Chư Pưh quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhiều nguồn vốn, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực này là nền tảng vững chắc tạo đà cho kinh tế-xã hội của huyện ngày càng phát triển. 
Xây dựng 20 công trình
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Pưh, trong năm 2020, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã đầu tư xây dựng 20 công trình với tổng kinh phí hơn 78 tỷ đồng. Trong số này có 6 công trình hạ tầng giao thông nhằm kết nối địa phương, thông thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Điển hình như con đường 6C nối 3 xã: Ia Hrú, Ia Dreng, Ia Hla. Những năm gần đây, việc phương tiện giao thông qua lại nhiều khiến con đường xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đầu tháng 11-2020, công trình thảm nhựa đường 6C được khởi công xây dựng trong niềm vui của người dân.
Ông Nguyễn Bá Nam (xã Ia Hla) chia sẻ: “Mấy năm nay, con đường này trở thành nỗi ám ảnh với người dân chúng tôi. Mùa mưa thì lầy lội, chi chít ổ trâu, ổ gà, mặt đất bị cày xới nham nhở. Còn đến mùa nắng thì bụi mù mịt. Nhà nước đầu tư kinh phí thảm nhựa tuyến đường này là việc làm cần thiết và rất có ý nghĩa với người dân chúng tôi”.
Đường 6C-đoạn qua địa phận xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) được kỳ vọng góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội địa phương. Ảnh: Hoành Sơn
Đường 6C-đoạn qua địa phận xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) được thảm nhựa giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Ảnh: Hoành Sơn
Cùng với các công trình giao thông, huyện Chư Pưh cũng chú trọng đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất trường học. Năm 2020, có 5 công trình nhà hiệu bộ, nhà đa năng, phòng học được đầu tư xây mới tại 5 trường: Mẫu giáo Bằng Lăng, Mẫu giáo Vành Khuyên, Tiểu học Ngô Quyền, THCS Phan Bội Châu, THCS Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai xây dựng một số công trình hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân như: chợ Ia Hla, chợ Ia Le, hệ thống nước sạch làng Ia Bia và khu tái định cư cho di dân tự do núi Cư Bung ở làng Ia Brêl (xã Ia Le).
Ông Lê Văn Thạch-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Pưh-thông tin: Hiện nay, các công trình được phê duyệt đầu tư trong năm 2020 đều đã hoàn thành việc thi công và giải ngân vốn theo đúng tiến độ đề ra. Chúng tôi cũng đôn đốc nhà thầu tập trung xây dựng để đầu tháng 1-2021 bàn giao 20 công trình này.
Tạo đà phát triển kinh tế-xã hội
Những công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng trong năm 2020 hứa hẹn tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện Chư Pưh. Đơn cử như công trình nhà đa năng có tổng diện tích xây dựng là 635,9 m2 của Trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Hrú), từ khi được đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
“Nhà đa năng được đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2020-2021. Từ đó đến nay, các tiết học thể dục, ngoại khóa hay lễ hội của nhà trường đều diễn ra trong đó, học sinh không còn chịu cảnh đội nắng, mưa để học hay dự lễ. Nhờ đó, tạo cho học sinh tâm lý vui vẻ, giúp tiếp thu bài học hiệu quả hơn”-thầy Nguyễn Ngọc Nga-Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu-cho hay.
Theo Chủ tịch UBND xã Ia Hrú Huỳnh Thái Nghiêm: “Năm nay, xã có 2 công trình được đầu tư xây dựng là nhà đa năng Trường THCS Phan Bội Châu và đường 6C. Đến nay, cả 2 công trình đều đã đưa vào sử dụng, đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân. Hai công trình này có ý nghĩa lớn với địa phương, nhất là con đường 6C. Ngoài việc giúp người dân đi lại thuận tiện và không bị thương lái ép giá nông sản thì còn giúp tăng giá trị đất đai ở hai bên đường”.
4. Đơn vị thi công khu tái định cư Ia Brêl đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ-ảnh H.S
Đơn vị thi công khu tái định cư làng Ia Brêl đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Hoành Sơn
Năm 2020, xã Ia Le được đầu tư 3 công trình phục vụ dân sinh. Hiện tại, công trình chợ Ia Le và hệ thống nước sạch làng Ia Bia đã đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả thiết thực. “Có đủ nước sạch để dùng, dân làng phấn khởi lắm. Người dân không còn phải bỏ tiền mua nước bình về ăn uống. Cây cối cũng lên xanh tốt hơn nhờ có nước tưới đầy đủ. Nhiều hộ dân bỏ về làng cũ cũng đã quay lại đây sinh sống rồi”-ông Rơ Mal Chik (làng Ia Bia) vui mừng nói.
Một công trình khác đang hứa hẹn mang đến nhiều thay đổi tích cực ở xã Ia Le là khu tái định cư cho 55 hộ di dân tự do trên núi Cư Bung. Các đơn vị thi công đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để trước ngày 31-12-2020 bàn giao mặt bằng, hạ tầng giao thông ở khu tái định cư làng Ia Brêl cho dân di cư tự do Cư Bung.
Ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le-cho biết: “Ba công trình này tạo điều kiện thuận lợi để hướng đến phát triển bền vững kinh tế-xã hội của xã. Với 2 khu tái định cư, không những giúp đảm bảo tình hình an ninh trật tự mà còn để người dân được hưởng lợi các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện nay, chúng tôi tập trung vận động các hộ di dân tự do ở Cư Bung di dời nhà cửa ra khu tái định cư Ia Brêl. Dân trong đó đã đồng tình và chờ ngày Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng bàn giao mặt bằng để tiến hành di dời nhà cửa”.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.