(GLO)- Hỗ trợ vốn vay, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đi xuất khẩu lao động… được xem là những giải pháp thoát nghèo bền vững mà thời gian qua huyện Chư Pưh đã triển khai.
Từng bước giúp dân thoát nghèo
Chư Don là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pưh với 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Chư Don đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương nhằm từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng với điều kiện thổ nhưỡng cằn cỗi, chỉ có cây mì, điều sống được, cuộc sống của người dân vì thế còn nhiều khó khăn.
Huyện Chư Pưh còn nhiều diện tích đất đai cằn cỗi là nguyên nhân dẫn đến đời sống một số hộ dân còn nhiều khó khăn. Ảnh: Đ.Y |
Bà Buôn Yă H’Bing-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chư Don, cho biết: “Để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, công tác tuyên truyền được Đảng ủy, UBND xã đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể cũng vào cuộc, vận động giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ vốn vay, tìm hiểu giống cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Nhờ đó, một số cây trồng mang lại hiệu quả như điều ghép, mì cao sản, những giống lúa mới chịu hạn tốt đã được áp dụng cho bà con”.
Đứng trước 4 sào lúa nước đang thì con gái, chị Nay Yân ở Plei H’Lốp (xã Chư Don) chia sẻ: “Nhà mình có 4 sào lúa nước và 4 sào mì, cuộc sống quanh năm lam lũ mà vẫn nghèo vì đất đai cằn cỗi. Mới đây, gia đình được huyện hỗ trợ giống lúa mới, thấy lúa lên xanh tốt nên hy vọng sẽ đạt năng suất cao. Gia đình mình cũng đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng mua giống mì cao sản về trồng, sau nhiều tháng thấy mì lên tươi tốt. Nếu mì cho sản lượng cao, vợ chồng mình sẽ thuê đất trồng tiếp”.
Những giải pháp phù hợp, đồng bộ
Thời gian qua, không chỉ xã Chư Don mà các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã bằng nhiều giải pháp quyết liệt thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm từ đào tạo nghề, giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, sau khi phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều (chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) được áp dụng, qua rà soát, thống kê, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Chư Pưh chiếm 29,05%, tăng gấp 3 lần so với chuẩn nghèo đơn chiều cuối năm 2015. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, kiêm Phó Trưởng ban công tác giảm nghèo huyện Chư Pưh cho biết: “Trước đây, giảm nghèo chỉ đánh giá dựa trên tiêu chí thu nhập là chính. Trong giai đoạn 2016-2020, giảm nghèo tiếp cận theo phương thức đa chiều còn dựa vào mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin... Cách tiếp cận đo lường nghèo đa chiều rất thiết thực, sát thực tế, nâng cao được cả chất và lượng trong vấn đề xác định các tiêu chí nghèo để từ đó có những chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ người nghèo thực chất nhất”.
Hiện nay, huyện Chư Pưh có 363 lao động tham gia công tác xuất khẩu lao động tại một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả Rập Xê Út, Đài Loan…, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. |
Từ thực tế đó, huyện đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp với địa phương trên cơ sở sự chỉ đạo hướng dẫn của tỉnh và ngành Lao động-Thương binh và Xã hội. Mục tiêu giảm nghèo của huyện đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện là lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người nghèo có hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập, cải thiện đời sống thông qua nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, như: Chương trình vay vốn ưu đãi hộ nghèo, hỗ trợ cây-con giống; phân công mỗi ban, ngành, đảng viên nắm, bám thôn làng, hộ để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Mỗi năm huyện Chư Pưh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4% đến 5%.
“Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, huyện Chư Pưh đã đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, triển khai các mô hình lồng ghép, giúp dân thoát nghèo bền vững như: hỗ trợ phương tiện sản xuất, hỗ trợ vay vốn… Đặc biệt, huyện tiếp tục xác định công tác xuất khẩu lao động là giải pháp hữu hiệu trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo. Cùng với đó, đề xuất bổ sung các nguồn vốn vay như vốn vay giải quyết việc làm, vay hỗ trợ sản xuất, vay xuất khẩu lao động và định mức vay cho mỗi hộ được tăng lên; đồng thời hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, chỉ cách làm ăn cho người nghèo. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 22,96% và ước tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 giảm còn 16,96%”-ông Nguyễn Như Trường cho biết.
Đinh Yến