(GLO)- Chư Pah là địa phương có tiềm năng đất đai để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, chè… có tiềm năng về thủy điện và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển xã hội. Và để tạo “đòn bẩy” nhằm “đánh thức” tiềm năng, những năm qua, huyện đã rất chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Chư Pah nằm ở vị trí vô cùng thuận lợi khi có quốc lộ 14 chạy qua giữa huyện theo hướng Bắc Nam, qua thị trấn Phú Hòa, sang TP. Pleiku tiếp giáp với quốc lộ 19 nối Pleiku và Quy Nhơn. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện rất khó khăn, chủ yếu là đường đất, bụi mù vào mùa nắng và lầy lội vào mùa mưa. Từ huyện lỵ, muốn đến các xã vùng sâu, vùng xa phải đi bộ mất vài ngày. Theo đó, kinh tế địa phương hầu như mang tính tự cung tự cấp, đời sống nhân dân chậm được cải thiện. Trong giai đoạn 2005-2010, Chư Pah đã đạt những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là 13,15% (vượt chỉ tiêu đề ra), toàn huyện đến năm 2010 đã có 3.528 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo còn 12% (giảm trên 26% so với năm 2005).
Hệ thống giao thông huyện Chư Pah đang ngày càng hoàn thiện. Ảnh: H.D |
Có nhiều tác nhân để tạo nên sức bật về kinh tế, song xuyên suốt là nhờ huyện đã tập trung nhiều nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Kết cấu hạ tầng các xã trung tâm các tiểu vùng kinh tế như Nghĩa Hưng, Chư Đăng Ya, Ia Kreng, Ia Nhin, ngã ba Tơ Vơn, Ia Ly, thị trấn Phú Hòa, trung tâm cụm xã Đak Tơ Ve (là các tiểu vùng kinh tế đã định hình) đang ngày càng hoàn thiện nhằm khai thác hiệu quả lợi thế tiềm năng. Riêng trong năm 2014, huyện đã dành nguồn kinh phí đáng kể trong tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của huyện là 109,97 tỷ đồng cho đầu tư hệ thống giao thông với 53 công trình. Một số công trình được xác định làm nền tảng thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển đều đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng như đường liên xã Hòa Phú-Ia Nhin (kết nối đường tỉnh 661 đi về các xã Ia Ka, Ia Nhin, Ia Mơ Nông, thị trấn Ia Ly... với quốc lộ 14), tổng vốn đầu tư 22,3 tỷ đồng, vừa rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các xã, tăng sức giao thương giữa các vùng trên địa bàn huyện. Hay công trình cầu Ia Ong trên tuyến đường liên xã Đak Tơ Ve-Hà Tây, tổng mức đầu tư 8,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Thế giới và vốn ngân sách huyện.
Đối với thị trấn Phú Hòa, với vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong Quyết định số 1103/005/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Phú Hòa đến năm 2020 của UBND tỉnh, với định hướng sẽ phát triển dọc theo tỉnh lộ 673 về phía Tây của thị trấn đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn II) và phát triển đất ở mới lên phía Bắc của thị trấn, theo đó, định hướng quy hoạch cải tạo xây dựng hạ tầng giao thông cũng có những định hướng nhất định. Trước tiên là tổ chức lại mạng lưới đường một cách hợp lý dựa trên cơ sở các đường đã mở hiện trạng, hạn chế tối thiểu các giao cắt trực tiếp giữa đường nhánh với đường chính đô thị, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn cho đô thị.
Bên cạnh đó, trục đường chính chạy qua thị trấn là đường đi thủy điện Ia Ly (hiện trạng đã có nhà dân bám hai bên đường và các công trình công cộng) sẽ được quy hoạch mở rộng nâng cấp. Trục quốc 1ộ 14 từ Kon Tum đi Pleiku qua thị trấn được nâng cấp, cải tạo đến năm 2020 thành trục chính của thị trấn mặt cắt 50 mét. Trục đường Hùng Vương cải tạo và mở rộng mặt cắt ngang 30 mét. Nâng cấp các trục đường hiện có thành các trục đường chính khu vực, đường khu vực mặt cắt ngang từ 16,5 mét đến 22,5 mét. Đường giao thông nội bộ trong các tiểu khu nhà ở có mặt cắt 10,5 mét đến13,5 mét. Đến năm 2020 tổng chiều dài mạng lưới đường của thị trấn sẽ là 32,95 km.
Có thể thấy, nhờ có đường giao thông tốt mà bộ mặt huyện miền núi Chư Pah thực sự khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp đã chọn Chư Pah làm nơi “đất lành” để xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, đã và đang xúc tiến các thủ tục đầu tư sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như: chế biến, thu mua nông sản, cà phê, sản xuất gạch bông không nung, kinh doanh du lịch, trồng rừng, khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản... Địa bàn huyện cũng có nhiều đơn vị kinh tế lớn hoạt động trên lĩnh vực thủy điện, trồng-khai thác-chế biến mủ cao su, chè, sản xuất xi măng, cơ sở luyện gang, khai thác đá granit, đá trụ bazan, các công trình thủy lợi; hàng trăm cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất đồ sắt, đồ mộc, điện dân dụng, sửa chữa ô tô, chế biến nông sản thực phẩm… Tin rằng, với đà này, các mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đến năm 2020; mục tiêu xây dựng thị trấn Phú Hòa trở thành trung tâm kinh tế-chính trị-xã hội của huyện và xây dựng xã Ia Ly trở thành thị trấn phía Tây Bắc của huyện giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020... sẽ nhanh chóng hoàn thành.
Hà Duy