Tạo tiền đề vững chắc cho năm 2023
Trao đổi với P.V, ông Nay Kiên-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Năm 2022, huyện Chư Păh có 16/17 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết đề ra. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất là 10,75%, đạt 100% kế hoạch; tổng giá trị sản xuất là 7.373 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; thu ngân sách hơn 43,9 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 47,5 triệu đồng, tăng 8,58% so với năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp khoảng 1.526 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch (cao hơn 27,54% so với cùng kỳ năm 2021). “Đạt được kết quả này là do một số ngành công nghiệp thế mạnh của địa phương như: sản xuất vật liệu xây dựng, sửa chữa máy móc thiết bị, thủy điện… được đầu tư hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương”-Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.
Trung tâm huyện nhìn từ trên cao. Ảnh: Uyên Nguyên |
Kết thúc năm 2022, toàn huyện gieo trồng được 26.786 ha, cơ cấu cây trồng được điều chỉnh phù hợp với lợi thế của địa phương, gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị. Trong năm, huyện đã triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ cánh đồng sản xuất lúa một giống chất lượng cao tại các xã: Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Khươl, Ia Phí. Cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất trung bình đạt 50-60 tạ/ha. Toàn huyện tiếp tục tái canh 110 ha cà phê. Đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã có nhiều nỗ lực thực hiện các dự án. Tổng khối lượng thực hiện các nguồn vốn 82,284 tỷ đồng, giải ngân 96% vốn kế hoạch đầu tư công theo yêu cầu đề ra. Tiếp tục triển khai các nội dung về quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và 3 đồ án quy hoạch chi tiết: xây dựng khu vực phía Bắc đường Nguyễn Văn Linh, thị trấn Phú Hòa; xây dựng khu vực tổ dân phố 1, 2 thị trấn Ia Ly và xây dựng Nghĩa trang nhân dân huyện.
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, huyện Chư Păh tiếp tục đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2023. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất là 11%; thu ngân sách trên địa bàn hơn 91 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) là 1,6%; tiếp tục duy trì 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 làng đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,75%... Mặt khác, tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng cường sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn.
Cam kết hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư
Nhiều năm qua, thông điệp huyện gửi đến các nhà đầu tư là “Chư Păh cam kết sẽ là đối tác tin cậy, là bạn đồng hành lâu dài, là điểm đến hứa hẹn cho các nhà đầu tư”. Sở dĩ Chư Păh thu hút sự chú ý của doanh nghiệp là do có Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp rộng 53 ha. Đến nay, diện tích đất đã cho thuê chiếm 48,04%, với 6 nhà máy, trong đó có 3 nhà máy đang hoạt động và 3 nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng.
Chư Păh là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch với nhiều thắng cảnh, các điểm di tích lịch sử như: núi lửa Chư Đang Ya, hàng thông cổ thụ, núi Chư Nâm, thác Công Chúa, Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh, tịnh xá Ngọc Như, Nhà máy Thủy điện Ia Ly, suối đá cổ... Trong đó, chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng) là một trong những ngôi chùa cổ với kiến trúc hài hòa, độc đáo; tịnh xá Ngọc Như (thị trấn Phú Hòa) có thiết kế hòa hợp thiên nhiên với những hòn non bộ, cây cối bao quanh và điểm nhấn là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao sừng sững... Ngoài ra, người dân còn lưu giữ các lễ hội, làng nghề truyền thống đặc trưng của người Jrai, Bahnar.
Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh) giữa cánh đồng chè trăm tuổi là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Chư Păh còn là vùng đất nông nghiệp trù phú với 8.400 ha cà phê, 5.100 ha cao su, 2.750 ha bời lời, 145 ha hồ tiêu, 48 ha sầu riêng, 670 ha rau các loại, 200 ha chanh dây và 4.160 ha lúa. Huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh cao su, cà phê, dong riềng, chuối... tạo ra những sản phẩm hàng hóa giá trị. Mạng lưới giao thông các xã, liên xã trong huyện và kết nối với các địa phương lân cận đã được bê tông hóa, nhựa hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa, đi lại thuận lợi và xuyên suốt. Hệ thống điện lưới đảm bảo, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt khoảng 99%.
Theo Chủ tịch UBND huyện: Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với những nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với cải thiện mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Những thành công này là tiền đề để địa phương tự tin hoàn thành tốt lộ trình mục tiêu đã đề ra.
Suối đá cổ (làng Vân, thị trấn Ia Ly) là điểm du lịch hấp dẫn của huyện Chư Păh. Ảnh: Uyên Nguyên |
“Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung thực hiện 3 khâu đột phá trong thu hút đầu tư. Đó là tiếp tục đẩy mạnh các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và gắn với du lịch cộng đồng tại các điểm có tiềm năng. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư du lịch vào các dự án, phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng, khai thác thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, sinh thái, văn hóa đặc sắc của địa phương. Chúng tôi cam kết hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư tại địa phương. Chư Păh sẵn sàng hợp tác và mời gọi tất cả những ai quan tâm tới tiềm năng, lợi thế và những giá trị hiện hữu của vùng đất để cùng khai thác, phát huy làm giàu, chung tay xây dựng huyện Chư Păh phát triển nhanh và bền vững”-Chủ tịch UBND huyện khẳng định.