Có chuyến xe ngày đêm chuyển viện miễn phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hầu như chuyến xe nào Lê Hoài Nhân cũng được đề nghị trả tiền nhưng anh đều từ chối. Với những người nghèo khó, Nhân còn tặng gạo, thực phẩm và một ít tiền để họ bớt vất vả.
Hai năm qua, Lê Hoài Nhân - 22 tuổi, sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật xét nghiệm y học Trường Đại học Nam Cần Thơ - không có Tết. Tết năm nay, Nhân có ghé nhà ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nhưng rồi anh sẽ lao nhanh đi cứu người bất kể ngày đêm khi nhận được cuộc gọi cậy nhờ.
Xuôi ngược cứu người
Lê Hoài Nhân nói với tôi rằng Tết sắp tới rất đặc biệt với anh khi sẽ được nhà tài trợ ôtô từ thiện Nguyễn Đức Hùng ở Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển giao chiếc xe Toyota cứu thương từ thiện mới hoạt động không mấy hiệu quả ở Vũng Tàu (ông Hùng tặng 3 ôtô mới cho 3 người làm từ thiện tiêu biểu 3 miền trong cả nước vừa qua, trong đó có Nhân ở TP Cần Thơ). Ông Hùng rất ấn tượng với việc lái xe thiện nguyện của Nhân mấy tháng qua và từng đề nghị mua ôtô mới tốt hơn cho Nhân nhưng anh từ chối, nói có chiếc xe mới, tốt như hiện nay là đã hài lòng lắm rồi và giờ rất vui khi được tin tưởng giao thêm một chiếc ôtô.
Nhân nói như vậy anh sẽ có tới 3 chiếc ôtô để trợ giúp người nghèo khó. Cách đây 2 năm, Lê Hoài Nhân từng mua chiếc ôtô cũ giá 65 triệu đồng, chạy chuyển viện hàng trăm chuyến miễn phí từ TP HCM, Cần Thơ đi khắp các tỉnh ĐBSCL bằng tiền làm thêm tích góp mấy năm qua của anh. Cụ bà 90 tuổi Lê Thị Năm - mẹ của liệt sĩ ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, quê nhà của Nhân - cứ rưng rưng: "Nếu không có chuyến xe nghĩa tình của cháu Lê Hoài Nhân, tôi có thể đã không có Tết năm ngoái. Nhờ có xe của Nhân, chúng tôi tiết kiệm được mấy triệu đồng thuê xe bên ngoài trong khi gia đình đang thiếu trước hụt sau".
Trên ôtô của Nhân trang bị đầy đủ băng-ca, bình ôxy, dụng cụ sơ cấp cứu… Trước khi lái xe cứu người, Hoài Nhân còn tranh thủ tối đa thời gian rảnh học lái xe thành thạo, học thêm lớp sơ cứu một cách bài bản…
Chuyến xe nào Nhân cũng được đề nghị trả tiền nhưng anh đều kiên quyết chối từ. Với những gia đình thật sự khó khăn, Nhân còn mang gạo, đồ ăn, nước mắm… tặng và còn gửi họ một ít tiền rút từ khoản tiền dành hỗ trợ người nghèo của anh.
Hai tháng qua, Nhân có chiếc ôtô thứ hai - chiếc Toyota mới trị giá 340 triệu đồng mà anh đang lái, ngày đêm đi làm việc nghĩa với đời. Ông Nguyễn Đức Hùng cho Nhân chiếc xe này để anh thuận lợi hơn trong việc giúp đời. Nhân nói với tôi, anh sẽ quản lý tốt cả 3 xe, để phát huy tối đa việc chuyển viện miễn phí, nhất là trong dịp Tết khi mọi người cần sum vầy bên người thân, đặc biệt là người nghèo khó.
Nhân sẽ chọn trong nhiều người đang tham gia làm thiện nguyện ở Cần Thơ, những ai rành lái xe, để giao cho họ điều khiển chiếc xe ông Hùng sắp giao. Tất nhiên, chiếc xe này vẫn do Nhân quản lý, giám sát chặt chẽ. Hai tháng qua, Lê Hoài Nhân chạy xe chuyển viện cho gần 40 ca.

Lê Hoài Nhân bên xe chuyển bệnh nhân
Lê Hoài Nhân bên xe chuyển bệnh nhân.
Tổ chức công việc khoa học, chu đáo
Có thêm xe mới là niềm vui lớn nhưng kèm theo không ít lo lắng với Lê Hoài Nhân. Nhân đang ở trọ tại TP Cần Thơ, dù gì cũng phải lo nhiều thứ dẫu anh đang được chủ nhà trọ cho đậu 2 xe miễn phí trong khu nhà làm dịch vụ giữ ôtô. "Thêm chiếc thứ 3 nữa không biết sao đây? Nếu không được miễn phí giữ xe 500.000 đồng/tháng thì tôi sẽ xoay xở làm thêm để có tiền gửi xe. Nhưng cứ có thêm xe là tôi vui lắm vì tăng cơ hội giúp người nghèo, còn việc quản lý, sử dụng xe thì mình phải ráng lo cho tốt" - Nhân nói.
Để tiết kiệm chi phí, Nhân tự chăm sóc xe rất chu đáo khi vừa bỏ ra gần 3 triệu đồng tậu một chiếc máy rửa xe. Đi đâu xa về là anh tự mình rửa, lau xe kỹ càng. Xe hỏng hóc thông thường, Nhân tự mày mò sửa, ca khó mới phải ra tiệm.
Kỹ tính là thế, nhưng khi chở một bệnh nhân nặng người Khmer từ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ về huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh trong đêm mới đây mà tôi có dịp đi cùng, Nhân bất chấp đoạn đường dài mấy chục cây số đầy "ổ trâu, ổ voi", lái xe cấp tốc về nhà để bệnh nhân sớm được nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. 3 tháng qua, từ ngày có xe mới, Nhân bị cảm, sốt 3 lần, mỗi lần kéo dài 3-4 ngày mới khỏi, cứ khỏi bệnh là Nhân lại lái xe lao đi giúp người. Nhân gầy nhom, cao 1,75 m và chỉ nặng 53 kg dù đã bồi bổ nhiều để có sức chạy xe thiện nguyện. Anh nổi bật bởi nét mặt thông minh, sáng sủa và rất cương nghị trong cách nói năng, hành động.
Xe của Hoài Nhân vừa chở bệnh nhân tới nơi chữa trị vừa đón người lành bệnh từ viện về nhà trong cùng một chuyến xe. Để làm được như vậy, trước khi chuyển viện, Nhân chủ động gọi điện cho các bạn ở gần bệnh viện đưa bệnh nhân cần về nhà, chuẩn bị sẵn sàng. Anh ghé thăm nhà bệnh nhân khi chuyển viện về huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp và cũng không quên liên hệ trước với người bệnh ở Lai Vung, Sa Đéc để chở giúp đi viện…

Lê Hoài Nhân đang nghe điện thoại từ người nhà bệnh nhân.
Lê Hoài Nhân đang nghe điện thoại từ người nhà bệnh nhân.
Không đợi giàu mới làm từ thiện
Chi phí xăng, dầu chạy xe được Nhân lấy từ "quỹ từ thiện" của riêng anh, khoảng 6 triệu đồng, thu từ tiền đánh đàn trong các dịp hiếu hỷ, sửa và bán laptop cũ khắp nơi, tích cóp trong nhiều năm qua, cùng với 5 triệu đồng/tháng ông Hùng cấp cho để mua xăng. Nhân nói 6 triệu đồng là đủ để sinh hoạt một cách dè sẻn.
Tuy nhiên, vẫn có người tỏ ra không hài lòng với những việc làm thiện nguyện của Lê Hoài Nhân. Họ chất vấn Nhân: "Nhà em bộ giàu quá hả? Tiền đâu mà lo cho người dưng như thế?". Nhân chỉ mỉm cười đáp: "Đâu phải đợi giàu mới làm từ thiện!". Nhân cho biết anh đã chạy xe chuyển viện cho 5 thành viên của gia đình thương binh - liệt sĩ, tập trung nhiều ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Trường hợp nào anh cũng hỗ trợ ít tiền, gạo, mắm, muối… Có khi đang chuyển viện mà nhận được điện thoại cầu cứu, Hoài Nhân sẵn sàng bỏ ra tiền triệu thuê xe chở bệnh khác để kịp thời cứu người!
Lê Hoài Nhân hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, cho bạn bè, yêu đương… Hai chiếc điện thoại là vật bất ly thân của anh mà chủ yếu Nhân dùng để nhận các cuộc gọi nhờ cậy chuyển viện, yêu cầu đặt, sửa, mua máy tính từ đông đảo sinh viên khắp ĐBSCL. Nhân nói để có tay nghề sửa máy vi tính vững vàng hiện nay, anh đã phải bỏ ra rất nhiều tâm sức trong những năm học THPT và đại học, cùng xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng trẻ khắp nơi. Vào năm 2017, Hoài Nhân còn đăng ký hiến mô, hiến tạng nhân đạo khi qua đời…
Lê Hoài Nhân sắp sửa ra trường, nhưng khác với các bạn đang bù đầu vào xin việc làm thì anh lại sống một cách điềm tĩnh, vẫn dành nhiều thời gian lái xe chuyển viện từ thiện như anh vẫn đang làm trong 2 năm qua, được nhiều bạn trẻ Tây Đô nể phục. Với anh, lái xe cứu giúp người nghèo là chuyện của tuổi thanh xuân, đáng làm trong một đời người. 
Không để lòng tốt bị lợi dụng
Sẵn sàng lái xe làm từ thiện nhưng Lê Hoài Nhân nhất quyết không bao giờ để lòng tốt bị lợi dụng khi anh cho biết nhiều khi có những người dùng danh nghĩa chở từ thiện để mượn xe anh chạy vì lợi ích riêng, hay có người nhà giàu nhưng không muốn bỏ tiền thuê xe chuyển viện mà chỉ muốn lợi dụng lòng thương người của Nhân. "Tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ những lời nhờ chạy xe từ thiện. Từ thiện nhưng phải đúng cảnh, đúng người" - anh Nhân nhấn mạnh.
Theo Bài và ảnh: TRẦN ĐÌNH PHƯỢNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.