê 1,3 triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh dành dụm, định bụng khi nào ổn định sẽ xây một căn nhà nhỏ để gia đình sống thoải mái, yên ấm về sau. Nào ngờ, từ ngày con đổ bệnh, kinh tế gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ. Để có tiền chữa bệnh cho con, vợ chồng anh Huy chủ yếu vay mượn họ hàng, người thân... Hiện tại, số nợ đã lên đến 100 triệu đồng.

Vợ chồng chị Mơ quyết cùng con điều trị ung thư đến cùng

Vợ chồng chị Mơ quyết cùng con điều trị ung thư đến cùng

Phát là con út, trước Phát còn có người anh 7 tuổi. Để cùng Phát lên TP.HCM chữa bệnh ung thư, vợ chồng anh Huy gửi con lớn cho người thân chăm sóc.

“Bác sĩ nói 1 toa thuốc của con dao động từ 50 - 80 triệu đồng, mà thời gian điều trị của con còn dài, tôi cũng không biết lấy đâu ra tiền điều trị cho Phát. Bây giờ tài sản của gia đình tôi còn 2 chiếc xe máy, chắc cũng phải bán luôn thôi", anh Huy xót xa.

Khi chúng tôi hỏi về mong ước của mình, anh Huy thở dài buồn bã: “Lúc trước mình ước mơ nhiều cái lắm, nào công việc ổn định, xây nhà cho con ở. Nhưng bây giờ mình chỉ cần con khỏe mạnh, chiến thắng được bệnh tật là đủ. Con là tất. Mình đánh đổi gì cũng được, chỉ cần đừng mất con".

Hiện tại, Phát đang vào toa hóa chất đầu tiên. Theo phác đồ điều trị ung thư máu, nếu sức khỏe ổn định và hợp thuốc chống ung thư, sau 5 toa thuốc, Phát sẽ được qua giai đoạn duy trì.

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.