Chuyện của Lo Đức Việt, tân sinh viên Học viện An ninh nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việt trở thành học sinh dân tộc ít người vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực, trở thành tân sinh viên Học viện An ninh Nhân dân.

Là học sinh dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn nhưng em Lo Đức Việt (sinh năm 2005), trú tại xóm Bản Tiệng, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Việt trở thành học sinh dân tộc ít người có tổng điểm bài thi khoa học tự nhiên cao nhất tỉnh Nghệ An và vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực, trở thành tân sinh viên Học viện An ninh Nhân dân.

Sáng sớm, Lo Đức Việt cùng bố lặn lội đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng từ xóm Bản Tiệng ra thị trấn bắt xe khách chuyến sớm nhất trong ngày xuôi thành phố Vinh, Nghệ An để kịp dự buổi tổng duyệt Lễ tuyên dương trước khi bước vào chương trình chính thức vào tối cùng ngày. Lo Đức Việt vinh dự là một trong 14 học sinh là người dân tộc thiểu số có điểm cao ở tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội được tuyên dương tại Lễ tuyên dương học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia và đạt điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào tối 21/8.

Khuôn mặt hiền lành, điềm tĩnh là cảm nhận đầu tiên với bất cứ ai khi tiếp xúc với Lo Đức Việt. “Em luôn tin rằng, dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, chỉ cần mình không ngừng cố gắng và học tập chăm chỉ thì nhất định sẽ có ngày thành công”, Việt bộc bạch. Kết quả học tập vừa qua là minh chứng cho sức mạnh của ý chí và lòng quyết tâm của nam sinh người dân tộc Thái này…

Người dân sinh sống tại xóm Bản Tiệng, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An chủ yếu là người dân tộc Thái, mưu sinh bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Đời sống kinh tế nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, gia đình em Lo Đức Việt cũng không ngoại lệ. Việt cùng em trai mình và những đứa trẻ vùng cao lớn lên trong những ngày đông giá rét hay nắng hè bỏng rát với bộ quần áo chắp vá, đôi dép cũ mòn bước trên con đường gập ghềnh đến trường. Mỗi bữa cơm với vài lát măng rừng hay chút muối vừng, cũng có khi chỉ là củ khoai, củ sắn luộc… Càng lên lớp trên, bạn học của Việt càng ít dần. Những chàng trai, cô gái - bạn học của Việt đa số đi học biết con chữ rồi sớm nghỉ ở nhà, lên nương gieo lúa, trồng ngô, chăn dê, đi kiếm củi, kiếm măng, rồi lấy vợ, sinh con, gắn cuộc đời mình với quê hương ngút ngàn các dãy núi.

Lo Đức Việt vinh dự là một trong 14 học sinh người dân tộc thiểu số có điểm cao ở tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương.

Lo Đức Việt vinh dự là một trong 14 học sinh người dân tộc thiểu số có điểm cao ở tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương.

Những khó khăn, thiếu thốn của miền sơn cước không làm nhụt chí chàng trai của xóm Bản Tiệng, mà càng hun đúc trong Việt tinh thần lạc quan, về ước mơ về một ngày mai tươi sáng hơn. Việt luôn xác định rằng: Chỉ có con đường học tập mới có thể giúp mình thay đổi cuộc đời, thoát khỏi cái nghèo đeo bám qua nhiều thế hệ ở bản. Những năm học Tiểu học, Trung học cơ sở, Việt luôn ở trong tốp đầu của lớp về thành tích học tập. Việt rất ham đọc sách, bởi với em, mỗi trang sách là cả kho tàng kiến thức, là một bước tiến gần hơn đến ước mơ đổi đời. Tuy gia cảnh khó khăn, nhưng bố mẹ Việt cũng rất quan tâm, luôn tạo điều kiện tốt nhất để Việt và em trai học hành.

Kết thúc bậc học Trung học cơ sở, Lo Đức Việt thi đỗ vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An - ngôi trường này với hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh. Thời điểm này, mẹ của em đi khám và phát hiện bị u tuyến giáp. Sau ca phẫu thuật, mỗi tháng chi phí thuốc thang điều trị cho mẹ Việt là hơn 1 triệu đồng. Với gia đình hộ nghèo, đó là một khoản tiền không hề nhỏ. Biết tình trạng sức khỏe của mẹ, Việt rất lo lắng. Nhưng em lấy đó là động lực để quyết tâm học tập tốt hơn. Nam sinh ngày đêm miệt mài đèn sách.

Lo Đức Việt chia sẻ: “Lúc mới nhập học, em lo lắng rất nhiều bởi sống xa gia đình ở môi trường hoàn toàn mới, những người bạn mới và nhịp sống nhộn nhịp hơn ở quê nhà. Nhưng may mắn của em cũng như các bạn được các thầy cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ và chỉ bảo học tập rất ân cần. Phương pháp giáo dục của nhà trường rất chú trọng khơi dậy tinh thần tự học của học sinh và đặc biệt đối với học sinh cuối cấp “nói không với điện thoại”. Nếu cần liên lạc với gia đình, học sinh thông qua điện thoại tại căng tin của nhà trường. Giờ giấc sinh hoạt, học tập cũng được nhà trường quy định rõ. Chính những quan tâm sát sao, hỗ trợ của thầy cô và niềm mong mỏi của gia đình đã giúp chúng em nỗ lực hơn, chinh phục kỳ thi với thành tích tốt nhất”.

Để có thành tích học tập tốt, Lo Đức Việt đã vạch kế hoạch, lên thời khóa biểu cân bằng học tập và giải trí.

Để có thành tích học tập tốt, Lo Đức Việt đã vạch kế hoạch, lên thời khóa biểu cân bằng học tập và giải trí.

Với sự nỗ lực vượt khó không ngừng nghỉ của bản thân, suốt 12 năm học, Lo Đức Việt luôn là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Đặc biệt, năm lớp 12, Việt đạt giải Ba môn Vật lý và giải Khuyến khích môn Hóa học cấp tỉnh. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Lo Đức Việt đạt tổng điểm 53,20, cụ thể (Toán: 8.20; Ngữ văn: 9.50; Vật lý: 9.0; Hóa học: 9.75; Sinh học: 8.75; Khoa học tự nhiên: 9.17; Tiếng Anh: 8.00). Với số điểm xuất sắc trên, Việt trở thành học sinh dân tộc ít người có tổng điểm bài thi khoa học tự nhiên cao nhất tỉnh Nghệ An.

Chia sẻ về “bí quyết” học, nam sinh nhấn mạnh: Bên cạnh học trong sách giáo khoa thì em còn tìm đọc thêm các sách tham khảo, xem video giảng dạy trên mạng. Khi có kiến thức nền vững, em mới bắt đầu luyện đề. Em cũng thường xuyên tranh luận với thầy cô, bạn bè, đó cũng là cách giúp mình hiểu và nhớ bài lâu hơn. Với những môn tự nhiên, với một dạng đề, em cố gắng tìm ra những cách giải khác nhau để hiểu sâu hơn về nó. Đặc biệt, em xây dựng cho mình một thời gian biểu hợp lí để cân bằng giữa học tập và giải trí, không học quá khuya, ảnh hưởng tới sức khỏe. “Nếu gặp bài khó, em có thể dùng cả tiếng đồng hồ để suy nghĩ, vì theo em thấy mình đã giải được bài ấy thì những bài cùng mức độ mình sẽ chinh phục được. Em cũng thường hay chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, để xả “stress” sau những giờ học tập”, Việt nói thêm.

Em Lo Đức Việt và bố.

Em Lo Đức Việt và bố.

Nhằm đỡ gánh nặng cho gia đình và thỏa ước mơ từ nhỏ - trở thành chiến sĩ Công an nhân dân, bảo vệ bình yên bản làng, Việt đã đăng ký thi vào Học viện An ninh Nhân dân thuộc Bộ Công an. Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, Việt ra Hà Nội tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Học viện An ninh Nhân dân. Kết thúc kỳ thi đánh giá năng lực, cộng với điểm xét tuyển Đại học các môn tổ hợp Khoa học tự nhiên, em đạt 25,35.

Khi Việt đạt được điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, người thân trong gia đình cũng như anh em họ hàng đều rất phấn khởi. Đặc biệt là khi Học viện An ninh Nhân dân công bố điểm chuẩn vào chiều 20/8, thông tin chàng trai người dân tộc Thái Lo Đức Việt trở thành tân sinh viên của ngôi trường danh giá này thì gia đình Việt càng đông vui, rộn ràng hơn. Anh em, bà con dân bản đến chúc mừng cậu học sinh giỏi của xóm Bản Tiệng đã đạt được điểm cao trong kỳ thi THPT, trở thành chiến sĩ Công an nhân dân... Ông Lo Thanh Hoài - bố của Việt chia sẻ: “Gia đình rất vui và tự hào khi biết điểm thi của cháu. Đó là kết quả mong đợi của cả nhà, xứng đáng với sự nỗ lực học tập của cháu trong những năm qua. Xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc các thầy cô giáo và nhà trường đã giúp đỡ cháu trong những năm học nội trú”.

Việt luôn suy nghĩ: thầy cô là những người mở chìa khóa kiến thức, còn học sinh cần phải nêu cao tinh thần tự học.

Việt luôn suy nghĩ: thầy cô là những người mở chìa khóa kiến thức, còn học sinh cần phải nêu cao tinh thần tự học.

Nói về học trò của mình, cô Trần Thị Liên, giáo viên dạy Toán đồng thời là chủ nhiệm lớp 12A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An cho biết: “Lo Đức Việt là một học sinh ngoan, tư duy tốt và có chí tiến thủ trong học tập. Tuy xuất phát điểm của em ở miền núi, gia đình khó khăn nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu của mình, em đã trở thành học sinh dân tộc ít người đạt điểm cao nhất khối khoa học tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT được tỉnh tuyên dương. Không chỉ dừng lại ở đó, Việt còn luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè trong học tập, chia sẻ kiến thức với những bạn có hoàn cảnh tương tự mình. Em cũng là học sinh rất năng nổ, thường xuyên tham gia nhiệt tình các phong trào của tập thể”.

Những ngày đang được nghỉ chờ nhập học, Việt tranh thủ giúp đỡ bố mẹ công việc nhà như làm nương rẫy, phát keo. Có được ngày hôm nay, Việt luôn biết ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ và thầy cô, nhà trường quan tâm, dìu dắt để em trưởng thành hơn. Con đường học tập phía trước còn nhiều khó khăn, cánh cửa mới lại bắt đầu, hi vọng với nghị lực của mình, chàng trai vùng cao xứ Nghệ Lo Đức Việt sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực, phát huy tinh thần tự học hơn nữa để trở thành người chiến sĩ Công an nhân dân…

Theo Phạm Thủy (cand)

Có thể bạn quan tâm

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

(GLO)- “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” là chủ đề Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai vừa được Tỉnh Đoàn tổ chức. 10 dự án tiêu biểu đến từ các trường THPT cho thấy sự am hiểu của học sinh về lịch sử-văn hóa dân tộc.

Độc đáo món ăn không gia vị của người Jrai

Độc đáo món ăn không gia vị của người Jrai

(GLO)- Từ những nguyên liệu “cây nhà lá vườn”, người Jrai khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đã chế biến thành món ăn thập cẩm đạm bạc. Dù không nêm nếm bất cứ gia vị nào, song món ăn này lại đậm đà hương vị ẩm thực đặc trưng của người Jrai.

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

Chàng trai 9X đam mê vẽ tranh truyền thần

(GLO)- Sinh ra trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật nhưng anh Phạm Thanh Lâm (SN 1992, thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã quyết định theo đuổi đam mê hội họa. Anh đã bộc lộ tài năng với tranh truyền thần và được nhiều người đón nhận.