Chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đặt chân lên đỉnh Kon Ka Kinh-ngọn núi cao nhất cao nguyên Kon Hà Nừng luôn là khao khát của những người yêu thiên nhiên, thích chinh phục. Để chạm được vào “nóc nhà Gia Lai”, chúng tôi đã mất 10 giờ trekking giữa rừng già với nhiều cung bậc cảm xúc suốt cuộc hành trình.
Nằm ở độ cao 1.748 m so với mực nước biển, đỉnh Kon Ka Kinh được xem là “nóc nhà Gia Lai”. Dãy núi này thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, 1 trong 2 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Cung đường ngắn nhất để lên “nóc nhà Gia Lai” là xuất phát từ Trạm bảo vệ rừng số 5 ở xã Đak Rong (huyện Kbang). Chúng tôi xuống trạm từ tối hôm trước, ngủ lại đây một đêm để sáng hôm sau lên đường sớm. Anh Nguyễn Văn Thưởng-Trạm trưởng dặn mọi người trước khi lên đường phải ăn cơm thật no, nắm cơm đi thật nhiều, vì “to như đống rơm không cơm cũng ngã”. Anh cho biết đây là cung leo núi trên nhiều dạng địa hình nên rất mất sức.
10 giờ trekking
Từ Trạm bảo vệ rừng số 5, chúng tôi đi xe máy hướng về dãy Kon Ka Kinh. Hơn 8 giờ sáng mà rừng núi vẫn chìm sâu trong sương mù dày đặc. Những ngôi làng Bahnar với kiến trúc nhà sàn đặc trưng hòa vào rừng núi xanh thẳm đẹp như cổ tích. Làng Hà Đừng 1 là điểm xuất phát cho cung đường trekking lên đỉnh núi. Ngôi làng đẹp như tranh lùi xa dần theo từng bước chân hăm hở ngược núi. Đoàn có 11 người, trong đó duy nhất tôi là nữ. Ngoài 7 khách du lịch thì có thêm anh Đinh Văn Nhân-nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách của Vườn Quốc gia và 2 porter (người khuân vác, dẫn đường) đều là người Bahnar bản địa. Người còn lại là Trung tá Đinh Văn Nam-Trưởng Công an xã Đak Rong. Anh Nam vừa điều trị khỏi Covid-19 nên muốn tham gia chuyến đi để kiểm tra sức khỏe.
Anh Nhân cho biết, trước đây, anh từng dẫn một số đoàn chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh nhưng chưa có đoàn nào bảo toàn quân số “đi đến nơi về đến chốn”, vì luôn có một tỷ lệ bỏ cuộc giữa chừng. Anh hy vọng đoàn chúng tôi phá vỡ được “thông lệ” ấy, để những người có ước mơ chạm tay vào “nóc nhà Gia Lai” tiếp tục nuôi mơ ước. Bởi chinh phục đỉnh cao luôn là khát vọng của con người trong hành trình sống.
Đường lên đỉnh Kon Ka Kinh qua dòng suối nhỏ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đường lên đỉnh Kon Ka Kinh qua rất nhiều dòng suối nhỏ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Mặc dù lường trước khó khăn nhưng khi luồn rừng liên tục suốt nhiều giờ, vượt qua nhiều dạng địa hình, sức bền của tôi thực sự đã được thử thách. Có lúc đi trên sống lưng của núi, có lúc lại cắt thác, cắt suối mà đi để rút ngắn quãng đường. Nhiều cung đường dốc đứng, hai tay luôn trong tư thế nắm vội cây rừng, có khi trượt chân bất ngờ nắm cả cây mây đầy gai nhọn, xé rách những đầu ngón tay. Vậy mà 2 porter của đoàn, lưng gùi đồ nặng dễ đến vài chục ki lô gam vẫn bước đi nhẹ nhàng như không. Họ đều nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, thỉnh thoảng làm thêm công việc dẫn các đoàn khách du lịch để có thêm thu nhập.
Mặt trời đứng bóng, chúng tôi mới lên đến độ cao 1.200 m và tính dựng lán trại tạm nghỉ. Anh Nhân nói muốn lên tới đỉnh và về lại lán trước khi trời tối thì phải xuất phát ngay. Vậy là để lại tất cả đồ đạc, chúng tôi chỉ mang theo nước uống, mỗi người 1 nắm cơm và tiếp tục hành trình. Càng gần tới đỉnh, từ độ cao 1.720 m trở lên, chúng tôi như những con ong say mật ngã vào lòng bông hoa. Dù thân thể mệt nhoài nhưng như có một suối nguồn tươi mới rần rật trong huyết quản. Sau 6 tiếng lên thác xuống ghềnh đến chồn chân mỏi gối, cảm giác chạm vào phiến đá trên đỉnh Kon Ka Kinh như chạm đến tự do. Các thành viên trong đoàn lần lượt áp mặt vào phiến đá phủ đầy rêu xanh, ghi nhớ khoảnh khắc đặc biệt này.
Trên đỉnh Kon Ka Kinh
Đầu tháng 3 đã là giữa mùa khô Tây Nguyên, nhưng có một mùa xuân vĩnh cửu trên đỉnh Kon Ka Kinh. Khác với hình dung của nhiều người về đỉnh non thiêng rợp bóng cổ thụ, ở đây chỉ có rừng trúc đan dày. Những thân trúc mảnh mai rêu xanh phủ mịn đến mức không phân biệt được màu xanh của thân trúc hay màu xanh của rêu phủ trăm năm. Lá trúc rơi ngập lối thành lớp dày dưới gót chân. Nếu gọi khu vực trên đỉnh này là rừng rêu cũng không sai bởi độ ẩm cao đã khiến lớp thực vật phát triển mạnh mẽ và phủ dày lên mọi bề mặt. Rêu mọc xanh trên thân cây rừng, trên những phiến đá, tạo nên hệ thực vật đặc trưng nơi đỉnh núi. Ấn tượng nhất là những cây mận (người bản địa gọi là cây krieng) trăm tuổi gần đỉnh núi cong queo đủ hình thù, phủ rêu xanh mướt, ngả ra như những chiếc võng mịn êm như nhung. Cây cối trên đỉnh núi có đủ hình thù phủ kín rêu xanh khiến cảnh rừng nguyên sinh như trong phim cổ tích.
Cây mận trăm năm tuổi phủ đầy rêu xanh ở độ cao 1.700 mét. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cây mận trăm năm tuổi phủ đầy rêu xanh ở độ cao 1.700 m. Ảnh: Hoàng Ngọc
Phải nói rằng, hệ thực vật ở Kon Ka Kinh phong phú đến choáng ngợp. Sở hữu rất nhiều nguồn gen động thực vật đặc hữu và quý hiếm nên nơi đây được các nhà khoa học trong nước lẫn quốc tế xác định là khu vực ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. Dưới thấp là rừng cổ thụ, càng lên cao, thảm thực vật càng thay đổi. Cây to ít dần, thay vào đó là những tầng cây nương nhau tạo nên thảm xanh tầng tầng, lớp lớp. Nấm linh chi, ngọc cẩu, lan kim tuyến và cơ man các loại lan rừng, quả xoay rụng kín gốc… chúng tôi gặp trên đường đi như những món quà xua tan nỗi mệt mỏi. Đây cũng là những lâm sản phụ giúp người Bahnar ở các làng sống quanh Vườn Quốc gia có thêm nguồn thu nhập. Đang mùa con ong đi lấy mật nên thỉnh thoảng, người dẫn đường ra dấu cho cả đoàn im lặng để nghe tiếng ong bay rõ mồn một trong không gian thinh lặng giữa rừng thẳm. Anh Nhân cho biết, những người đi lấy mật thường nghe tiếng ong bay để tìm tổ của chúng.
Đường lên đỉnh Kon Ka Kinh qua dòng suối nhỏ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nấm linh chi đen mọc rất nhiều trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Hoàng Ngọc
Thảm thực vật vô cùng phong phú
Thảm thực vật ở Kon Ka Kinh vô cùng phong phú. Ảnh: Hoàng Ngọc
Anh còn chỉ cho chúng tôi nhiều loại lá và rau rừng ăn được, từ những loại lá chua thân thảo mọc ven suối đến cây lá bứa thân gỗ cao quá đầu người hay những ngọn rau dớn tươi non, mập mạp bạt ngàn khiến chúng tôi không khỏi liên tưởng tới món rau xào tỏi và thầm tiếc nuối. Nhưng cả đoàn đã có một bữa ăn đáng nhớ với nồi canh cá nục nấu cùng lá bứa rừng có vị chua thanh mát, húp chén canh là tỉnh cả người. Anh Đinh Văn Lới-1 trong 2 porter trong lúc dẫn đoàn sẵn cây rựa sắc còn chặt những đọt mây rừng trắng ngà, mập mạp. Buổi tối, anh đem nướng trên than hồng cho chín mềm, chấm với muối ớt giã cùng lá gia vị. Đọt mây nướng mềm dịu có vị cay của ớt, nhân nhẩn đắng và không phải ai cũng thích ngay. Nhưng hậu vị ngọt ngào của món ăn thấm đượm tinh hoa đất trời lại mang đến những cảm xúc rưng rưng. Ngon nhất phải kể đến nồi cháo ếch. Đêm về khuya, trong lúc chúng tôi chập chờn trên võng, những người dẫn đường vẫn còn sức để soi đèn pin bắt ếch dọc khe suối. Những đầu bếp tài ba chế biến món thịt ếch suối béo mẫm, xào lên thơm lừng. Cùng với cơm nguội hãy còn tối hôm trước, cả đoàn có một nồi cháo ếch hấp dẫn cho bữa sáng trước khi thu dọn lều trại xuống núi.
Đoàn trekking chụp ảnh lưu niệm trên hành trình chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đoàn trekking chụp ảnh lưu niệm trên hành trình chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh. Ảnh: Hoàng Ngọc
Du lịch xanh
Sau hành trình 2 ngày 1 đêm với tổng quãng đường 19,5 km, chúng tôi đã tận hưởng cảm giác chạm tay vào đỉnh Kon Ka Kinh. Đây là cung trekking hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức. Tuy cung đường không quá nguy hiểm nhưng vận động thân thể ở cường độ cao suốt nhiều giờ là sự thử thách độ bền bỉ, ý chí con người. Tham gia đoàn leo núi có 4 thành viên của Gia Lai Discovery-đơn vị chuyên tổ chức các tour du lịch trải nghiệm có yếu tố mạo hiểm. Anh Phạm Hoài Thanh-một thành viên của nhóm-nhận xét: “Xét về độ khó khi vào thác 50 là 5/10 thì lên đỉnh Kon Ka Kinh là 8/10. Nhiều khách du lịch khám phá thác 50 yêu cầu một cung trekking khó hơn, thử thách hơn nên chúng tôi quyết định khảo sát tuyến đi mới này. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có rất nhiều tuyến đi từ dễ đến khó để trải nghiệm nhiều loại hình du lịch, nhưng chúng tôi khảo sát tuyến khó nhất này để xây dựng tour đáp ứng nhu cầu của du khách.
“Nóc nhà Gia Lai” vẫn là một bí ẩn giữa đại ngàn Trường Sơn, không nhiều người chinh phục được. Do đó, đây cũng là điểm đến đầy sức quyến rũ với những người yêu thích du lịch có yếu tố mạo hiểm. Đây cũng là tour dành cho dòng khách hạn chế chứ không phải khách phổ thông”. Sau chuyến đi này, Gia Lai Discovery dự kiến xây dựng một tuyến đi trong 3 ngày 2 đêm (Vườn Quốc gia đang có tour 4 ngày 3 đêm). Khách có thể trekking, thử vai một người bản địa vừa sống dựa vào rừng, vừa bảo vệ rừng để khám phá những giá trị cuộc sống từ rừng già. “Nếu thác 50 như một nàng công chúa giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thì đỉnh Kon Ka Kinh sẽ là điểm “G” của Vườn Quốc gia, có sức hút với dòng khách ưa thích trekking và khám phá thiên nhiên”-một thành viên của Gia Lai Discovery nói.
Hạnh phúc khi chạm tay lên nóc nhà Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hạnh phúc khi chạm tay lên nóc nhà Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hai porter của đoàn là anh Đinh Văn Lới và Đinh Văn Veo cùng ở làng Hà Đừng 1 cho biết, các anh được trả công 200-300 ngàn đồng/ngày. Khi có nhiều khách, anh gọi thêm người trong làng hỗ trợ. Nếu tour du lịch chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh phát triển và thu hút du khách như thác 50, người Bahnar bản địa sẽ có nguồn thu nhập đáng kể từ hoạt động này. Nguồn lâm sản phụ còn là tặng vật của rừng mà bất cứ du khách nào cũng muốn mua mang về, giúp người dân gia tăng giá trị sức lao động của mình. 
Sau 2 ngày 1 đêm “tắm mình” giữa rừng già Kon Ka Kinh, không sóng wifi, điện thoại, chúng tôi đã cảm nhận trọn vẹn sự sống tươi đẹp trôi qua từng giây từng phút, hạnh phúc trong từng tế bào. Xuống núi mà hình bóng rừng già còn vương vấn mãi trong tâm trí. Những đại thụ ở Kon Ka Kinh đều bắt đầu từ những cây non, chúng như nhắc ta rằng mọi điều vĩ đại đều bắt đầu từ những thứ thật nhỏ bé.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.