Chư Păh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, người dân huyện Chư Păh đã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng. Hướng đi này góp phần mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân.
Chư Păh hiện có gần 4.600 ha cây lương thực, 2.785 ha cây tinh bột có củ, 910 ha cây thực phẩm, gần 16.750 ha cây công nghiệp dài ngày, gần 500 ha cây ăn quả, cây dược liệu và cây công nghiệp ngắn ngày. Những năm gần đây, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích cà phê, mì, lúa rẫy kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả.
Ia Khươl là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất huyện. Toàn xã hiện có khoảng 80 ha sầu riêng, hơn 10 ha mít, 3 ha cam, quýt và một số cây trồng như chôm chôm, na dai, bơ được trồng xen trong vườn cà phê. Ông Đặng Văn Kích (thôn Đại Ân 2) là một trong những hộ tiên phong đưa cây sầu riêng, mít Thái, bơ, chôm chôm về trồng xen trong 2 ha cà phê. Đến nay, vườn của gia đình ông có 100 cây sầu riêng, 40 cây bơ, 50 cây mít, 50 cây na, 400 trụ hồ tiêu và 1.000 cây cà phê. “Trồng cây ăn quả cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng”-ông Kích chia sẻ. 
Mô hình trồng xen cây an quả trong vường cà phê của ông Đặng Văn Kích-thôn Đại Ân 2, xã Ia Khươl cho thu nhập mỗi ha hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Lê Nam
Mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê của ông Đặng Văn Kích (thôn Đại Ân 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) cho thu nhập cao. Ảnh: Lê Nam

Theo ông Phạm Quý-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Khươl: Xã đã thành lập 1 tổ liên kết trồng và chăm sóc cây sầu riêng tại thôn Đại Ân 2 với 16 thành viên; 1 chi hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây sầu riêng tại thôn Tân Lập với hơn 40 hộ tham gia. “Nhiều hộ chỉ trồng 30-50 cây sầu riêng cũng cho thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm. Từ trồng xen, loại cây này trở thành nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả còn mang tính tự phát. Do đó, chúng tôi mong muốn có doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để người dân có đầu ra ổn định hơn”-ông Quý cho hay.
Còn ông Nguyễn Văn Thiện (thôn 1, xã Ia Ka) sau khi thấy giá cao su xuống thấp đã phá bỏ chuyển sang trồng cà phê, cây ăn quả. Hiện ông Thiện có 200 cây mít Thái, 180 cây sầu riêng, hơn 1.500 cây cà phê và 3 sào măng tây theo hướng hữu cơ. Ông cho biết: “Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gia đình đầu tư chỉ khoảng 12 triệu đồng/ha, ít hơn so với trước đây 30-35 triệu đồng. Đến nay, các loại cây trồng bắt đầu cho thu bói. Với giá 10-15 ngàn đồng/kg mít, 60 ngàn đồng/kg măng tây, 40-50 ngàn đồng/kg sầu riêng; sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi tích lũy trên 300 triệu đồng/năm”.  
Ông Nguyễn Thế Minh (bìa phải)-Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) giới thiệu mô hình trồng bắp sinh khối liên kết với Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Lê Nam
Ông Nguyễn Thế Minh (bìa phải)-Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) giới thiệu mô hình trồng bắp sinh khối liên kết với Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Lê Nam
Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, người dân huyện Chư Păh đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Theo đó, bà con nông dân sử dụng những giống lúa có năng suất, chất lượng cao như: HT1, ML48, OM4900, Đài Thơm 8 và kết hợp biện pháp thâm canh IPM, ICM; tái canh hơn 3.145 ha cà phê với những giống mới TRS1, TR4, TR9, xanh lùn. Ngoài ra, toàn huyện có hơn 677 ha cây trồng áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP, GlobalGAP...; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa-cho biết: Chúng tôi đang liên kết với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất và tiêu thụ bắp sinh khối với 100 ha và liên kết với Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai trồng 5,7 ha cà gai leo với 57 hộ dân tham gia.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hiên nay, thu nhập trung bình của 1 ha cây ăn quả là 350-400 triệu đồng/năm khi vườn cây đi vào kinh doanh và tăng 150-200 triệu đồng so với các loại cây trồng khác. “Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, từng bước hướng đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn và kết nối cung cầu, hỗ trợ liên kết chuỗi trong tiêu thụ sản phẩm”-ông Sơn thông tin thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.