Chợ Đông Ba - điểm đến du lịch truyền thống hấp dẫn ở Thừa Thiên-Huế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Là ngôi chợ có lượng lưu thông hàng hóa lớn từ các thương nhân và người dân, chợ thường xuyên sầm uất, tấp nập người mua bán từ sáng tận đến chiều tối.

Chợ Đông Ba ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Chợ Đông Ba ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)


Là một trong ba ngôi chợ lớn nhất của cả nước, chợ Đông Ba ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang cố gắng phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có bên cạnh việc tiếp thu những tinh hoa hiện đại để xây dựng chợ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của địa phương.

Sức hút đặc biệt

Dưới thời vua Gia Long, ngôi chợ tọa lạc ở bên ngoài cửa Chánh Đông (tức cửa Đông Ba) với tên gọi Quy Giả Thị. Sau biến cố kinh thành Huế vào năm 1885, chợ bị thực dân Pháp phá hủy. Năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại chợ và lấy tên là Đông Ba. Năm 1899, vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba về vị trí như hiện nay; đến nay vừa đúng 120 năm.

Trong quá trình xây dựng và phát triển chợ, Đông Ba còn là nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngay từ khi mới thành lập, tầng lớp tiểu thương chợ Đông Ba đã tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh chống sưu thuế, chống bắt lính, ủng hộ hoạt động của các nhà yêu nước.

Có lúc, trên 400 tiểu thương chợ Đông Ba đã tham gia đoàn biểu tình hơn hai vạn người dưới sự chỉ đạo của thành ủy Huế, đấu tranh thống nhất tổ quốc. Ước tính cho đến ngày thống nhất miền Nam (1975), lực lượng tiểu thương chợ Đông Ba đã tham gia, tổ chức 255 cuộc biểu tình, xuống đường, sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân, trí thức, học sinh, sinh viên đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai...

Trong cuộc đấu tranh đó, nhiều tiểu thương đã trưởng thành và trở thành những cán bộ kiên cường của cách mạng, nhiều chị là cơ sở bí mật, nuôi giấu cán bộ, nhiều chị đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, mặc dù bị giam cầm, tra tấn tù đày nhưng chị em tiểu thương chợ Đông Ba vẫn trung kiên một lòng theo cách mạng, theo Bác Hồ. Những đóng góp của chị em tiểu thương chợ Đông Ba tô điểm thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc. Chị em tiểu thương chợ Đông Ba đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Với diện tích hơn 47.600m2, chợ Đông Ba kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Tràng Tiền. Một mặt chợ nằm dọc theo dòng sông Hương thơ mộng, mặt chính là phố Trần Hưng Đạo. Chợ Đông Ba có kiến trúc ba lầu vuông vức với hơn 2.700 lô hàng và hơn 1.800 hộ kinh doanh được phân bổ tại 6 khu vực.

Có khoảng 60 ngành hàng từ các mặt hàng cao cấp đến bình dân được buôn bán kinh doanh tại đây, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Là ngôi chợ có lượng lưu thông hàng hóa lớn từ các thương nhân và người dân, chợ thường xuyên sầm uất, tấp nập người mua bán từ sáng tận đến chiều tối.

Chợ Đông Ba hiện đang trở thành một điểm du lịch-văn hóa của cố đô Huế. Người đến chợ không chỉ nhằm mua những đặc sản quý hiếm của xứ Huế như nón bài thơ, kẹo mè xửng, mắm tôm chua, nem chả, quýt Hương Cần, hạt sen Tịnh Tâm; mà có thể còn có dịp thưởng thức các món cơm hến cay rát lưỡi ở các quầy hàng rong, nếm món bánh bột lọc, món bánh bèo mỏng manh với nước mắm ớt xanh; thử tô bún bò giò heo còn nghi ngút khói, mà còn dạo chợ để thưởng thức thái độ mua bán lịch sự, văn minh, văn hóa ứng xử dịu dàng của người phụ nữ Huế. Hiện nay, một số quầy hàng ở Chợ Đông Ba vẫn còn những tiểu thương mặc áo dài trong hoạt động buôn bán, có lẽ, hiếm có một chợ nào còn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như thế.

Du khách đến với chợ có thể thưởng thức những sản phẩm tinh túy, mang đậm nét văn hóa của vùng đất Cố đô như trà Cung đình, nón lá bài thơ, mè xửng, mắm ruốc, sen khô, phấn nụ… Nhiều người cũng bị cuốn hút bởi các trải nghiệm bên trong “thiên đường” ẩm thực chợ với bún bò, cơm hến, bánh bèo-nậm-lọc, cháo vịt…

“Lần nào đến Huế, tôi và bạn bè cũng ghé thăm chợ Đông Ba và không quên ăn tô bún bò hay ly chè hạt sen trước khi rời đi. Khu ẩm thực đa dạng món ăn, hương vị cũng rất đậm đà đặc trưng, giá cả lại hợp lý,” chị Võ Ngọc Lan Nhi, du khách tỉnh Quảng Bình, chia sẻ.

Chợ Đông Ba như một xứ Huế thu nhỏ. Ở đó, du khách thập phương có thể cảm nhận được không chỉ những đặc sản, tinh hoa mà còn được hiểu thêm về những con người vùng đất Cố đô. Nét đẹp truyền thống của người phụ nữ xứ Huế được biểu hiện qua cách các chị, các bà giao tiếp niềm nở, trọng chữ tín trong kinh doanh và cả phong cách ăn mặc chỉn chu… Văn hóa ứng xử văn minh, mua bán lịch sự của họ qua thời gian đã góp phần tạo nên sức hút của ngôi chợ truyền thống này.

Quanh năm buôn bán là vậy nhưng cứ đến dịp lễ, sự kiện lớn, các tiểu thương chợ Đông Ba lại tích cực hưởng ứng đề án “Kinh đô áo dài” của địa phương, tôn vinh tà áo dài và khoe sắc bên cạnh các gian hàng. Những hình ảnh này đã góp phần mang đến trải nghiệm thú vị, ghi đậm dấu ấn trong lòng các du khách từ muôn nơi tới chợ và xây dựng hình ảnh “rất Huế” trên các trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông.

Bên cạnh các danh lam thắng cảnh cổ kính của Cố đô Huế như chùa Thiên Mụ, Đại Nội Huế… chợ Đông Ba cũng là một địa điểm đẹp, lý tưởng để tham quan, chụp ảnh và lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ mỗi khi đến Thừa Thiên-Huế. Không khó để bắt gặp trên các trang báo, mạng xã hội những hình ảnh của các du khách thập phương, bạn trẻ thả dáng bên tà áo dài, tạo dáng trước cổng chợ Đông Ba hay các gian hàng lưu niệm, bánh kẹo đầy sắc màu.

Gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của quê hương xứ Huế, vậy nên ngôi chợ truyền thống này không chỉ đơn thuần là một trung tâm buôn bán huyên náo mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần của người con đất Cố đô. Chính vì thế mà chợ Đông Ba là niềm tự hào của người dân Huế và là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách muôn nơi.

“Thay áo” cho chợ Đông Ba

Không thể chiến thắng được thời gian, nhiều năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng các khu nhà của chợ Đông Ba đã có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, hư hỏng lớn. Nhiều lô hàng bị thấm dột phải căng bạt, treo tấm lót để che tạm; hệ thống dây điện chằng chịt gây mất an toàn và mỹ quan… Diện tích các lô hàng nay đã không còn đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa ngày càng cao, khiến các tiểu thương phải trưng bày hàng tràn trên lối đi. Khách hàng vì thế thêm phần khó khăn, chen chúc mỗi lúc đến chợ mua sắm.

Nhiều tiểu thương vì áp lực cạnh tranh, chạy đua lợi nhuận mà bất chấp bán hàng kém chất lượng, nói thách, chèo kéo và ứng xử thiếu văn minh với khách hàng. Đặc biệt, một số người còn không may bị kẻ xấu lợi dụng cò mồi, móc túi. Những vấn nạn này đã khiến thương hiệu, hình ảnh chợ Đông Ba dần “mất điểm” trong lòng người dân, du khách và ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các tiểu thương.

 

Du khách lựa chọn quà khi đến chợ Đông Ba. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Du khách lựa chọn quà khi đến chợ Đông Ba. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)


Để khắc phục những vấn nạn ấy, chính quyền thành phố Huế đã quyết tâm nâng cấp hạ tầng chợ và định hướng, thay đổi suy nghĩ của bà con tiểu thương, nâng cao văn minh thương mại tại chợ. “Chợ Đông Ba là trung tâm giao thương, mua bán lớn mang đậm nét đẹp truyền thống của Cố đô Huế qua nhiều thời kỳ, đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.. Do đó, thành phố Huế mong muốn tận dụng những nét đẹp vốn có của chợ để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch địa phương,” Bí thư Thành ủy Thành phố Huế Phan Thiên Định chia sẻ.

Vừa qua, thành phố Huế đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng của chợ bên cạnh việc quy hoạch lại toàn bộ chợ Đông Ba từ cầu Tràng Tiền đến cầu Gia Hội và trục đường Chương Dương nhằm xây dựng định hướng dài hạn cho chợ trong thời gian tới.

Dù đối diện với khó khăn của dịch bệnh nhưng thời gian qua, bà con tiểu thương và Ban Quản lý chợ đã đồng lòng, quyết tâm “thay áo” cho chợ Đông Ba. Cửa sông Đông Ba được chỉnh trang, nạo vét phần bồi lắng. Khu vực dọc bờ sông Hương, đường Chương Dương được lập lại trật tự, cải tạo sạch sẽ và “phủ xanh” đẹp mắt.

Khu vực mặt tiền chợ cũng đã được cải tạo; sắp xếp lại các lô hàng, kẻ vạch sơn đường đi, lối vào chợ và chỉnh trang toàn bộ khu vực mặt tiền chợ theo hướng “xanh-sạch-sáng.” Các lô hàng được sắp xếp theo từng ngành hàng, khu vực riêng để đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác cháy nổ.

Theo Bí thư Thành ủy thành phố Huế, hàng chục năm qua, trật tự trục đường Chương Dương, vệ sinh môi trường và thái độ phục vụ của tiểu thương chưa bao giờ được thiết lập, củng cố tốt như bây giờ. Gần đây khi du lịch bắt đầu mở cửa trở lại, rất nhiều du khách đến chợ Đông Ba đã thấy tin tưởng, thú vị khi mua sắm tại ngôi chợ thương mại có chiều sâu văn hóa và bề dày kinh doanh như Đông Ba. Đây là những chuyển biến đầu tiên rất đáng khích lệ, hứa hẹn sẽ có sự đột phá phát triển thương hiệu chợ Đông Ba trong thời gian tới.

Với nụ cười thường trực trên môi, bà con tiểu thương chợ Đông Ba đã thay đổi rõ rệt cách ứng xử trong hoạt động mua bán. Nạn hét giá không còn, giờ đây, khách hàng có thể an tâm mua sắm theo giá cả niêm yết tại gian hàng. Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu (trú thành phố Huế) cho hay chợ Đông Ba đã chuyển biến tích cực hơn so với trước đây. Trong đó, quan trọng nhất là nét ứng xử thân thiện, niềm nở và hiếu khách của các tiểu thương đang dần lấy lại được thiện cảm từ các du khách, người mua hàng.

Điểm đến du lịch ấn tượng

Trở lại Thừa Thiên-Huế sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vợ chồng bạn Trịnh Nam Thái (trú tại Hà Nội) không khỏi bất ngờ trước những đổi thay của chợ Đông Ba. Bên cạnh khuôn viên được bố trí bài bản, sạch sẻ hơn, nét văn hóa truyền thống mua-bán thân thiện, dễ mến của con người xứ Huế đã quay trở lại.

 

Tiểu thương chợ Đông Ba mặc áo dài nhưng vẫn thực hiện đeo khẩu trang. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Tiểu thương chợ Đông Ba mặc áo dài nhưng vẫn thực hiện đeo khẩu trang. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)


Ghé thăm khu vực hàng nón lá, đôi bạn trẻ thích thú trước sự đa dạng của các mẫu nón lá bài thơ, nón lá sen, nón lá truyền thống… và không quên tranh thủ “gian hàng khuyến mãi” để mua một vài chiếc nón về làm quà Huế cho người thân, bạn bè.

Trong tháng 4/2022, hầu hết tất cả các gian hàng bánh kẹo, quà lưu niệm, đặc sản Huế… đều đang triển khai giảm giá cho một số mặt hàng. Tùy sản phẩm mà giá bán được khuyến mãi, giảm từ 5-20%. Vì thế, khách du lịch đều tỏ ra thích thú trước sự kiện lần đầu xuất hiện tại chợ Đông Ba này. Chương trình không chỉ góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh doanh mà còn tạo điều kiện cho người tiêu dùng tăng cường mua sắm nhưng vẫn tiết kiệm chi tiêu trong tình hình dịch bệnh khó khăn.

Ông Nguyễn Sanh Nghi, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Đông Ba cho hay, để thu hút du khách đến mua sắm tại chợ, đơn vị đã vận động bà con tiểu thương niêm yết giá sản phẩm và bán đúng giá niêm yết theo phương châm “văn minh, thân thiện là người Đông Ba.” Bên cạnh đó, theo xu thế hiện đại, chợ Đông Ba là chợ truyền thống đầu tiên của cả nước ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng ứng dụng riêng “Chợ Đông Ba” trên nền tảng thiết bị thông minh để tạo nên kênh mua bán trực tuyến thuận lợi cho người dân, du khách không thể đến chợ.

Vui mừng trước những thay đổi của “ngôi nhà thứ 2,” tiểu thương Thái Thị Mạnh bán nón lá tại chợ Đông Ba trải lòng: Trước đây, chợ Đông Ba tồn tại một số những vấn nạn trong mắt các du khách nhưng gần đây, tình trạng trộm cắp, lừa đảo đã không còn nữa. Họ đã có nhiều thiện cảm với chợ, lượng khách trở lại vì thế cũng tấp nập và nhộn nhịp hơn.

Sau thời gian dài “đóng cửa” chống dịch, đầu tháng 4/2022, chợ Đông Ba bắt đầu đón đoàn khách tham quan quốc tế đầu tiên trở lại. Họ là những du khách từ xứ sở chùa vàng Thái Lan đến tìm hiểu về văn hóa con người xứ Huế tại chợ. Nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp, đồng loạt bà con tiểu thương chợ Đông Ba đã mặc áo dài truyền thống để tiếp đón các du khách. Những tà áo dài thướt tha tỏa sắc đã góp phần tô đẹp hình ảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại tại chợ gắn với phương châm “Văn minh, thân thiện là người Đông Ba.”

Khi các gian hàng bắt đầu đóng cửa, đèn đường chiếu sáng cũng là lúc con đường ẩm thực trước cổng chợ Đông Ba nhộn nhịp, tấp nập. Những gánh hàng rong bún thịt nước, cơm hến, nem lụi, bún bò, chè đậu… thơm phức níu chân người dân, du khách mỗi lúc bước qua. Đối với người dân xứ Huế, con đường này không còn xa lạ vì nơi đây luôn đặc sắc những món ăn ngon, đa dạng thường nhật của quê hương. Nhưng với du khách, đây còn là một trải nghiệm không thể nào quên bởi họ có thể thưởng thức những gánh hàng rong truyền thống mà nếp sống hiện đại ít nơi nào còn giữ lại được.

Giờ đây, chợ Đông Ba đã trở thành một địa điểm hấp dẫn, không thể bỏ lỡ của du khách thập phương khi dừng chân tại Thừa Thiên-Huế. Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, nơi này đã đón gần 6.000 lượt du khách, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế nói chung và chợ Đông Ba nói riêng sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Đã 7 lần đến Việt Nam tham quan, du lịch nhưng không lần nào ông Dirk Van Wesemael (du khách Bỉ) thôi quên ghé thăm chợ Đông Ba. “Nếu có cơ hội trở lại Việt Nam lần nữa, chắc chắn tôi sẽ tìm đến Huế và chợ Đông Ba vì nơi đây đem lại cho tôi sự thoải mái, bình yên. Tôi cũng sẵn sàng giới thiệu cho người thân và bạn bè đến với chợ vì đến đây bạn có thể cảm nhận được sự thân thiện và cuộc sống thực sự của người dân Cố đô Huế đồng thời hưởng thức rất nhiều món ăn, thức uống thơm ngon,” du khách Dirk Van Wesemael chia sẻ.

Tồn tại trong thời kỳ hội nhập và phát triển, chợ Đông Ba dù đang cạnh tranh với những siêu thị, trung tâm thương mại lớn khắp nơi nhưng vẫn đứng vững một vị trí đặc biệt trong lòng mỗi người dân xứ Huế mà chẳng một nếp sống tiện nghi, hiện đại nào có thể thay thế được.

Tận dụng thời gian chống dịch để thay đổi, chợ Đông Ba đang cố gắng nắm bắt từng cơ hội để kích cầu, thu hút người mua sắm và du khách ngay khi du lịch bắt đầu mở cửa trở lại. Đã xuất hiện những tín hiệu phản hồi tích cực từ các du khách. Vì thế, chợ Đông Ba đang từng bước đến gần với mục tiêu trở thành ngôi chợ truyền thống văn minh, hiện đại, điểm đến du lịch đặc sắc của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo Vietnam+

 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.