Theo thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana, Nam Phi vào ngày 24-11 và có tới 32 đột biến ở protein gai.
Đây được xem là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến thể khác. Dự báo Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% so với biến thể Delta. Nhận định này của WHO là có cơ sở khi mà trong tuần qua, nhiều quốc gia trên giới đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng rất nhanh, trong đó có nhiều trường hợp mắc biến thể Omicron.
Tại Việt Nam, tới thời điểm này, qua giám sát dịch tễ, chúng ta chưa phát hiện trường hợp mắc Covid-19 nào có liên quan tới biến thể Omicron. Tuy nhiên, trước cảnh báo của WHO và động thái nhiều quốc gia triển khai các biện pháp ứng phó, ngăn chặn sự lây nhiễm của biến thể Omicron, ngày 29-11 Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu Bộ Y tế bám sát diễn biến tình hình dịch do biến thể mới Omicron gây ra; đồng thời thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, đề xuất các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp. Thủ tướng yêu cầu các bộ: Y tế, Ngoại giao, GTVT, Công an, Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm biến thể Omicron nhập cảnh vào Việt Nam, nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.
Một ngày sau chỉ đạo của Thủ tướng, sáng 30-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc làm việc với ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, ông John MacArthur, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại khu vực Đông Nam Á và ông Matthew Moore, Giám đốc Chương trình An ninh y tế toàn cầu của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, để trao đổi thông tin về cách thức phòng chống biến thể Omicron. Qua làm việc, cả WHO và CDC Hoa Kỳ đều đánh giá cao những ứng phó của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh đến 4 yếu tố trong việc kiểm soát và ứng phó với biến thể Omicron, gồm: tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến thể mới Omicron; đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vaccine Covid-19; tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị với tình huống ca bệnh tăng cao, trong đó có ca bệnh mang biến thể Omicron; đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gene các ca bệnh Covid-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến thể mới.
Hiện chúng ta đã từ bỏ “Không Covid-19” mà chuyển sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ rõ: Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch. Do đó, với tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến căng thẳng, đòi hỏi các bộ, ngành chức năng, cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh. Phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để tự bảo vệ mình, bảo vệ cho người thân và cộng đồng, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc “5K + vaccine”. Đây luôn là giải pháp căn cơ trong phòng chống dịch, là “lá chắn” vững vàng trước sự đe dọa của dịch đối với sức khỏe của con người.
Theo QUỐC LẬP (SGGPO)