Chuyện như mơ của cô gái "trúng" suất học bổng 6 tỉ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi nhận được suất học bổng trị giá 6 tỉ đồng, Nguyễn Vũ Linh, 18 tuổi (trú tại phường Hàng Bông, Hà Nội) đã bật khóc vì hạnh phúc.

Người đầu tiên mà Linh muốn thông báo vui ấy là mẹ. Bởi mẹ là người đã hy sinh cả đời mình để Linh được học hành đến nơi đến chốn. Người mẹ đọc chữ còn chưa thạo ấy đã không ngại làm đủ thứ nghề như: lao công, trông xe, rửa bát thuê… để có tiền nuôi con gái ăn học. Linh bảo, suất học bổng này chính là món quà em muốn tặng người mẹ tần tảo của mình.

 

Suất học bổng trị giá 6 tỉ là món quà Linh dành tặng mẹ.
Suất học bổng trị giá 6 tỉ là món quà Linh dành tặng mẹ.


Giấc mơ có thật

Nguyễn Vũ Linh - cô nữ sinh Trường Quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội (UNIS) đã coi việc được nhận suất học bổng trị giá 6 tỷ của Trường Đại học Vanderbilt như một giấc mơ có thật. Bởi đây là trường đại học tư thục nằm trong top 15 trường đại học quốc gia (Best National university) có chất lượng đào tạo tốt nhất của Mỹ.

Học bổng của Linh bao gồm vé máy bay, học phí, nhà ở và ăn uống. Linh chia sẻ rằng, đó là suất học bổng toàn phần, bởi nếu nhà trường chỉ cần bắt Linh phải chi trả một khoản chi phí dù là rất nhỏ thôi thì gia đình em cũng không có khả năng để xoay xỏa và em sẽ phải cân nhắc lại.

Việc Linh dành được một suất học bổng của Trường Đại học Vanderbilt một phần cũng là nhờ thành quả học tập suất sắc trong suốt 4 năm học cấp 3 tại Trường UNIS. Linh tâm sự: "Em nhớ là hồi mình học cấp 2, thấy bạn bè đi thi học sinh giỏi môn này, môn kia nên em thấy rất sốt ruột. Em đã nói suy nghĩ của mình với cô giáo chủ nhiệm rằng: "Con nghĩ con cũng có khả năng đi thi được như các bạn" thì cô đưa cho em một tờ giấy giới thiệu về học bổng của Trường UNIS.

Cô nói với em: "Con chỉ cần tập trung vào cái này là đủ". Kể từ khi được cô định hướng, em lao vào học như điên với hy vọng sẽ có một suất học tại trường".

UNIS là ngôi trường vốn dành cho con em của các quan chức nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài ra nhà trường sẽ tuyển khoảng 20% học sinh người Việt Nam. Học phí của trường rất cao, phải những gia đình thực sự giàu có mới dám đầu tư cho con vào đây để học. Tuy nhiên, ngay cả khi có tiền thì cũng phải trải qua những kỳ thi tuyển rất gắt gao và phải nằm trong danh sách chờ rất lâu.

"Hồi đó, em phải đi 2 trạm xe bus mới đến được trường để nộp đơn và phải mất tới mấy tháng sau em mới nhận được phản hồi của trường rồi phải thi tuyển tới 3, 4 vòng như: IQ, viết luận tiếng Việt, viết luận tiếng Anh... Vòng cuối cùng là thầy hiệu trưởng trực tiếp phỏng vấn. Cuối cùng thì em cũng đã đỗ và dành được học bổng toàn phần của trường" - Linh nhớ lại.

Trong một ngôi trường mà hầu hết các bạn đều xuất thân từ gia đình có điều kiện về kinh tế, Linh không khỏi có những lúc cảm thấy tự ti và chạnh lòng. Tự thân Linh cũng cảm thấy có một sự cách biệt rất lớn giữa mình và các bạn. Thế nên phải tới 3, 4 tháng sau Linh mới bắt đầu có vài người bạn.

Sau khi vào Trường UNIS, Linh được tiếp cận rất nhiều trường đại học Mỹ khi đại diện các trường tới giới thiệu. Em bắt đầu tìm hiểu về Vanderbilt và thấy văn hóa của trường rất phù hợp với tính cách của mình. Đặc biệt, Linh có đọc khảo sát và thấy sinh viên của trường rất hạnh phúc về những việc mình làm - đó là một trong những yếu tố quan trọng khiến em bị hấp dẫn.

Cuối tháng 11 năm 2017, Linh nhận được tin vui, đó là suất học bổng toàn phần có giá trị khoảng 73.110 USD/ năm của ĐH Vanderbilt. Linh bảo, ước mơ du học của em cuối cùng cũng thành hiện thực. Linh nhớ lại: "Đêm trước khi đi xem kết quả, em đã không tài nào ngủ được vì quá hồi hộp. Đến khi lên tới trường, mở email và nhìn thấy dòng chữ chúc mừng, em vẫn không dám tin là thật. Khi ấy cả em và cô giáo chủ nhiệm đều rơm rớm nước mắt vì hạnh phúc. Ngay lúc đó em đã điện thoại báo tin cho mẹ, mẹ cũng hạnh phúc lắm".

Linh bảo, ước mơ được đi du học của mình nhen nhóm từ năm cô bé mới học lớp 3. Khi ấy Linh có một người cậu họ đang du học tại đất nước Singapore. Mỗi khi có dịp, cậu của Linh lại gửi bút chì về tặng cho em. Hồi đó Linh mê tít những chiếc bút chì rất đẹp có in dòng chữ Made in Singapore. Thỉnh thoảng cậu của Linh về nước, nghe cậu kể chuyện về cuộc sống như trong mơ khiến cô bé luôn ao ước giá như mình cũng có thể đặt chân tới một đất nước như thế. Chính khao khát ấy đã giúp Linh có động lực học từ hồi còn cấp 1.

Tuổi thơ cơ cực

Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, Linh thường xuyên nhắc tới mẹ. Em bảo, nếu không có mẹ tần tảo, hy sinh thì sẽ không bao giờ có em của ngày hôm nay. Bố Linh mất từ khi em mới 4 tuổi, từ đó gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đổ lên đầu mẹ. Người phụ nữ này đã phải làm đủ thứ nghề để nuôi con ăn học. Vì mới học hết lớp 3, đọc chưa thông, viết chưa thạo nên mẹ Linh chỉ có thể làm những việc chân tay, thậm chí là lao động cực nhọc.

"Hồi nhỏ, mẹ em bán ngô luộc ở trước cổng nhà, cứ khi nào học xong em lại ra trông nồi ngô cho mẹ tranh thủ đi làm việc khác. Sau đó thì mẹ em xin đi làm lao công quét dọn đường phố. Cứ chiều chiều, em lại ra đẩy xe rác cho mẹ hơn 1 cây số tới nơi tập kết để đưa rác lên xe tải cho người ta chở ra ngoài thành phố"-Linh kể.

Không chỉ làm lao công, mà mẹ của Linh còn xin vào trông xe cho một địa điểm chuyên trông giữ xe. Nhiều hôm xe đông, mẹ Linh phải dắt xe ra xe vào cho khách khiến đêm về người phụ nữ ấy thở không ra hơi.

"Nhiều khi thấy mẹ làm như muốn kiệt sức, em thương lắm nhưng vì em còn bé quá cũng chẳng giúp mẹ được gì nhiều. Dù mệt đến mức nào thì sáng hôm sau mẹ vẫn phải ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng để bắt đầu một ngày làm việc nặng nhọc cho tới 12 giờ đêm. Mẹ luôn bảo với em rằng, mẹ sẽ cố gắng hết sức để con được học hành tới nơi tới chốn. Có một điều đặc biệt ở mẹ là chưa bao giờ mẹ hỏi em là hôm nay con học thế nào, mà mẹ chỉ luôn hỏi hôm nay con có vui không?" - Linh tâm sự.

Những năm gần đây, mẹ Linh không còn quét dọn đường phố nữa mà chuyển sang dọn dẹp, vệ sinh cho phường Hàng Gai. Ngoài giờ làm chính, ai có nhu cầu thuê làm việc gì thì mẹ Linh làm việc đó. Từ việc tranh thủ lau dọn nhà thuê tới việc rửa bát thuê cho một quán lẩu gần nhà vào buổi tối.

Được đi du học là ước mơ lớn lao của Linh từ thời còn rất nhỏ. Nay ước mơ ấy đã thành hiện thực khỏi phải nói cô bé ấy vui đến mức nào. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy, Linh bảo rằng mình cũng rất thương và lo cho sức khỏe của mẹ. Bao nhiêu năm làm việc không biết nghỉ ngơi khiến cơ thể mẹ em như cỗ máy rệu rạo. Hễ trái gió trở trời là cơ thể ấy lại đau nhức, mệt mỏi. Không chỉ vậy, mẹ Linh còn mắc phải một căn bệnh hiếm gặp khiến mặt bị nổi những cục thịt nhỏ.

"Mẹ không có học, mặt lại bị như vậy nên nhiều khi bị người ta coi thường và đối xử không công bằng. Nhiều lần em thấy mẹ khóc nhưng khi em hỏi thì mẹ lại gạt đi và nói mẹ không sao" - Linh nghẹn ngào chia sẻ. Linh bảo, cuộc đời em sẽ khác nhiều nếu em không may mắn được là học trò của cô giáo chuyên Anh Lê Phương Mai (Trường THCS Nguyễn Du - nơi em học cấp 2).


 

Để kiếm tiền cho con ăn học, mẹ Linh còn đi rửa bát thuê.
Để kiếm tiền cho con ăn học, mẹ Linh còn đi rửa bát thuê.



Cô là người đã trả tất cả các khoản tiền học phí cho Linh ở các lớp học thêm. Không chỉ giúp đỡ Linh về vật chất, mà cô Mai còn luôn bên cạnh động viên, khuyến khích để Linh có thêm động lực và quyết tâm trên con đường học hành.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên ngay từ nhỏ, Linh đã có một sự đồng cảm lớn với những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi. Lên lớp 9, Linh đã tham gia dạy từ thiện cho những đứa trẻ ở làng SOS và sau đó là dạy cho trẻ em trên bờ sông Hồng thuộc Tổ chức School on boad.

Linh nhớ lại: "Hồi đó em ấn tượng vô cùng với 2 đứa trẻ sống trên thuyền ở sông Hồng. Một đứa bố mẹ bỏ nhau, sống với bà nội. Một đứa trẻ khác bố mẹ bị bệnh nên cũng sống chủ yếu với bà nội. Bọn trẻ dễ thương và ham học lắm, nhiều khi hết giờ dạy rồi mà chúng vẫn năn nỉ em là dạy thêm cho chúng một lúc nữa hoặc cho chúng thật nhiều bài tập. Có lẽ việc không bao giờ được cắp sách đến trường đã khiến bọn trẻ khao khát học tập và khám phá kiến thức hơn bao giờ hết. Và cho đến tận bây giờ khi em đã không còn dạy bọn trẻ từ khá lâu rồi mà đến những ngày lễ, Tết, 2 đứa nhỏ ấy vẫn làm thiệp rồi nhờ người lớn gửi tới cho em. Điều này làm em xúc động nhiều lắm".

Trong bài luận của mình viết gửi tới Trường Đại học Vanderbilt, Linh đã viết về những con người khốn khổ, sống trong tệ nạn, những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Linh bảo, em cũng giống như những đứa trẻ ấy, chỉ có điều em may mắn hơn chúng vì đã chọn con đường học hành để đi lên.

Song Anh (CSTC/NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

(GLO)- “Kết nối tình nguyện-cháy mãi nhiệt huyết của tuổi trẻ“ là phương châm hoạt động của nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau hơn 2 năm thành lập, nhóm không chỉ mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn là nơi các thế hệ cán bộ Đoàn gắn kết, “truyền lửa“ tình yêu với Đoàn.
Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

(GLO)- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung được các đơn vị trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Trong đó, mô hình “Vườn rau em chăm“ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn và khơi dậy tình yêu lao động trong học sinh.
Đôi vũ công đặc biệt

Đôi vũ công đặc biệt

(GLO)- Đến với khiêu vũ một cách tình cờ, đôi vận động viên (VĐV) Trần Nam Dũng-Lê Phương Thảo đã từng bước khẳng định vị thế ở môn thể thao đầy tính nghệ thuật này. Tấm huy chương bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi cùng tâm huyết của các vũ công.
Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

(GLO)- Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các phác đồ chữa trị mới, giúp người dân sớm phát hiện và điều trị ung thư tại chỗ. Một trong số đó là hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Tình nguyện mùa đông“ năm 2022 và “Xuân tình nguyện“ năm 2023. Trong 2 ngày (23 và 24-12), tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa và xã An Thành, huyện Đak Pơ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Ấm áp mùa đông“ năm 2022.
Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

(GLO)- Sau khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027) thành công tốt đẹp, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã đồng loạt tổ chức “Ngày thanh niên cùng hành động“. Trong đó, Gia Lai là 1 trong 7 điểm cầu được lựa chọn tổ chức cấp trung ương. Chuỗi hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

(GLO)- Sáng 18-12, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ phát động thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên (YEA). Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói“ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai và tỉnh Yên Bái.
Chung tay giúp trẻ em nghèo

Chung tay giúp trẻ em nghèo

(GLO)- Đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì chiếc áo ấm hay những đồ chơi tự chế rất có ý nghĩa. Thấu hiểu điều đó, chương trình “Áo ấm cho em“ đã trao tặng những chiếc áo ấm cùng những phần quà ý nghĩa cho trẻ em ở 2 huyện Ia Pa và Chư Păh (tỉnh Gia Lai).