Chống tham nhũng, tiêu cực: Đừng sợ hết người làm việc!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội tại cuộc tiếp xúc mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Không lo thiếu cán bộ làm việc… Quan trọng là phải chọn đúng cán bộ thay thế, phải làm thật chính xác, chín chắn, không được vội vàng”. Câu trả lời đồng thời đã thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta về tinh thần không khoan nhượng, không có ngoại lệ, không có vùng cấm trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo đất nước.  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội, sáng 26/11. Ảnh nguồn NDĐT
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội, sáng 26/11. Ảnh nguồn NDĐT

Đây chắc có lẽ không phải là lần đầu tiên, cũng không phải là cử tri duy nhất bày tỏ sự băn khoăn về công tác cán bộ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các cuộc tiếp xúc trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Nhất là thời gian gần đây, nhiều cán bộ lãnh đạo từ địa phương đến trung ương bị kỷ luật, khởi tố. Chỉ riêng vụ Việt Á, đến thời điểm này cũng đã hơn 70 người.

Không phải ngẫu nhiên mà cử tri lại “lo thiếu cán bộ”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại khẳng định “không lo thiếu cán bộ”! Bởi đã từng có một vị lãnh đạo Quốc hội nói như nửa đùa nửa thật rằng: “Kỷ luật nhiều như thế, lấy ai làm việc”. Một câu nói đã để lại nhiều “suy nghĩ”, nhiều “tâm tư” cho tất cả những ai quan tâm đến vận mệnh quốc gia, trước tình trạng có “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức”.

Thực tế 10 năm Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng là cơ sở để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể tự tin trả lời với đồng bào, cử tri cả nước rằng: Không phải như vậy. Đấu tranh phòng-chống tham nhũng không làm mất cán bộ, mà chỉ là loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham lam, lừa dân dối Đảng để vơ vét tài sản, tiền bạc của dân, của nước. Họ không chỉ “vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo lý, nên không thể không xử lý”-Tổng Bí thư khẳng định. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng nói: “Điều quan trọng là phải chọn đúng cán bộ để thay thế, phải làm thật chính xác, chín chắn, không được vội vàng”.  

Tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn đã được nhận diện từ Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) tháng 2-1999. Tuy nhiên, chỉ đến nhiệm kỳ XII của Đảng, cuộc chiến này mới thực sự quyết liệt. Từ “phát súng mở màn” Trịnh Xuân Thanh, hàng loạt quan chức trong ngành Dầu khí, Bộ Công thương đã lộ diện. Người giữ vị trí cao nhất trong vụ này là Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm Đinh La Thăng. “Lò thiêu” quan tham vẫn luôn rực lửa suốt 10 năm qua, đem lại niềm tin cho Nhân dân về một công cuộc chỉnh đốn thành công.

Rõ ràng, nói “kỷ luật nhiều như thế lấy ai để làm việc” là không có cơ sở. Mà ngược lại, kỷ luật những người bất tài, tham nhũng là cách để đất nước phát triển; làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực là để Đảng ta trong sạch, vững mạnh hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao uy tín quốc gia.

Từ nhiệm kỳ XII đến nay, danh sách cán bộ bị kỷ luật ngày càng dài ra với khá nhiều người là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Nhiều người đã bị khởi tố, phạt tù. Thay vì ngạc nhiên, thậm chí là tiếc nuối khi có cán bộ bị kỷ luật như trước thì bây giờ, người dân lại rất đồng tình và xem đó là chuyện bình thường. Năm 2021 có 32 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật; 6 tháng đầu năm nay, con số đó cũng xấp xỉ cả năm trước. Chỉ riêng vụ Việt Á, số “củi lớn, củi bé” bị cho vào “lò” đã hơn 70 người. Phần lớn đều có học hàm, học vị cao, là cán bộ chủ chốt.

Đất nước không thiếu người tài. Vấn đề là việc phát hiện, giới thiệu, đào tạo, thử thách, đánh giá cán bộ có vô tư trong sáng, có vì sự nghiệp chung hay không mà thôi. Đã có không ít cán bộ luân chuyển vội vàng, không đủ tiêu chuẩn, lộ rõ chuyện phe nhóm; có những quả non chín ép bị rơi rụng giữa chừng, mặc dù con đường đi lên thần tốc tưởng chừng rất đúng quy trình! Những Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Đức Chung, Đinh La Thăng, Tất Thành Cang… là tấm gương tày liếp về những lỗ hổng cần rút kinh nghiệm trong công tác cán bộ.

Thực tiễn vừa là bài học, đồng thời là sự chỉ dẫn cho bước đường đi lên phía trước. Trên con đường ấy, những kẻ bất tài, cơ hội cần phải bị loại bỏ. Hãy dựa vào “tai mắt” của dân để tìm kiếm nhân tài cho đất nước. Cần nhưng không vội, để không phải chọn nhầm người. Nhân tài của đất nước thời nào cũng có. Vấn đề là cách phát hiện, bồi dưỡng như thế nào để cán bộ thực sự là nhân tài cho đất nước mà thôi.

 

 ĐÌNH CƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.