Cô giáo “cắm làng” thời gian khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một ngày mưa tầm tã, cô giáo Thủy cùng đồng nghiệp Nguyễn Thị Hòa tay xách chiếc hòm gỗ đựng quần áo, tay xách dép lò dò trên lối mòn trơn nhẫy, hun hút cỏ đuôi chồn tìm về làng Lút, xã Ia Phí mở lớp. Bấy giờ, Ia Phí thuộc huyện Chư Păh cũ, được coi là xã vùng sâu, dân số chủ yếu là người dân tộc Jrai.

Những ngày học sư phạm cứ háo hức chờ ngày ra trường bao nhiêu thì bây giờ lại thấy nản bấy nhiêu. Cả làng chỉ loi thoi vài ngôi nhà tôn vách nứa, còn lại là tranh tre ọp ẹp, xác xơ vì gió đánh. Trường học cũng là một căn nhà tranh vách nứa trông còn thảm hại hơn nhà dân. Chỗ ở cho giáo viên không có, phải ở nhờ nhà Chủ tịch UBND xã. Chưa quen phong tục, 2 cô thấy gì cũng sợ. Đến bữa gia đình mời cơm cũng chẳng dám ăn; sáng, tối chỉ ăn bắp nướng trừ bữa. Sau buổi lên lớp ngắn ngủi, 2 cô chẳng biết làm gì. Không dám mong có tờ báo, cuốn sách để xem, chỉ mong cho ngày chóng hết để cuối tuần được gặp đồng nghiệp, được nói… tiếng phổ thông. Buồn quá, có lúc 2 cô bàn nhau hay là bỏ nghề về quê sống. Nhưng bỏ nghề thì lại nghĩ tiếc công học hành. Vậy là lại tự động viên: “Thôi thì cứ gắng một vài năm, biết đâu rồi sẽ được chuyển về vùng người Kinh”.

Nhiều giáo viên phải vào vùng sâu, vùng xa, dạy học và sinh sống trong điều kiện khó khăn. Ảnh minh họa: Hồng Điệp – TTXVN

Nhiều giáo viên phải vào vùng sâu, vùng xa, dạy học và sinh sống trong điều kiện khó khăn. Ảnh minh họa: Hồng Điệp – TTXVN

Những năm 80 của thế kỷ trước, giáo viên “cắm làng” như 2 cô thực ra đã vào hàng... may mắn. Nhiều giáo viên phải vào vùng sâu, vùng xa, dạy học và sinh sống trong điều kiện mà bây giờ khó ai có thể tưởng tượng được. Còn nhớ năm 1986, tôi vào xã Đak Blô (bây giờ thuộc tỉnh Kon Tum) công tác. Sở dĩ tôi dám vào một nơi xa xôi như thế là bởi nhân tiện có chiếc xe bò vàng vào chở gỗ. Tìm được Chủ tịch UBND xã, làm việc quáng quàng cho xong, tôi ra đường chờ chiếc xe quay ra. Nhưng chẳng hiểu anh tài xế quên hay vì một lý do gì, chờ đến gần trưa cũng chẳng thấy tăm hơi chiếc xe đâu. Không còn cách nào khác, tôi đành liều cuốc bộ về huyện. Đang cắm cổ bước, tôi chợt nghe tiếng người hú phía trên triền dốc. Ngẩng đầu nhìn lên thì thấy 2 cô gái vừa gọi vừa giơ tay vẫy.

“Lạ nhỉ, ai mà lại làm nhà ra sống tách biệt giữa núi rừng thế này?”. Lòng đầy nghi hoặc nhưng không nén nổi sự tò mò, tôi quyết định tới nơi xem thử. Thì ra là 2 cô giáo “cắm làng”. Trường của 2 cô, chính xác thì nó là một ngôi nhà tranh vách nứa, nhỉnh hơn căn lều một chút, được ngăn làm đôi. Một bên là nơi ở của 2 cô, một bên là lớp học. Bàn ghế là những cây tre lồ ô được chẻ ra ghép lại. Cả bảng cũng bằng nứa ghép lại rồi dùng than củi sơn đen. Hỏi vì sao trường học không ở gần làng, lại tách biệt giữa rừng thì được kể: Lúc các cô xuống mở lớp, làng nào cũng muốn mình có trường học, có cô giáo. Họ giành nhau không ai chịu ai. Cuối cùng thì một giải pháp “công bằng” được hai bên nhất trí là trường sẽ đóng ở trung tâm con đường nối 2 làng. “Nhiều người lạ qua đây không biết, cứ ngỡ chúng em là người mắc bệnh phong nên bị làng đuổi”-các cô cười mà khóe mắt rớm ướt.

Rồi, các cô nấu cơm trưa cho tôi ăn. Một con gà do các cô nuôi được làm thịt đãi khách. Không nước mắm, không gia vị, các cô đành chọn cách luộc lên rồi giã muối ớt chấm. Suốt bữa ăn, tôi toàn nói những chuyện vui, hài hước cho các cô khuây khỏa bởi đã quá đủ để hình dung cuộc sống ở nơi này. “Nhiều khi buồn quá, cứ thấy ai đi qua đây là chúng em ra chặn đường, lấy cớ mời vào uống nước để được trò chuyện. Thế nhưng người qua đấy cũng hiếm lắm. Suốt cả tháng nay, anh là người duy nhất chúng em được trò chuyện đấy”-các cô kể.

Những năm đất nước trong thời gian khó, những năm ngành Giáo dục các tỉnh Tây Nguyên đang đặt những viên gạch nền móng đầu tiên ở các xã vùng sâu, vùng xa, trong khi nhiều giáo viên ở ngay thị trấn, thị xã còn bỏ nghề vì đồng lương bèo bọt thì vẫn có hàng ngàn các thầy-cô giáo dấn thân, chấp nhận một cuộc sống gian khổ như thế. Từ họ, biết bao người dân ở các ngôi làng vùng sâu, vùng xa đã được khai mở những con chữ đầu tiên. Với tôi, những thầy-cô giáo “cắm làng” ở vùng sâu, vùng xa tôi gặp thời ấy, họ xứng đáng là những anh hùng. Chẳng thế mà đã gần 40 năm rồi, không gì có thể khiến tôi nhớ hơn là buổi chiều hôm ấy, khi tôi xuống đến cuối chân dốc ngoảnh lại vẫn thấy bóng dáng nhỏ bé của 2 cô còn vẫy tay theo.

Có thể bạn quan tâm

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

(GLO)- Suốt 7 năm công tác tại điểm trường làng Châu (Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro), cô Huỳnh Thị Cẩm Hồng luôn vượt khó kiên trì bám lớp. Càng thương học trò, cô càng quyết tâm "ươm mầm" tri thức, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.