Chuyện biết rồi, khổ lắm...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hoàn thuế chậm, thuế thu nhập cá nhân lỗi thời... toàn là những chuyện "biết rồi, khổ lắm..." nhưng không thể không "nói mãi" dù cả người nói và người nghe có lẽ đều mệt mỏi.

Ví như việc Bộ Tài chính kiên quyết không sửa thuế thu nhập cá nhân vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động dưới 20% so với lần thay đổi gần nhất theo quy định hiện hành. Nhưng đơn vị kiến nghị là Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng nêu rất rõ "điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay". Nghĩa là luật đã lỗi thời, đã lạc hậu so với thời cuộc thì phải điều chỉnh chứ không thể "vin" vào luật để giữ nguyên các ngưỡng thuế không hợp lý mà cũng chẳng hợp tình như vậy. Vậy không hợp lý hợp tình ở chỗ nào? Đơn cử mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng là không đủ chi tiêu cho con cái hay cha mẹ, nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội.

Ngay cơ sở của mức 4,4 triệu theo các nhà làm chính sách khi đó là mức chi tiêu tối thiểu cho một đứa con hay cha/mẹ già chỉ bằng 40% so với người làm công ăn lương bình thường. Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều biết rất khó, nếu không muốn nói là không thể, chi tiêu cho con cái hay cha mẹ chỉ bằng 40% mức chi tiêu cho bản thân. Thậm chí với nhiều gia đình, tiền nuôi con ăn học, chăm sóc bố mẹ lớn tuổi với chi phí y tế phát sinh còn nhiều hơn người đi làm. Nên có thể nói ngưỡng 4,4 triệu đồng và cơ sở của ngưỡng này đều quá lạc hậu. Cái lạc hậu tiếp theo là so mặt bằng giá cả. Chúng ta đều biết luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ban hành từ năm 2007, có hiệu lực từ năm 2009. Đến nay sau 15 năm, mức giảm trừ gia cảnh mới được điều chỉnh 2 lần vào năm 2013 và 2020. Trong 15 năm ấy, giá cả đã tăng biết bao nhiêu lần, lương tối thiểu cũng được tăng nhiều lần. Đặc biệt từ vài năm qua, do dịch bệnh Covid-19, do đứt gãy chuỗi cung ứng trên thế giới nên mặt bằng giá cả đã tăng rất mạnh. Thế nhưng điều chỉnh thuế TNCN thì lúc nào cũng trì hoãn, ì ạch.

Tương tự, giải thích về tình trạng chậm hoàn thuế giá trị gia tăng mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân là do một số quy định liên quan về thẩm quyền quyết định hoàn thuế khiến thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài. Thế nhưng bao năm qua, bao hội nghị, họp hành để tháo gỡ các vướng mắc về chậm hoàn thuế đều xuất phát từ việc xác minh hồ sơ hoàn thuế quá lâu, qua nhiều tầng nấc trung gian của cơ quan thuế.

Cứ vấn đề nằm một chỗ, lý giải lại ở một nơi, không biết vô tình hay cố ý nhưng hệ quả là các vướng mắc về thuế cứ kéo dài năm này qua năm khác. Trong khi lẽ ra phải nhìn thẳng vào bối cảnh, thực tế để tìm giải pháp tháo gỡ. Ngay cả luật không còn phù hợp thì phải chủ động đề xuất sửa, để chính sách thuế không chỉ đem lại nguồn thu chính cho ngân sách nhà nước mà còn có thể điều tiết hoạt động của nền kinh tế, nâng cao phúc lợi xã hội và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại thời điểm này, sau hơn 4 năm khó khăn liên tục và chúng ta vừa trải qua cơn bão Yagi tàn phá sức người sức của, thiết nghĩ thuế càng phải phát huy tính nhân văn, khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp thông qua việc điều chỉnh thuế TNCN cho hợp lý, hợp tình; hoàn thuế nhanh để doanh nghiệp có thêm vốn phục hồi trở lại.

Chứ đừng để khi nói đến chính sách thuế thì ai cũng lắc đầu: "Biết rồi, khổ lắm...".

Theo Nguyên Khanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 thực sự là thông tin mang lại 'niềm vui nhân đôi' với phụ huynh cả nước.

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Du lịch đã trở thành điểm sáng vượt trội trong bức tranh kinh tế TPHCM tháng 4 khi chỉ trong 15 ngày (từ ngày 2-4 đến 4-5) đã phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...