Nhìn lại chuỗi thời gian khởi nghiệp, Thư nói mình thật cố chấp ngay cả khi biết "đứa con cưng" đang đi sai đường. Còn hiện tại, cô đang hạnh phúc khi mô hình và hướng đi của mình được ví là "liều thuốc xanh".
Thư cũng là mẫu người mê du lịch - Ảnh: CÔNG TRIỆU |
Mãi cố chấp đến mất định hướng
Nguyễn Ngọc Thư (35 tuổi) - sáng lập viên công ty BiTour (trụ sở ở Q.3, TP.HCM) - từng tốt nghiệp ngành Xã hội học của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM.
Nhiều năm trước, khi đang làm luận văn thạc sĩ xã hội học, cô đọc được cuốn Mê Kông ký sự của NSND Phạm Khắc, bị ấn tượng bởi bức hình dòng sông đục ngầu màu phù sa được ôm ấp bởi cánh rừng xanh ngút ngàn. "Đúng rồi, là du lịch trải nghiệm" - Thư nghĩ.
Ý tưởng thành lập công ty làm về du lịch ập tới. Cách để cô lập công ty là lần mò mọi thứ trên mạng, và cô nắm 19% cổ phần.
Sau 1 năm, cô thấy rằng việc làm du lịch theo lối truyền thống chẳng mang lại điều gì quá đặc biệt. Mang một khoản nợ, cô dứt ra rồi thành lập BiTour của hôm nay.
Từ 2012, BiTour được định hướng chuyên tổ chức các chuyến trải nghiệm thiên nhiên, nhằm kết nối các bạn trẻ độc thân. Hiệu ứng ở một số chuyến đi đầu là rất tốt, không dưới 5 người lúc ấy liền tìm đến Thư để ngỏ ý được góp vốn. Tất cả như "liều doping" được tiêm vào cơ thể uể oải sau lần thất bại, nhưng Thư từ chối tất cả. Lúc đó, cô nói rằng mình rất tự tin ý tưởng này sẽ thành công vang dội.
Không dễ dàng để Thư tìm được đến ý niệm làm du lịch bền vững - Ảnh: V.TRÍ |
Nhưng 6 năm trời, từng tour được tổ chức chỉ đưa Thư đến gần hơn với sự bế tắc. Thu không đủ chi, cô liên tục phải thay đổi chương trình, mô hình, cách thức, địa điểm… Càng vùng vẫy càng sa lầy trong vũng bùn ấy, Thư hoài nghi năng lực của chính mình.
Ngước nhìn lại, Thư lúc đó thật cố chấp, tự tin đến thái quá và chẳng chịu lắng nghe, nhìn nhận. Thư mất luôn định hướng Nguyễn Ngọc Thư |
Thuận tự nhiên
Thư nói rằng trong khởi nghiệp có hai thiên hướng. Một sẽ bỏ cuộc thật sớm. Hai là cố chấp, nhất quyết không thay đổi dù "đứa con cưng" đang mang lại đau thương cỡ nào. Và cô là mẫu thứ hai.
Điển hình là vào cuối 2019, sau nhiều tháng ngưng hoạt động thì một tour dành cho người độc thân theo phiên bản mới được cô đứng ra tiếp tục tổ chức. Chuyến đó tiếp tục lỗ, cũng là cơ hội tuyệt vời để Thư nhìn rõ con đường của mình.
Cô quyết định dừng lại toàn bộ các tour độc thân, toàn tâm toàn ý đi theo hướng mới, kết nối con người trở về với tự nhiên. Cơ duyên này cô có được xuất phát từ một chuyến đi mà sau này trở thành điểm đến chính và cũng định hình toàn bộ chiến lược mới với những giá trị cốt lõi cho BiTour.
Mọi người khi đi tour đều phải tham gia ký kết bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã bằng du lịch xanh bền vững… Tour từ chối việc sử dụng các loại sản, thực phẩm công nghiệp đóng hộp có thể thải ra rác. Đồ ăn, thức uống được đoàn gói hoàn toàn trong lá chuối, ly bình cá nhân, thân thiện môi trường, dễ phân hủy.
Để khách hàng trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên là cách Thư làm - Ảnh: V.TRÍ |
Cô nói rằng rất nhiều người khi kết thúc hành trình của mình đã ví chuyến đi là "liều thuốc xanh, viên thuốc xanh". Có một người từng tỏ ra rất bất ngờ khi đứa con trai 5 tuổi của họ sau khi tham gia chuyến đi ở BiTour đã không còn thói quen xem điện thoại.
Lại một lần nữa, Thư thấy được hiệu quả của việc thuận tự nhiên. Đó là nếu trước kia cô dành cả chuyến đi chỉ để kết duyên cho các bạn trẻ nhưng mãi chẳng thành công, thì vô tình trong các chuyến đi này, lượng cặp đôi nên duyên lại nhiều lạ thường.
Là công của tất cả Với nhân sự chủ lực khoảng 30 người, BiTour hiện là đối tác của hầu hết các vườn quốc gia trong nước, có 8 điểm đến với 3 hạng mục du lịch như mạo hiểm, sức khỏe và khám phá, cùng 10 tour diễn ra mỗi cuối tuần. Cô nói để có được BiTour hôm nay, tất cả đều nhờ công của mọi người. "Nếu không có những con người tâm huyết cùng công ty, nói đúng hơn là tâm huyết với lối giá trị sống xanh thì có lẽ tất cả đã đổ sụp ở thời điểm khó khăn ấy" - Thư nói. |
Vinh danh 25 startup Việt tiêu biểu đêm 18-9 Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Startup 2020. Đây cũng là hoạt động nhằm kỉ niệm 75 năm Quốc Khánh nước CHXHCN Việt Nam, 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ. Sẽ có khoảng 20-25 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 7 đến đầu tháng 9-2020. Dự kiến thời điểm trao giải cho các startup được hội đồng chuyên môn chọn sẽ là đêm 18-9 tại sân golf Long Thành. Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư. Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: Golf Long Thành, HD Bank, nhãn Trà Xanh Không độ, quỹ VinaCapital Ventures, CP ĐT&TM Thái Bình, IDICO, Hội Gôn TP.HCM (SGGA), Tân Thuận... (sẽ có khoảng 20- 25 startup được trao bằng khen + giải thưởng là 20 triệu đồng, trong đó, có 1 startup được trao giải đặc biệt với bằng khen + giải thưởng lên tới 100 triệu đồng). |
CÔNG TRIỆU (TTO)