Chủ đầu tư Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 Bình Định - Gia Lai bị nhắc nhở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khu Quản lý đường bộ III (tại Đà Nẵng) vừa có văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư) chỉ đạo các nhà thầu đảm bảo an toàn giao thông khi thi công Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 Gia Lai - Bình Định thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.
Quá trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 Bình Định - Gia Lai đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông.

Quá trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 Bình Định - Gia Lai đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông.

Theo nội dung văn bản, để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện đi lại được thông suốt trên tuyến Quốc lộ 19 qua địa bàn tỉnh Gia Lai và Bình Định, Khu Quản lý đường bộ III đề nghị Chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo các nhà thầu thi công trên Quốc lộ 19 kiểm tra xử lý các vị trí bong tróc, ổ gà, sình lún, một số đoạn thi công không có cọc tiêu hoặc có cọc tiêu nhưng thiếu dây văng gây mất an toàn, các cống ngang, đường vào các cầu tạm chưa được bù phụ êm thuận mặt đường gây mất an toàn giao thông.

Bên cạnh việc đề nghị Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công nghiêm túc thực hiện các nội dung trên, Khu Quản lý đường bộ III cũng ấn định thời gian khắc phục các tồn tại trước ngày 28/2/2023.

Trước đó, tình trạng hư hỏng nghiêm trọng và mất an toàn giao thông trong quá trình thi công cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Gia Lai - Bình Định đã được Báo Đấu thầu phản ánh tại bài viết: "Dự án cải tạo Quốc lộ 19 nối Gia Lai - Bình Định: Cảnh báo giải pháp mạnh với Chủ đầu tư".

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 nối Gia Lai - Bình Định (giai đoạn 2) thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, được khởi công từ cuối tháng 8/2021 (giai đoạn 1 đầu tư BOT nâng cấp, cải tạo từ Km17+027 - Km51+152 với tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào khai thác năm 2016).

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 143 km, trong đó, qua tỉnh Gia Lai 126 km, qua Bình Định 17 km, tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (tương đương hơn 3.600 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia khoảng 2,1 triệu USD cho thiết kế kỹ thuật, 3,7 triệu USD còn lại là vốn đối ứng trong nước.

Đến tháng 7/2022, Bộ Giao thông vận tải quyết định bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án này. Nếu tính cả hai giai đoạn, nguồn vốn đầu tư nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 19 lên đến gần 5.600 tỷ đồng.

Dự án có 3 gói thầu xây lắp. Trong đó, Gói thầu XL-07 Thi công xây dựng đoạn Km222+000 - Km241+000 do Liên danh Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 - Công ty CP Xây dựng 203 - Công ty CP Xây dựng thương mại 559 thực hiện (giá trúng thầu hơn 223 tỷ đồng); Gói thầu XL-06 Thi công xây dựng đoạn Km200 - Km222 do Liên danh Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Phương Nam - Công ty Xây dựng Việt Đức - Công ty TNHH Mạnh Cường thực hiện (giá trúng thầu gần 300 tỷ đồng); Gói thầu XL05 do Liên danh Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng công trình 656 thi công (giá trúng thầu gần 260 tỷ đồng).

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.