Một mình cõng chữ lên non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Qua mấy mùa sương phủ, dấu chân của thầy Tuyền đã in mòn trên đường lên ngọn núi Ngọk Brel. Mắt lũ trẻ trên đỉnh núi này cũng đã quen nhìn cái dáng mảnh khảnh của người thầy đáng kính.

 Thầy Tuyền một mình lên Điek Ta Âu gieo chữ - Ảnh: ĐỨC NHẬT
Thầy Tuyền một mình lên Điek Ta Âu gieo chữ - Ảnh: ĐỨC NHẬT



Lớp học giữa sương mù

H.Kon Plông mưa không dứt. Đây là địa phương có lượng mưa lớn nhất của tỉnh Kon Tum. Không chờ được nắng, chúng tôi đành vượt núi trong mưa rừng. Chuyến đi lần này, chúng tôi muốn đến thăm điểm trường Điek Ta Âu ở xã Ngọk Tem (H.Kon Plông), nơi có một thầy giáo ngày ngày cắm bản trồng con chữ trên ngọn núi Ngọk Brel quanh năm mây phủ. Đó là thầy Đoàn Văn Tuyền (28 tuổi) phụ trách dạy 11 học sinh lớp ghép 1, 2.

Con đường dẫn lên điểm trường Điek Ta Âu đa phần là dốc cao dựng đứng, thi thoảng lại xuất hiện những tảng đá lớn lởm chởm nằm chắn ngang. Nói là đường nhưng thực ra chỉ là một lối mòn nhỏ. Bên này là chênh vênh sườn núi, bên kia là miên man đáy vực.

Con đường lên núi nhớp nháp bùn đất khiến chúng tôi phải bỏ xe máy lại và cuốc bộ. Thầy Lê Văn Thức, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ngọk Tem, vừa đạp núi vừa kể trong tiếng thở dốc: “Ở đây là vậy, mỗi khi mưa xuống đường đất trơn tuột không thể đi được bằng xe máy. Các thầy cô muốn lên điểm trường chỉ có cách lội bộ hơn 5 km. Trên đỉnh núi này có 3 nhóm hộ dân sinh sống với hàng chục đứa trẻ đang ở độ tuổi đến trường. Bởi vậy chính quyền địa phương đã xây dựng một điểm trường để xóa mù chữ cho con em”.

Thầy Thức bảo rằng điểm trường này quanh năm có sương mù. Phải đến 9 giờ sương sớm mới tan nhưng đến 14 giờ sương núi lại bắt đầu phủ xuống. Bởi vậy ở nơi đây rất lạnh, có những hôm nhiệt độ giảm xuống còn 11 độ C.

Phải mất hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi mới đặt chân tới Điek Ta Âu. Giữa đỉnh trời Ngọk Brel dăm ba nóc nhà vách gỗ và điểm trường Điek Ta Âu lẩn khuất dưới điệp trùng mây núi. Điểm trường này là nơi duy nhất con em của người Ca Dong ở đây đến tìm cái chữ.


 

Thầy Tuyền (bìa phải) ăn uống, sinh hoạt ngay trong nhà già làng A Thao
Thầy Tuyền (bìa phải) ăn uống, sinh hoạt ngay trong nhà già làng A Thao



Người dân góp từng lon gạo, bó rau nuôi giáo viên

Càng đến gần điểm trường, tiếng tập đọc của lũ trẻ càng to rõ hơn. Thấy người lạ, tiếng đánh vần ê a giữa đại ngàn cũng bất chợt dừng lại. Lớp học là một căn nhà cấp bốn mới được xây dựng nhưng bàn ghế đã sờn cũ. Ở hai phía của lớp học có 2 tấm bảng, hai tốp học sinh xoay lưng lại với nhau. Một bên là những con số và phép cộng trừ nhân chia. Bên còn lại là bài giảng tập đọc. Thấy chúng tôi thắc mắc, thầy Thức liền giải thích, vì số lượng học sinh ít nên các em học sinh lớp 1 và 2 được gộp lại và giao cho thầy Tuyền phụ trách.

11 giờ, lớp học kết thúc bằng những cái khoanh tay chào thầy giáo của lũ trẻ. Chúng tôi theo chân thầy Tuyền về nhà. Dọc đường đi, thầy bảo lâu lắm rồi mới có khách dưới xuôi lên thăm trường. Ở cái xó núi này, làm gì có ai muốn ghé qua. Họa hoằn lắm là những đoàn công tác ghé qua trường kiểm tra rồi đi ngay.

Thầy Tuyền kể thầy quê ở Hà Tĩnh, sau khi ra trường, thầy lên huyện nghèo này gieo chữ. 7 năm nay thầy chuyển công tác 3 lần. Cuối cùng thầy về đỉnh trời Ngọk Brel.


 


"Dân làng thương thầy lắm, con em mình có biết chữ hay không là nhờ thầy cả. Thầy ở trong nhà mình, ăn uống với gia đình mình nên mình coi như con cái. Những lần thầy định bỏ về, mình biết được nên gọi bà con đến xin thầy ở lại".
 

Già làng A Thao






Trước khi được chuyển công tác lên Điek Ta Âu, thầy đã được đồng nghiệp cảnh báo về những khó khăn ở đây. “Các thầy đi trước cảnh báo sẽ rất khó khăn và gian khổ. Thế nhưng vì niềm đam mê nên mình vẫn quyết cõng ba lô vượt núi. Ngày mình lên nhận công tác, trời lúc đó cũng đang đổ mưa và phải đi bộ. Hành trang mang theo chỉ là giáo án và mấy bộ quần áo nhưng cũng nặng lắm. Một mình cứ thế cuốc bộ tiến về hướng có đỉnh núi, vừa đi vừa hỏi đường, hỏi cả chục lượt mà câu trả lời lúc nào cũng là đi thêm đoạn nữa. Mình cứ đi như thế gần 2 tiếng, mãi rồi cũng đến nơi, cổ họng khát khô, bỏng rát”, thầy Tuyền kể.

Ở cái nơi núi cao, thung sâu này cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khó nhất của Điek Ta Âu là không có nguồn nước sạch, giao thông cách trở, nhiều hủ tục lạc hậu... Đường sá cách trở khiến cuộc sống bà con chỉ xoay quanh đói nghèo, lạc hậu.

“Mình dạy ở đây được 2 năm, cũng chừng ấy thời gian, người dân ở đây góp từng lon gạo, bó rau nuôi mình. Điểm trường không chỉ là nơi thắp sáng ước mơ cho bao đứa trẻ, mà đã là nhà, là gia đình của giáo viên cắm bản. Ở đó, đồng nghiệp là anh em, học sinh được thầy cô chăm như ruột thịt”, thầy Tuyền trầm ngâm nói.

Thầy Tuyền kể thầy và vợ quen nhau từ thời sinh viên rồi hai vợ chồng rủ nhau lên đây gieo chữ. Thế nhưng hai vợ chồng lại dạy học cách nhau hơn 50 km. Đứa con gái đầu lòng, vợ chồng thầy đành gửi lại cho bà ngoại nuôi.

Ở đây mưa rừng có khi kéo dài cả tháng. Khi màn đêm buông xuống, sương phủ, gió lùa, khiến cho cái lạnh như cắt da cắt thịt. Không có người thân, sóng điện thoại lại chập chờn, nhiều khi thầy Tuyền nhớ nhà nhưng cũng khó liên lạc. Có những lúc yếu lòng, thầy Tuyền đã định bỏ việc về xuôi. Thế nhưng khi biết được ý định của thầy, phụ huynh học sinh liền đến trước cổng trường xin thầy ở lại.

Ban đầu, nhà trường đã xây dựng một căn nhà cho thầy ở. Nói là xây dựng nhưng nhà chỉ là túp lều mái tranh vách nứa. Gió núi luồn qua kẽ hở thổi vào nhà buốt lạnh. Cuối cùng thương thầy ở một mình lủi thủi, cũng sợ thầy bỏ tụi nhỏ mà về dưới xuôi nên già làng A Thao (70 tuổi) đã đón thầy về ăn ở luôn trong nhà mình.

Già làng A Thao cho biết: “Dân làng thương thầy lắm, con em mình có biết chữ hay không là nhờ thầy cả. Thầy ở trong nhà mình, ăn uống với gia đình mình nên mình coi như con cái. Những lần thầy định bỏ về, mình biết được nên gọi bà con đến xin thầy ở lại”.

Còn ông Đinh Hồng Quang, Bí thư Chi bộ thôn Điek Ta Âu, nói: “Bà con trong thôn này thương thầy giáo lắm. Mỗi lần đi rẫy đi rừng, họ hái được bó rau hay săn được con chuột cũng đem về cho thầy. Những lúc không thể về xuôi, người trong làng góp lon gạo, chén mắm nuôi thầy giáo. Đáp lại tấm lòng ấy, mỗi khi có dịp về xuôi, thầy lại mua quà lên cho bà con hoặc lũ trẻ”.

Tiễn chúng tôi đến con suối đầu làng, thầy Tuyền cúi nhặt viên sỏi dúi vào tay từng người: “Các anh mang theo để khỏi quên đường về Ngọk Brel”. Rồi thầy Tuyền quay lưng, trở lại điểm trường, sương mù dày đặc che lấp dần đi cái dáng mảnh khảnh của ông giáo trẻ.


 


Giữ trò đến lớp như một “cuộc chiến” trường kỳ

Thầy Vũ Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ngọk Tem, cho biết trường có 9 điểm trường nằm rải rác ở các thôn làng. Riêng điểm trường Điek Ta Âu là nằm tốp khó khăn nhất tỉnh Kon Tum. Ở Điek Ta Âu 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, người dân ở đây điều kiện kinh tế khó khăn, tồn tại nhiều hủ tục, nên giáo viên ngoài sứ mệnh dạy học còn giống như một cán bộ cắm bản để tuyên truyền.

“Rất mừng là không riêng gì Điek Ta Âu, mà toàn trường tỷ lệ học sinh đến trường gần như đạt 100%. Ở xuôi thành tích này không có ý nghĩa mấy nhưng ở Ngọk Tem là một “thành tựu”. Bởi ở đây việc giữ trò đến lớp như một “cuộc chiến” trường kỳ của các thầy cô”, thầy Thành nói trong sự tự hào.

Chỉ kịp nằm ngủ với con một đêm rồi lại đi

“Thời gian chúng mình ở trường với học sinh còn nhiều hơn với con cái. Nếu ở trường chính, các giáo viên được gọi là “cán bộ 26”, nghĩa là thứ hai đi làm, thứ sáu về nhà. Còn mình dạy ở điểm trường, thì họa may lắm cả tháng mới về được một lần với vợ con. Những hôm về nhà được thì cũng chỉ kịp nằm ngủ với con được một đêm rồi lại phải đi”, thầy Tuyền tâm sự.


Theo ĐỨC NHẬT (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.