(GLO)- Những điểm mạnh lẫn điểm yếu của du lịch Gia Lai được mổ xẻ, đánh giá một cách thẳng thắn bởi các đơn vị làm du lịch chuyên nghiệp của 2 địa phương Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh sau chuyến famtrip lẫn “hội nghị bàn tròn” vừa diễn ra.
Du lịch Gia Lai đang đứng trước cơ hội phát triển khi cùng lúc nhận được nhiều sự quan tâm. Liên tiếp những cuộc khảo sát có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch lớn đến từ 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của việc ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai và các thành phố lớn diễn ra trước đó. Ngay cả các doanh nghiệp du lịch tại Gia Lai trước nay vốn không mặn mà nhiều với việc khai thác tour, tuyến mới trong tỉnh cũng đã thay đổi cách nhìn nhận, chào bán những tour “mới toanh” với nhiều điểm đến mới vừa được khai thác. Đặc biệt hơn khi lãnh đạo tỉnh cũng dành sự quan tâm, ưu ái cho ngành “công nghiệp không khói” bằng những quyết sách và chỉ đạo sâu sát.
Đoàn Famtrip khảo sát di tích An Khê Đình-tổ đình trên đất An Khê. Ảnh: H.N |
Cú hích cho du lịch
Việc ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai và 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước đã mở ra nhiều cơ hội. Nhiều đoàn famtrip đến từ 2 đầu cầu Nam-Bắc sau đó đã tổ chức ngay những chuyến khảo sát khiến cho vùng đất này có cơ hội “lọt mắt xanh” các nhà khai thác du lịch chuyên nghiệp. Mới đây nhất, hơn 10 doanh nghiệp du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp của tỉnh đã khảo sát các điểm đến ở khu vực Đông Trường Sơn như: Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ, Di tích Lịch sử An Khê Đình, An Khê Trường (thị xã An Khê); Làng Kháng chiến Stơr, thác Hang Dơi (huyện Kbang) và một số điểm phía Tây như Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya... Đại diện các doanh nghiệp du lịch đã có những ấn tượng đẹp và đánh giá tích cực. Bà Tú Uyên (Công ty Vietravel) cho biết: “Chúng tôi đã có nhiều sản phẩm truyền thống tại khu vực Tây Nguyên nhưng vẫn luôn khao khát tìm kiếm những sản phẩm mới, hấp dẫn để đưa khách đến. Chuyến khảo sát này mở ra nhiều hy vọng”.
Chuyến khảo sát du lịch diễn ra đúng vào những ngày huyện Kbang tổ chức Ngày hội Văn hóa cồng chiêng. Dưới con mắt của các vị khách phương xa, Gia Lai không chỉ có những cảnh quan kỳ vĩ, nguyên sơ mà còn có bề dày văn hóa-lịch sử, di sản quý giá để khai thác du lịch. Một số người thừa nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” lâu nay chỉ là một khái niệm mơ hồ trong suy nghĩ, chưa hiểu nên chưa định hình thành sản phẩm đặc trưng để giới thiệu đến khách hàng. Sau chuyến khảo sát, họ mới hiểu vì sao nền văn hóa độc đáo, riêng có này lại được thế giới vinh danh.
Ông Nguyễn Tấn Hòa-Giám đốc Công ty Du lịch Thanh niên Việt Nam, chia sẻ: “Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản quý giá, giàu tiềm năng để khai thác du lịch. Tôi đi nhiều tỉnh Tây Nguyên nhưng theo những thông tin thu nhận được, Gia Lai vẫn còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng so với các tỉnh, đây là lợi thế lớn. Nếu các địa phương ở Gia Lai luân phiên tổ chức lễ hội này và có sự quảng bá, thông tin trước, doanh nghiệp du lịch sẽ có kế hoạch đưa khách đến. Được trải nghiệm lễ hội văn hóa của người Tây Nguyên tại vùng đất Kbang, tôi bị chinh phục hoàn toàn”. Ông Hòa cho biết thêm, các điểm đến về văn hóa-lịch sử ở Gia Lai đã khiến ông vỡ lẽ ra nhiều điều mà trước đó chưa hiểu tận cùng. “Thú thực lâu nay tôi vẫn nghĩ Quang Trung-Nguyễn Huệ chỉ dính dáng đến vùng đất Bình Định. Không biết rằng vùng An Khê lại có vai trò, ý nghĩa lớn như vậy trong cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn. Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ cũng là câu chuyện lịch sử chứa đựng quá nhiều sự hấp dẫn để khai thác du lịch”-ông Hòa nói.
Đoàn famtrip cũng đánh giá cao ẩm thực Gia Lai khi đúng vào dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng công nhận giá trị ẩm thực châu Á cho món phở khô, trao bằng công nhận mật ong Gia Lai lọt top 10 đặc sản làm quà tặng nổi tiếng của Việt Nam. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ-Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, trưởng đoàn famtrip, đánh giá: “Các bạn có giá trị ẩm thực, tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa phong phú. Đây là những yếu tố phục vụ cho du lịch sinh thái, văn hóa-loại hình phù hợp với trào lưu du lịch mới, hướng đến sự trải nghiệm của cá nhân. Đó là những yếu tố mà TP. Hồ Chí Minh đang cần: kết nối giữa sự sôi động của đô thị lớn nhất nước với sự trầm tĩnh, hoang sơ của núi rừng Gia Lai. Cùng với những giá trị về tài nguyên du lịch của Gia Lai được đầu tư trong thời gian gần đây, tôi nghĩ sự hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới”. Ông Vũ cho rằng, thời gian tới, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch kết nối với Gia Lai để có những sản phẩm du lịch mới.
Những gợi mở
Tài nguyên du lịch Gia Lai được các doanh nghiệp đánh giá rất tích cực. Tuy nhiên, để xây dựng thành sản phẩm du lịch mới đưa khách đến với Gia Lai thì còn rất nhiều việc phải bàn. Các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến, gợi mở một số cách làm dựa trên kinh nghiệm và nhu cầu khai thác du lịch. Chẳng hạn Làng Kháng chiến Stơr được bà Phan Yến Ly-Trưởng phòng Điều hành Khối Inbound (nội địa) Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Lữ hành Sai Gon Tourist, khẳng định sẽ là điểm đến hấp dẫn, trở thành sản phẩm du lịch mới của tỉnh Gia Lai. “Nhưng để chúng tôi đưa khách đến đây thì điểm du lịch này cần được trang bị thêm chỗ lưu trú, nhà vệ sinh. Và các hoạt động trong làng phải toát lên được đặc trưng của văn hóa bản địa Tây Nguyên, từ cách ăn mặc của người dân đến những sinh hoạt văn hóa, lao động hàng ngày. Hay cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo cần kết nối thêm các tuyến, điểm xung quanh để tránh sự rời rạc”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng: Những góp ý của các đơn vị khai thác du lịch chuyên nghiệp hoàn toàn xác đáng, làm cơ sở để tỉnh có sự chỉ đạo, đầu tư, khai thác đúng hướng. Điểm yếu của du lịch tỉnh hiện nay chính là hoạt động quảng bá thiếu hấp dẫn, khiến nhiều điểm đến giàu tiềm năng chưa được doanh nghiệp du lịch để mắt, khai thác. Để không lãng phí nguồn tài nguyên du lịch phong phú được các doanh nghiệp du lịch đánh giá cao trong chuyến khảo sát, tỉnh sẽ dành cho ngành “công nghiệp không khói” sự ưu tiên và chỉ đạo sâu sát. |
Ông Nguyễn Tấn Hòa lại dành sự quan tâm đến loại hình du lịch sinh thái với những gợi mở cho địa phương để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch này: “Kbang có nhiều thác ghềnh hoang sơ, nhưng đường đi tương đối khó khăn, cần được cải tạo mới có thể đưa khách tới một cách thuận lợi. Tuy nhiên, địa phương cần chú ý điều này: dễ đi, an toàn cho du khách nhưng không được phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Cần đặt ra yêu cầu này với nhà đầu tư để đúng hướng ngay từ đầu”. Một số ý kiến khác cũng cho rằng, tỉnh cần tăng cường hoạt động quảng bá du lịch ở các thành phố lớn, tạo ra những sự kiện văn hóa-du lịch hàng năm để tăng lượng khách đến; ở các di tích lịch sử-văn hóa cần khai thác tối đa các câu chuyện xung quanh để tạo thêm sức hấp dẫn cho điểm đến; có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuyên sâu, chuyên nghiệp để đáp ứng đòi hỏi ngày càng khó tính của thị trường du lịch...
Hoàng Ngọc