Có nên "chốt cứng" việc giao dịch bất động phải thực hiện qua sàn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc giao dịch bất động sản phải qua sàn là để ngăn ngừa vi phạm, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư và khách hàng. Song cũng có ý kiến cho rằng tránh tạo thêm rào cản trong tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.
Đề xuất về việc giao dịch bất động sản phải qua sàn giao dịch đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: TTXVN
Đề xuất về việc giao dịch bất động sản phải qua sàn giao dịch đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: TTXVN
Thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng tổ chức xin ý kiến về Dự thảo Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi; trong đó, nội dung “quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn giao dịch” được quan tâm và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều năm qua, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã “ưu ái” trao quyền cho các chủ đầu tư dự án bất động sản được tự quyết định phương thức đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng. Mục đích là để các chủ đầu tư chủ động với thị trường, giảm chi phí bất động sản khi đến tay khách hàng.
Tuy nhiên, hệ quả nhận được lại không như mong đợi. Minh chứng rõ nét nhất là giá bất động sản vẫn ngày càng tăng. Riêng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phân khúc nhà ở bình dân, giá rẻ gần như không còn trên thị trường.
Đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận xét các nhà phát triển, chủ đầu tư bất động sản mỗi năm tạo ra hàng trăm ngàn sản phẩm, góp phần cung ứng cho thị trường bất động sản hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ và nhà ở là rất đáng ghi nhận.
Nhưng song song với đó cũng tạo ra không ít hệ lụy, gây nhiều bất ổn cho thị trường bất động sản Việt Nam với những vụ khách hàng, nhà đầu tư khiếu nại, kiện cáo, tranh chấp… vì sản phẩm thực tế không như quảng cáo chào mời; thậm chí có hiện tượng lừa đảo khách hàng.
Mặc dù hiện tượng này không phải là phổ biến nhưng đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn với tính chất nghiêm trọng hơn. Mặt khác, tình trạng trốn thuế, rửa tiền… cũng đang diễn ra và rất khó kiểm soát.
Nguyên nhân chủ yếu là do trên thị trường và pháp luật hiện hành đang thiếu một cơ quan với cơ chế thẩm tra, kiểm soát, ngăn ngừa vi phạm.
Do đó, các nhà đầu tư và khách hàng là đối tượng hứng chịu hết mọi hệ quả của hiện tượng tiêu cực, nhất là đối với loại hình bất động sản hình thành trong tương lai - VARS nêu vấn đề.
VARS dẫn chứng trên thị trường giao dịch hàng hóa hiện nay, loại hình bất động sản đã có sổ đỏ và chứng khoán được pháp luật quy định cụ thể về cơ quan trung gian chịu trách nhiệm thẩm tra, kiểm soát thông tin đó là phòng công chứng, sàn giao dịch chứng khoán.
Điều này đã thực sự tạo ra rào cản ngăn ngừa vi phạm một cách chắc chắn, bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư và khách hàng. Thông qua các cơ quan này, gần như không thể lừa dối hoặc truyền tải thông tin sai lệch tới khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS phân tích để phát triển thị trường bất động sản minh bạch, hệ thống pháp luật liên quan nên quy định sàn giao dịch phải trở thành hoạt động có điều kiện và các chủ đầu tư bán bất động sản bắt buộc phải qua sàn.
Khi đó, mọi thông tin sẽ được niêm yết công khai và minh bạch. Tính pháp lý cũng sẽ được mang vào giao dịch, giúp kiểm soát được tình trạng đầu cơ đất như hiện nay.
Vì vậy, theo VARS, việc Bộ Xây dựng đưa quan điểm sửa Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó có việc luật hóa vai trò sàn giao dịch bất động sản bằng “quy định giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai phải thông qua sàn giao dịch” là rất cần thiết và hợp lý.
Việc gắn trách nhiệm và năng lực cho sàn giao dịch bất động sản chính là để đảm bảo sự minh bạch của thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích cho khách hàng, nhà đầu tư...
Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn cầu (GP Invest) Nguyễn Quốc Hiệp lại cho rằng việc đưa ra quy định này là vô lý bởi phần lớn các chủ đầu tư đều có một bộ phận kinh doanh, bán hàng nên mọi giao dịch đều được thực hiện minh bạch.
Bản thân đội ngũ bán hàng của chủ đầu tư cũng được đào tạo trong suốt một thời gian dài và hiểu rõ về sản phẩm của đơn vị mình thì thông tin cũng như chào bán còn hiệu quả hơn khi giao cho sàn bất động sản.
 
Có ý kiến đề xuất Bộ Xây dựng tránh việc tạo thêm “rào cản” trong tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: TTXVN
Có ý kiến đề xuất Bộ Xây dựng tránh việc tạo thêm “rào cản” trong tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: TTXVN
Thực tế hiện nay, một sàn giao dịch bất động sản có thể bán nhiều dự án cùng lúc, phục vụ nhiều chủ đầu tư nên tính tập trung, chi tiết sẽ không cao - ông Hiệp chỉ rõ.
Bởi vậy, Bộ Xây dựng xem xét lại đề xuất này, tránh việc tạo thêm “rào cản” trong tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp mà nên để các chủ đầu tư tùy chọn phương án bán hàng phù hợp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho rằng quy định này là bước thụt lùi và cũng không phù hợp với các quy định hiện hành, không sát với thực tiễn.
Ông Châu lo ngại có thể sinh ra đặc quyền, đặc lợi cho sàn giao dịch bất động sản, ảnh hưởng quyền tự chủ kinh doanh của chủ đầu tư dự án và phát sinh thêm chi phí cũng dẫn đến việc tăng giá bán của bất động sản.
Trên thực tế, quy định này đã từng nằm trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 với nội dung ghi rõ “tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản.”
Giai đoạn đó, chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được tự bán 20% số lượng sản phẩm còn 80% sản phẩm còn lại phải bán thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu, những kiểu quy định này xâm phạm quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh, tự chủ kinh doanh, lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng của chủ đầu tư dự án bất động sản.
Bản thân các sàn giao dịch không bỏ vốn đầu tư vào dự án bất động sản nhưng lại được đặc quyền bán 80% sản phẩm dự án là không bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp.
Ngoài việc sàn giao dịch bất động sản được nhận mức phí giao dịch theo tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị hợp đồng theo quy định thỏa thuận cũng nên lường trước đến tình huống sàn giao dịch bất động sản còn có thể chiếm dụng tiền thanh toán hợp đồng của khách hàng với chủ đầu tư - chuyên gia này cảnh báo.
Khi Luật Kinh doanh Bất động sản 2006 áp dụng quy định này, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã nhanh chóng thành lập các sàn giao dịch bất động sản để “đối phó” với những ràng buộc kiểu này.
Tuy Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản mới đang ở bước lấy ý kiến để hoàn thiện nhưng đã thu hút sự quan tâm của dư luận; trong đó có nhiều chuyên gia, doanh nghiệp... cũng chứng tỏ sức “nóng” của lĩnh vực này.
Trong khi chờ hệ thống quy phạm pháp luật được sửa đổi và ban hành, các chuyên gia cho rằng, cũng có nhiều sàn giao dịch bất động sản uy tín và không nên lấy hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” để đánh đồng tất cả.
Bởi vậy, nên khuyến khích người mua nhà tìm các đơn vị sàn giao dịch bất động sản uy tín để được tư vấn và cung cấp thông tin đúng, đảm bảo quyền lợi, nhất là những sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai.
Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất