Chùa cổ trên đất võ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối Giêng, trời Bình Định đang còn đậm hương sắc của mùa Xuân. Khách thập phương vẫn nối nhau vãn cảnh ở chùa Ông Núi, chùa Thiên Hưng, chùa Thập Tháp…

Thập Tháp là ngôi cổ tự có từ trước thời Tây Sơn tụ nghĩa, được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhưng ngày nay, không phải ai cũng biết bề dày lịch sử của nó và những câu chuyện huyền thoại xung quanh ngôi chùa cổ kính nơi đất võ Bình Định.

 

Chùa Thập Tháp. Ảnh: internet
Chùa Thập Tháp. Ảnh: internet

Nằm cách cầu Chúa (nay là cầu Vạn Thuận, quốc lộ 1, thuộc thị xã An Nhơn) khoảng chừng 200 m về hướng Tây Bắc là nơi tọa lạc của Tổ đình Thập Tháp Di Đà, được khai sơn năm 1683, thời Chúa Nguyễn Đàng Trong mở cõi, do Thiền sư Nguyên Thiều theo thuyền buôn vào phủ Quy Ninh (Bình Định ngày nay) tạo lập. Theo các nhà sư ở cổ tự này, xưa kia đây là đồi Long Bích, phế tích bờ Bắc của thành Đồ Bàn-kinh đô của Chiêm Thành; là vườn hoa cảnh của Hoàng gia Chăm-pa với 10 ngôi tháp Chăm uy nghi, phía Đông có sông Quai Vạc-chi lưu sông Côn, bờ Nam có tháp Cánh Tiên. Do thời gian và chiến tranh triền miên, những ngôi tháp Chăm trở thành phế tích, chỉ còn lại chân móng và gạch đá. Ban đầu, nhà sư Nguyên Thiều đến dựng thảo am thờ Phật đã tận dụng gạch đá của những ngôi tháp Chăm đã đổ để làm nơi thờ tự. Di tích Chăm-pa còn lại đến nay trong khuôn viên chùa là cái ao sen vuông trước cổng tam quan và 3 giếng cổ vẫn còn đang sử dụng.

Ngày nay, những ai tham quan cảnh chùa đều thấy nhiều khu tháp đã rêu phong. Đó chính là nơi an nghỉ của các vị cao tăng có công lao với chùa Thập Tháp từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Hiện trong khuôn viên chùa có 24 tháp cổ, trong đó có tháp lâu đời nhất là nơi an trí nhục thân của Thiền sư Liễu Triệt (hơn 200 năm); đặc biệt có tháp Bạch Hổ gắn với truyền thuyết về con cọp trắng đã quy y ở ngôi chùa này và khi chết được chôn cất như một vị tăng ni. Ngoài ra còn có tháp Hội Đồng, nơi chôn cất nghĩa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh tử trận trong các cuộc giao chiến ở thành Hoàng Đế mà sau này nhà chùa trong quá trình trùng tu đã phát hiện, quy tập về chôn chung. Những kiến trúc cổ kính khác còn lại cho đến ngày nay có thể kể đến như chánh điện được xây như ngôi nhà ba gian, trùng tu năm 1749; nhà phương trượng nằm sau chánh điện cũng có tuổi gần 100 năm. Chiếc đại hồng chung cũng được đúc từ năm 1893. Bên cạnh đó, nhà chùa còn lưu giữ tấm biển “Sắc tứ Thập Tháp Di Đà” được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ban cùng nhiều bộ kinh sách cổ và các vật dụng có giá trị khác.

Đặc biệt, nhà chùa đang bảo quản “hòn đá chém” mà dân gian cho là rất thiêng. Theo các nhà sư ở đây thì hòn đá này (1,5 m x 1,3 m) có từ thời Tây Sơn, trước thành Hoàng Đế. Nguyễn Ánh sau khi chiếm được Quy Nhơn đã kêu gọi các tướng sĩ của Tây Sơn ra trình diện để được miễn tội chết. Nhiều người tham chính dưới thời Tây Sơn tưởng thật ra trình diện và đã bị quân Nguyễn Ánh bắt chặt đầu trên chính hòn đá này. Nhân dân trong vùng cho rằng những oan hồn đó không siêu thoát nên đề nghị chùa Thập Tháp đem hòn đá thiêng về để cầu siêu tịnh độ cho các vong linh. Hiện hòn đá được đặt ở bậc tam cấp nhà phương trượng sau chánh điện.

Trong 16 đời truyền thừa tổ đình của phái Nguyên Thừa ở đây có Thiền sư Phước Huệ, được phong Quốc sư, người được các vua triều Nguyễn từ Thành Thái đến Bảo Đại mời về kinh thành Huế để giảng kinh sách nhà Phật cho Hoàng gia. Có thể nói, hơn 3 thế kỷ qua, trên vùng đất địa linh nhân kiệt Bình Định đã hình thành, duy trì chi phái Phật giáo Nguyên Thiều, một trong những nhánh đầu tiên phát triển Phật giáo Đàng Trong thời kỳ đầu mở rộng đất nước về phương Nam. Ngôi chùa còn lưu giữ khá nguyên vẹn kiến trúc qua các thời kỳ, là chứng nhân của lịch sử thăng trầm của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Từ một thảo am đơn sơ trong những ngày đầu đặt nền móng, ngày nay chùa Thập Tháp được tu bổ, xây dựng khá bề thế, trở thành nơi phật tử bốn phương hội tụ về chiêm bái Phật, đồng thời cũng là chốn vãng cảnh của khách thập phương mỗi mùa lễ hội cũng như Tết cổ truyền của dân tộc.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.