Có sân bay, Đắk Nông sẽ được 'chắp cánh'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh trong cuộc trao đổi với Thanh Niên xung quanh việc tỉnh này đang dồn lực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch , mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng Tây Nguyên.
Theo bà Hạnh, để đạt được mục tiêu này, cần tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông và sân bay là một trong những giải pháp quan trọng.
 
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông
* Bà có thể cho biết tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk Nông hiện ra sao? Tỉnh tập trung vào những lĩnh vực nào?
- Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh Chúng tôi xác định tập trung phát triển và thu hút đầu tư vào 3 trụ cột kinh tế gồm: công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch.
Đắk Nông có trữ lượng bô-xít vào loại tốt nhất thế giới và lớn nhất cả nước, là lợi thế tự nhiên đặc biệt quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và các ngành phụ trợ khác. Năng lượng tái tạo cũng là một thế mạnh khác của tỉnh với tổng số giờ nắng cao, đạt 2.000 - 2.600 giờ/năm, tốc độ gió bình quân 2,4 - 5,4 m/s, rất thích hợp để phát triển dự án điện gió, điện mặt trời.
Đắk Nông có vùng đất đỏ bazan màu mỡ, chiếm 60,34% diện tích phù hợp phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, cao su, cây ăn quả; khí hậu ôn hòa, sinh thái đa dạng, nguồn nước phong phú thuận lợi cho phát triển các loại rau, củ, quả. Không chỉ có thế, Đắk Nông cũng giàu tiềm năng để phát triển kinh tế rừng và kinh tế nông nghiệp.
Thế mạnh lớn khác của Đắk Nông không thể không nhắc tới là du lịch. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp, hùng vĩ, với nhiều thác nước như thác Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ, Đắk G’Lun, Năm Tầng, đặc biệt Hồ Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên”, Công viên địa chất Đắk Nông được tổ chức UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Đây cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của hơn 40 cộng đồng dân tộc cùng chung sống với những bản sử thi truyền đời, những di tích lịch sử, không gian nghệ thuật, văn hóa cồng chiêng đặc sắc.
Với những lợi thế trên và với quyết tâm của chính quyền tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, xác định rõ các lĩnh vực trọng điểm thu hút và mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng Tây Nguyên.
Đến nay, Đắk Nông đã hút được 403 dự án với tổng vốn đăng ký trên 74.000 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư trong nước là 393 dự án, với tổng vốn là 66.8 tỉ đồng, chiếm 90,3% tổng vốn đăng ký; đầu tư nước ngoài (FDI) là 10 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 7.200 tỉ đồng (tương đương 219 triệu USD) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp.
* Số lượng dự án cũng như chất lượng nhà đầu tư, theo đánh giá của bà đã tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa, vì sao ?
- Chúng tôi đánh giá con số thu hút đầu tư vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh, chưa khai thác tối đa lợi thế có sẵn của Đắk Nông.
Có một thực tế là rất nhiều nhà đầu tư lớn đã đến khảo sát, hoặc xin đăng ký đầu tư, sau đó lại rút lui vì họ tính toán chi phí đi lại quá lớn khiến đội giá thành sản phẩm, dịch vụ …Tiềm năng du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng, còn manh mún, nhỏ lẻ, doanh thu hạn chế. Đời sống bà con dân tộc thiểu số vẫn còn nghèo. Đây cũng là điều mà chúng tôi vô cùng trăn trở.
 
Hồ Tà Đùng được ví như Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên
Hồ Tà Đùng được ví như Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên
* “Chi phí đi lại quá lớn”, ý bà muốn nói đến hạ tầng giao thông của Đắk Nông ?
- Đúng vậy. Hiện Đắk Nông vẫn chỉ có duy nhất 1 phương thức vận tải là đường bộ với quy mô, kết cấu, tải trọng đường hạn chế. Toàn tỉnh chỉ có hệ thống quốc lộ và một số tuyến tỉnh lộ với quy mô 2 làn xe, mặt bê tông nhựa, còn lại chủ yếu là 1 làn xe, mặt đường láng nhựa, đường đất. Đường sắt, đường hàng không chưa được xây dựng; đường sông do khó khăn về địa hình nên khai thác không đáng kể.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối với TP.HCM chủ yếu được lưu thông độc đạo qua tuyến đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14). Tuyến quốc lộ 28 kết nối sang Lâm Đồng, Bình Thuận chưa được đầu tư cải tạo nâng cấp. Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư xây dựng.
Hạ tầng giao thông còn thiếu và yếu là điểm nghẽn lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh. Chính vì vậy, chúng tôi xác định cần tập trung tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông, bên cạnh nhiều giải pháp đồng bộ khác như làm tốt công tác quy hoạch, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử…
Khát vọng của chính quyền và nhân dân Đắk Nông là sẽ thu hút được nhiều “sếu đầu đàn” đến đánh thức những tiềm năng đang còn ẩn giấu.
* Cụ thể Đắk Nông sẽ tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông như thế nào?
- Về đường bộ, tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dài 140km đầu tư theo hình thức PPP trong đó có 38km chạy qua địa bàn tỉnh đang được thúc đẩy để sớm triển khai. Tuy nhiên, để tạo sự đột phá trong hạ tầng giao thông, mong muốn của địa phương là được chấp thuận cho phép xây dựng sân bay ở khu vực gần Hồ Tà Đùng trong tương lai.
Hồ Tà Đùng đang trở thành địa danh thu hút lượng lớn khách du lịch đến địa phương, với tên gọi “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên”. Riêng dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, Đắk Nông thu hút trên 46.000 khách du lịch, tăng 655% so với cùng kỳ, trong đó riêng khu du lịch Tà Đùng và các điểm đến trong huyện Đắk Glong đã đón khoảng 16.500 lượt khách.
Tuy nhiên, du khách đến nhưng ít lưu trú, chi tiêu thấp do dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, manh mún. Toàn tỉnh có 298 cơ sở lưu trú nhưng chỉ có 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 cơ sở được công nhận 2 sao và 15 cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Các hoạt động vui chơi, giải trí tại các khu, điểm du lịch còn thiếu, chưa tạo được ấn tượng để giữ chân du khách.
Khó khăn về hạ tầng giao thông, hạn chế về hạ tầng du lịch nên Đắk Nông gần như chưa hút được dòng khách cao cấp, khách quốc tế.
Chúng tôi tin rằng nếu có sân bay tại đây, không chỉ du lịch mà mọi lĩnh vực KT-XH, thu hút đầu tư của Đắk Nông sẽ có bước ngoặt phát triển vì rút ngắn khoảng cách từ mọi miền Tổ quốc hay từ nhiều nơi trên thế giới đến với Đắk Nông. Khi đó, mọi vấn đề về logistic, vận chuyển hàng hóa, thông thương, đi lại vốn là nỗi trăn trở bao lâu nay của các doanh nghiệp khi đầu tư vào Đắk Nông sẽ được tháo gỡ.
Đắk Nông là đầu mối kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có 141 km đường biên giới với Campuchia. Do đó, bên cạnh vai trò bệ phóng cho kinh tế, du lịch, sân bay còn có ý nghĩa quan trọng trong công tác quốc phòng an ninh, cứu trợ cứu nạn ở địa phương vùng cao nguyên, biên giới.
 
Công viên địa chất Đắk Nông được tổ chức UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: N.A
Công viên địa chất Đắk Nông được tổ chức UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: N.A
* Đầu tư sân bay cần số vốn không nhỏ trong khi trước đó, Đắk Nông đã đề xuất đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp dân sự. Vậy nếu có thêm 1 sân bay nữa ở Hồ Tà Đùng liệu có hợp lý không, thưa bà?
Đây là câu hỏi nhiều người sẽ đặt ra. Sân bay Nhân Cơ nằm xã Nhân Cơ, huyện Đăk R'Lấp, cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 20 km, hiện phục vụ quốc phòng. Vừa qua Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng đã thống nhất chủ trương quy hoạch sân bay Nhân Cơ thành sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp với dân sự.
Tuy nhiên, sân bay chuyên dùng không thuộc phạm vi, đối tượng nghiên cứu của Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sân bay chuyên dùng sử dụng cho máy bay cỡ nhỏ, thủy phi cơ, trực thăng hoạt động để phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi với quy mô hạn chế.
Trong khi, chúng tôi đang nhìn việc xây dựng sân bay Hồ Tà Đùng trong tầm nhìn 30-50 năm tới, và trong mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với tiềm năng hiện hữu, chúng tôi tin rằng nếu các chuyến bay thương mại được đáp gần hơn tới Hồ Tà Đùng sẽ đem ngày càng nhiều du khách, đặc biệt khách cao cấp đến đây thưởng lãm, du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, các “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, giải trí cũng sẽ nhìn thấy triển vọng lớn để đầu tư bài bản vào hạ tầng du lịch, “lật thế cờ” hiện tại của du lịch Đắk Nông.
Vì vậy chúng tôi xác định hạ tầng giao thông thuận tiện, hiện đại, hạ tầng du lịch chất lượng, đồng bộ sẽ tạo được bệ phóng đưa du lịch bứt phá. Trong đó giao thông phải đi trước một bước. Trước khó khăn và nhu cầu hiện hữu của địa phương, Đắk Nông sẽ làm sân bay này bằng nguồn vốn xã hội hóa, không dùng ngân sách.
Chúng tôi mong rằng đề xuất này sẽ được chấp thuận, giúp một tỉnh giàu tiềm năng nhưng bị hạn chế về vị trí địa lý, nằm ở biên giới vùng cao Tây Nguyên sớm có cơ hội lột xác toàn diện về mọi mặt KT-XH, tạo dựng được thương hiệu du lịch, ghi danh lên bản đồ du lịch quốc gia và khu vực. Nếu được trung ương chấp thuận chủ trương, chúng tôi sẽ quyết tâm thu hút nguồn vốn tư nhân trong thời gian sớm nhất để làm một sân bay dân dụng hiện đại, đưa Đắk Nông “cất cánh” trong tương lai không xa.
Theo Hà Khanh (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm