Chuyện làng văn: Vợ nhà và nàng thơ…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làm công tác biên tập Tạp chí Văn Nghệ, thấy một số anh em làm thơ cứ quẩn quanh mãi một số đề tài quen thuộc mà thiếu hẳn phần thơ trữ tình về tình yêu nam nữ, tình người... tôi bèn động viên nên mở rộng đề tài, mở rộng biên độ cảm xúc để tránh sự tự lặp lại đến nhàm chán, tránh nghèo nàn ý tưởng sáng tạo. Nghe lời “khuyên” ấy, có anh giãy nảy lên, bảo: “Ối, anh ôi, đừng bày dại em! Vợ em mà đọc được những “anh anh em em, nhớ nhớ thương thương” ấy thì em chỉ còn nước độn thổ hoặc thăng thiên mất thôi”!

Sao lại thế nhỉ? Lúc đầu tôi không tin, nhưng thực tế lại có nhiều vị “nội tướng” của anh em văn nghệ sĩ có cách suy diễn ấy thật! Họ cứ cho rằng đấy là sự thật của chồng mình! Xin kể vài chuyện sau đây, mong các chị vợ đang nhận lãnh “trọng trách chăn dắt” các anh chồng có tham gia sáng tác văn nghệ thông cảm!

Trước khi kể về người khác, tôi xin kể chuyện chính mình, để khỏi mang tiếng là “bới móc” chuyện người! Ấy là việc “vợ nhà” ghen với… “nàng thơ”!

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đã lâu lắm rồi, vào một đêm tháng Chạp, sau buổi “tụ bạ” bạn bè văn nghệ, tôi trở về nhà. Thả bộ loanh quanh giữa phố vắng bóng người. Trời Tây Nguyên mùa khô lành lạnh, không một gợn mây, ánh trăng núi rừng huyền hoặc mênh mang. Khung cảnh ấy với hơi rượu bâng lâng, bất giác nhớ những bóng trăng trong Truyện Kiều, một tứ thơ ám ảnh theo tôi suốt dọc đường về. Đến nhà, thắp ngọn đèn dầu lên, tôi viết bài thơ “Đêm trăng nhớ Kiều” rồi gục đầu lên bàn thiếp ngủ. Đến sáng bạch, vợ tôi lay dậy ăn cơm. Giữa bữa ăn, vợ tôi nói với mấy đứa con, giọng gằn từng tiếng: “Ăn no đi con, kẻo đói đứt gan đứt ruột đấy!”. Cảm thấy sự lạ lẫm trong thái độ và cách nói năng của vợ, nhưng tôi chưa hiểu việc gì! Tôi lặng lẽ ăn và suy ngẫm. Không thấy tôi phản ứng gì, vợ tôi lại lặp lại lần nữa, vẫn câu nói ấy với các con (mà có lẽ để nói với tôi thì đúng hơn).

Vừa ăn vừa ngẫm mãi, cuối cùng tôi cũng nghĩ ra: À, có lẽ lúc tôi ngủ say, vợ tôi đến bên bàn lấy chiếc đèn xuống bếp nhóm lửa, thấy bài thơ tôi vừa viết xong còn để ở đấy và đọc! Bài thơ có những câu mở đầu: “Anh thương em đứt ruột Thuý Kiều ơi/Khuya thao thức cùng vầng trăng mất ngủ/ Nhớ màu trăng thuở cũ/Hiên tà bóng gác chênh chênh…/Anh đâu thể nào quên/ Đêm em đến cùng chàng Kim hò hẹn/Song song đôi lời ước nguyện/Có vầng trăng vằng vặc giữa trời…”. Rồi lại còn lặp lại ở cuối: “Khuya thao thức cùng vầng trăng mất ngủ/Anh thương em đứt ruột Thúy Kiều ơi…”. Từ “đứt ruột” mà vợ tôi cố gằn giọng khi nói với mấy đứa con trong bữa ăn là tôi dùng thoát ý từ tên cũ của Truyện Kiều “Đoạn trường tân thanh”. Chắc là vợ tôi ngỡ đêm qua chồng mình hẹn hò với một cô tên Kiều nào đó, về nhà nhớ thương đến… đứt ruột, rồi làm thơ!

Đoán được ý vợ, tôi lấy cuốn Truyện Kiều chìa ra, nói: “Đây này bà ơi, tôi làm bài thơ là nói về “Kiều” của cuốn sách này này! Ăn đi cho khỏe, đừng nói vớ vẩn nữa, con cái nó chả hiểu gì đâu”!

Cũng “thân phận” như tôi, một anh bạn văn chương ở Ninh Bình (nay đã chuyển vào TP. Hồ Chí Minh) cũng “vướng vào vòng lao lý” ấy chỉ vì một bài thơ! Ấy là nhà văn K.S.. Nhà văn K.S. có vợ là chị H.P.N. cũng là nhà văn, cả hai đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Số là vào tháng 8-2001, K.S. dự trại viết ở Hà Nội, trong đó có tôi. Một hôm, một anh bạn cùng trại, tuổi độ U50 đến phòng K.S. tán gẫu, khoe rằng mình đang phải lòng một “em” Hà Nội! K.S. cao hứng  liền viết bài thơ “Tình khúc tuổi năm mươi” để tặng và trêu bạn: “Vướng tình ở tuổi năm mươi/Làm sao lại thế, hả tôi, hả giời?/Trái tim ngỡ hóa đá rồi/Bỗng dưng loạn nhịp bởi người đâu đâu/Tình cờ một thoáng gặp nhau/Người ta cũng chỉ hỏi chào bâng quơ/Thế mà như bị ma đưa/Ngóng trông ra ngẩn vào ngơ cả ngày/Thế mà… như bị giời đày/Chợt vui, chợt giận, chợt ngây, chợt khùng/Tuổi năm mươi cũng lạ lùng/Tự dưng chập mạch phải lòng… người dưng!”.

Viết xong bài thơ, K.S. đọc cho anh chị em cùng nghe. Người thì trêu: Không khéo chính tác giả đang có… “người dưng” thật, vì nếu không thì không thể có cảm xúc “ngồn ngộn” như vậy được! Người thì khen: Bài thơ “tuyệt chiêu”, thế mới gọi là đi trại sáng tác chứ! Không biết K.S. khoái chí thế nào, xong trại về nhà, đưa ngay bài thơ cho vợ xem với hy vọng được nghe vợ khen mình chuyên viết văn xuôi mà làm thơ lục bát cũng… được đấy chứ! Không ngờ sau đó chị H.P.N. lạnh lùng đưa lại cho chồng một bài thơ khác, có tựa đề “Cho người dưng ấy”: “Người dưng ấy, người dưng ơi/Dịu dàng chi để chồng tôi phải lòng/Để rồi bỗng hóa hư không/Bao nhiêu ấm lạnh mặn nồng từ xưa/Để rồi bỗng thấy như thừa/Tôi như áo rách te tua góc giường/Thôi thì người hãy cứ thương/Cho chồng tôi gửi tơ vương cuối trời/Hãy làm chút nắng, người ơi/Chồng tôi đang lạnh lẽo nơi nhà mình/Ví dầu duyên kiếp ba sinh/Người dưng ơi, hãy đáp tình chồng tôi/Người dưng ấy, người dưng ơi…”! K.S. mặt cắt không còn hột máu, bèn ngẩn mặt lên trời mà rằng “Ối giời ơi!” và thắt ruột thắt gan với những câu thơ như kim châm: “Chồng tôi đang lạnh lẽo nơi nhà mình”!...

Đúng là “tai nạn nghề nghiệp”! Từ đó tôi nghiệm ra vợ nhà và nàng thơ e khó lòng đi chung một đường, nhìn cùng một hướng! Bởi vì vợ nhà thì yêu ta, lo lắng cho ta, còn ta thì lại đi… mơ màng tơ tưởng nàng thơ!... Nhưng, cũng lạ, tôi chưa thấy “nhà thơ” nào vì thế mà bỏ làm thơ cả!

Tạ Văn Sĩ

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.