Chọn quân ngũ để cống hiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Sau ngày 27-2, tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đã hoàn thành công tác giao nhận quân năm 2024. Không khí nô nức, rộn ràng của ngày hội tòng quân lan rộng đến từng ngõ xóm, đường làng.

Dù vẫn có một chút quyến luyến, bịn rịn ngày chia tay người thân, gia đình, song hàng ngàn thanh niên vẫn cùng chung một tâm thế hăng hái, háo hức, sẵn sàng lên đường, tiếp bước truyền thống cách mạng, cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước ngày tuyển quân năm 2024, có không ít trường hợp bị xử phạt vì trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Trong đó, vì nhận thức lệch lạc, sợ khó, sợ khổ nên một số thanh niên cố tình vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe, gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nhằm trốn nghĩa vụ. Không chỉ bị xử phạt theo quy định, họ cũng nhận phải không ít chỉ trích từ cộng đồng. Gần đây nhất, 2 thanh niên tại TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) bị phạt 22 triệu đồng vì không chấp hành lệnh khám nghĩa vụ quân sự. Còn một trường hợp thanh niên tại huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) đã bị phạt 12 tháng tù vì cố tình trốn nghĩa vụ quân sự, dù trước đó đã bị xử phạt hành chính vì hành vi trên.

Nhưng không vì chuyện “một con sâu làm rầu nồi canh”, vẫn có hàng ngàn thanh niên tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Điều này cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng của các ngành, địa phương trong việc nâng cao nhận thức cũng như tạo sự đồng lòng của các gia đình và công dân trong độ tuổi nhập ngũ.

Đáng chú ý, trong đó có cả những người đã tốt nghiệp và đang theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Điều này khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến hình ảnh hàng vạn sinh viên miền Bắc nghe theo lệnh tổng động viên sẵn sàng gác lại việc học hành để vào chiến trường miền Nam tham gia đánh giặc bảo vệ Tổ quốc vào những năm 1970-1972.

Các tân binh chia tay bạn bè lên đường nhập ngũ. Ảnh: Đinh Yến

Các tân binh chia tay bạn bè lên đường nhập ngũ. Ảnh: Đinh Yến

Xếp lại bút nghiên, từ sinh viên họ trở thành chiến sĩ, lên đường tòng quân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trong số này, phải kể đến 3 anh em ruột ở phường Tam Thuận (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) cùng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đó là 2 anh em sinh đôi gồm Nguyễn Khắc Tự Hiền Nhơn, Nguyễn Khắc Tự Hiền Nhân (20 tuổi) và người em út Nguyễn Khắc Tự Hiền Phúc (18 tuổi). Nhơn đang học ngành Công nghệ thông tin (Trường Cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch Đà Nẵng), Nhân đang học ngành Logistic (Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng) và Phúc thì học nghề tại Trường Giao thông Vận tải Trung ương 5. Cả 3 anh em cùng được nhập ngũ tại Sư đoàn Không quân 372. Quyết tâm của 3 anh em khiến cả gia đình rất vinh dự, tự hào.

Đặc biệt, cần phải kể đến hàng trăm “bóng hồng” trong mùa tòng quân năm nay. Ngày giao nhận quân, trong tà áo dài duyên dáng song những nữ quân nhân đã thể hiện được ý chí, quyết tâm dành những năm tháng tuổi trẻ phụng sự Tổ quốc. Nhiều người trong số họ, ước mơ lớn nhất là được trở thành nữ quân nhân, được sống trong môi trường quân ngũ. Vì thế, những lá đơn xin nhập ngũ cũng ấp ủ bao dự định, hoài bão.

Dù đã tốt nghiệp Đại học Luật (Đại học Huế), cô gái trẻ Lê Thị Thanh Cương (thôn Tân Lập, xã Trang, huyện Đak Đoa) vẫn tình nguyện viết đơn tham gia nghĩa vụ quân sự bởi đây là ước mơ từ khi ngồi trên ghế nhà trường. “Vào môi trường quân đội, em sẽ được học tập, rèn luyện và trưởng thành hơn cũng như đóng góp một phần sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”-Cương tâm sự.

Cùng với Cương, năm nay, Gia Lai còn có 7 bạn nữ khác cũng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Trong tổng số 2.408 công dân của địa phương lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự năm nay, 34 người có trình độ đại học, 38 người có trình độ cao đẳng, 4 người có trình độ trung cấp và 8 người là đảng viên.

Mỗi người có một lý do riêng để chọn con đường quân ngũ. Có người chấp hành theo pháp luật, người lại muốn tiếp bước truyền thống gia đình, muốn tìm một cơ hội nghề nghiệp ổn định, người muốn thử sức mình, vượt qua giới hạn của bản thân ở một môi trường mới…

Song, tất cả đều ý thức được rằng, chọn quân ngũ là chọn “kỷ luật thép”, khổ luyện và trưởng thành. Hành động sẵn sàng rời bỏ công việc ổn định, tạm xa ghế nhà trường, xa gia đình, bè bạn để ra thao trường thật đáng trân trọng. Điều đó cho thấy tinh thần chủ động, sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân, tuân thủ Luật Nghĩa vụ quân sự. Hơn hết, đó là lý tưởng cao đẹp, đáng tự hào của lớp trẻ khi chọn con đường quân ngũ dẫu biết phía trước lắm gian nan, nhọc nhằn.

Có thể bạn quan tâm

Nhân lên niềm vui chiến thắng

Nhân lên niềm vui chiến thắng

(GLO)- Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.
Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Tình trạng ô nhiễm rác thải do thiếu ý thức sẽ tái diễn, không gian du lịch bị vấy bẩn bởi rác trên đường và "rác trong ý thức", làm ảnh hưởng ngành du lịch Việt Nam, đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.