Chiến tranh biên giới 1979 qua lời kể Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày giữa tháng 2, mặc dù rất bận rộn nhưng Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316, người lính dày dạn kinh nghiệm, người có 10 năm chiến đấu tại biên giới phía Bắc (1979-1989) vẫn dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện ngắn để kể về những ký ức năm xưa ở chiến trận biên giới phía Bắc.



Cách đây 41 năm, sau một thời gian dài tiến hành nhiều hoạt động gây hấn, rạng sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ xua hơn nửa triệu quân xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam.

Theo các tài liệu phía ta tổng kết sau này, Trung Quốc huy động tới 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với tổng số binh sĩ lên tới 600.000 người. Đây được xem là đợt huy động quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên…


 

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316.
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316.



Thời điểm đó, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đang là Phó chính ủy Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 đóng ở huyện Than Uyên, Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lai Châu). “Ngày đó, thông tin liên lạc còn khó khăn nên chiều ngày 18/2 chúng tôi mới nhận được thông báo Trung Quốc đã đánh vào thị xã Lào Cai. Vậy là ngay chiều hôm ấy, Trung đoàn tôi và Trung đoàn 174 được lệnh khẩn cấp hành quân về Lào Cai để đánh phản kích” – tướng Khảm mở đầu câu chuyện.

Giữ từng tấc đất của Tổ quốc khi bị xâm phạm

Sau hơn 40 năm, nhìn nhận về cuộc chiến này, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm cho rằng, đây là một cuộc chiến hết sức bất ngờ đối với nhân dân Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có tình hữu nghị lâu đời, gắn bó với nhau trong các cuộc kháng chiến trước đây; Thứ hai, đây là cuộc chiến tranh có quy mô lớn của quân địch, với hơn 60 vạn quân tiến công trên toàn tuyến biên giới; Thứ ba, cuộc chiến thể hiện hành động hết sức dã man của quân địch, đi đến đâu là tàn phá đến đấy; Thứ tư, có thể kết luận đó một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn đối với đất nước chúng ta của Trung Quốc.


 

 



Tuy nhiên, Phó chính ủy Trung đoàn 148 năm xưa cho rằng, mặc dù quân địch hành động rất bất ngờ nhưng đối với quân ta không quá bất ngờ, vì quân đội Việt Nam luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi bị xâm phạm.

“Ngày ấy chúng tôi cũng đã chuẩn bị lực lượng, thế trận trên tuyến biên giới. Mặc dù quy mô tấn công của địch quá lớn song quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu, chuyển từ bị động sang chủ động. Chúng ta thực hiện đúng tinh thần khi bất cứ ai xâm phạm Tổ quốc thì chúng ta phải chiến đấu giữ từng tấc đất của Tổ quốc mình” – ông nhấn mạnh.

“Có thể nói, khí thế về tinh thần chiến đấu của quân đội ta lúc đó là rất tốt, tôi khẳng định như thế… Chúng ta đã chiến đấu rất dũng cảm, đồng thời cũng rất hiệu quả” – ông nói thêm.

Vẫn theo lời tướng Khảm, điều quan trọng nhất thời điểm đó là quân và dân ta đã ngăn chặn không cho địch tiến sâu vào lãnh thổ đất nước. “Anh em từng bước tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, các trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt, cuối cùng địch không thể thực hiện âm mưu nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam”.



 

 Ngày 17/2/1979, địch dùng bộc phá, thuốc nổ, đại bác bắn vào khu mỏ Apatít Lào Cai (tỉnh Hoàng Liên Sơn), phá hủy toàn bộ khu mỏ. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)
Ngày 17/2/1979, địch dùng bộc phá, thuốc nổ, đại bác bắn vào khu mỏ Apatít Lào Cai (tỉnh Hoàng Liên Sơn), phá hủy toàn bộ khu mỏ. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)



Ông cho hay, so với tương quan lực lượng lúc đó, địch huy động quân số lớn gấp nhiều lần ta. Có những điểm cao như 608 (Lào Cai), địch dùng cả một sư đoàn, trung đoàn tấn công, phía ta chỉ có một đại đội, tuy nhiên 7 ngày địch không thể vượt qua. “Có ngày địch tấn công 2-3 đợt, cả ngày cả đêm, địch dùng pháo bắn vào đội hình của ta một cách dữ dội nhưng không giải quyết được và ta vẫn giữ vững trận địa” – Tướng Khảm kể.

Quân với dân đồng lòng đánh đuổi địch

Nhắc lại những năm tháng ở chiến trận năm xưa, tướng Khảm vẫn ám ảnh bởi tổn thất của cuộc chiến gây ra, không chỉ về của cải, vật chất mà đó là biết bao sinh mạng của nhân dân, của đồng đội đã ngã xuống.

“Ví như hướng của chúng tôi ở Lào Cai, địch bắn pháo trùm lên cả thị xã khi mọi người đang ngủ, lúc đó là 5 giờ sáng ngày 17/2 khiến nhiều ngôi nhà bị phá hủy, người dân phải bỏ chạy… Khi bộ đội ta tiến lên, địch rút khỏi và đã để lại một hình ảnh tan hoang, một thị xã không còn mái nhà nào nguyên vẹn” – ông kể và thẳng thắn nhìn nhận: “Điều này thể hiện tội ác dã man của cuộc chiến tranh”.

Thế nhưng, vị tướng năm xưa nhấn mạnh, "tất cả những gì quân địch gây ra khiến anh em càng quyết tâm phải bảo vệ bằng được Tổ quốc, bảo vệ bằng được nhân dân”.


 

 Bộ đội Việt Nam nơi tuyến đầu biên giới (Ảnh tư liệu Trần Mạnh Thường)
Bộ đội Việt Nam nơi tuyến đầu biên giới (Ảnh tư liệu Trần Mạnh Thường)



Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng, giọng của vị tướng 70 tuổi trùng xuống khi gợi nhớ đến hình ảnh nhân dân năm xưa. Ông nhớ, khi quân đội của ta tiến lên, người dân nháo nhác sơ tán, chạy về phía sau với những câu nói nhói lòng như “các chú ơi phải ngăn chặn chúng nó lại, không tàn ác lắm, nó phá hết, nó cướp bóc hết rồi! các chú phải bảo vệ Tổ quốc, phải bảo vệ được làng bản của dân mình” – “câu nói ấy của nhân dân với chúng tôi càng thôi thúc anh em tiến lên phía trước” – ông nói và nhấn mạnh: “Nếu đánh giá về tình thần chiến đấu của quân ta thì lúc đó rất tốt, quân với dân rất đồng lòng”.

Ông cũng cho biết, khi bộ đội của ta tiến lên, không phải nhân dân ta bỏ chạy hết, một số trụ lại như lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ, công nhân các nông trường, nhà máy xí nghiệp… bám bản, kết hợp với bộ đội, dẫn đường rồi vận chuyển, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Vừa phục vụ chiến đấu vừa giải quyết hậu quả chiến tranh. “Nhìn cảnh đó bộ đội càng căm thù hơn, có dũng khí hơn để đánh đuổi quân địch”.

Không lơi lỏng và mất cảnh giác

Đánh giá về cuộc chiến 41 năm trước, ở tuổi “xưa nay hiếm”, tướng Khảm nói: Có nhiều người nhìn nhận, đây là một giai đoạn lịch sử buồn trong quan hệ hai nước, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, trong mọi hoàn cảnh các thế hệ phải luôn luôn ghi nhớ, khắc ghi, không quên một điều rằng đã có hàng nghìn đồng bào, đồng chí của chúng ta đã hy sinh trong cuộc chiến tranh phi nghĩa này của địch.

5 Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN)

“Phải nên nhớ, đây là một cuộc chiến tranh quy mô lớn, có mục đích của quân địch. Cho nên, bài học rút ra là, trong mọi hoàn cảnh chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, không được lơi lỏng để gìn giữ trọn vẹn non sông Tổ quốc.

Tôi luôn cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay phải được tuyên truyền sâu rộng hơn về các cuộc kháng sau chống Pháp, chống Mỹ. Trong đó, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chúng ta cũng phải bảo vệ Tổ quốc rất ác liệt, cũng hy sinh tổn thất lớn; thứ hai là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979; thứ ba là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, chống xâm chiếm biên giới từ năm 1980 đến năm 1989.

Như vậy là ba cuộc chiến tranh, hy sinh xương máu rất lớn nên phải luôn luôn ghi nhận và ghi nhớ. Chúng ta không bao giờ tạo ra những hận thù, cũng không bao giờ gây ra thù hận lâu dài, nhưng chúng ta không được quên lãng” – ông nhấn mạnh.

Trước khi kết thúc câu chuyện của mình về những ký ức ở cuộc chiến năm xưa, tướng Khảm vẫn không quên hoài niệm và bày tỏ nỗi lòng tiếc thương, nhung nhớ những đồng đội của mình, đặc biệt là những đồng đội đã ngã xuống, hy sinh để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ độc lập, tự do cho nhân dân.

Ông bảo, cứ mỗi lần ông lên nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) - nơi yên nghỉ của trên 1.700 liệt sỹ - "ngôi nhà chung" của các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và các liệt sỹ thuộc 32 tỉnh, thành từ Bình Trị Thiên trở ra ông lại thấy cảm động, nước mắt cứ trào ra.

“Nó là một bài học lịch sử để mọi người cùng biết và là một bài học mà chúng ta phải thấy, không được lãng quên. Chúng ta không được quên những người dân vô tội đã ngã xuống, những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là những bài học xương máu, phải luôn luôn cảnh giác” – ông kết lại câu chuyện của mình.

 



Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, sinh năm 1950, quê ở Khánh Phú, Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Trưởng thành từ chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã lần lượt giữ các chức vụ trên cương vị chỉ huy chiến đấu. Sau đó, ông trở thành sư đoàn trưởng của Sư đoàn 316 (còn gọi là Sư đoàn Bông Lau, thuộc Quân khu 2).

Thời gian giữ chức sư đoàn trưởng, ông chỉ huy đánh quân Trung Quốc xâm lược tại Vị Xuyên, Hà Giang. Từ Phó tư lệnh Quân khu 2, ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục quân huấn rồi Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Hiện ông là Trưởng ban liên lạc của Hội cựu chiến binh Sư đoàn 316 khu vực Hà Nội. Sư đoàn 316 là một trong những sư đoàn đầu tiên của QĐND Việt Nam, tham gia nhiều chiến dịch lịch sử, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.


http://danviet.vn/tin-tuc/chien-tranh-bien-gioi-1979-qua-loi-ke-trung-tuong-nguyen-huu-kham-1059461.html



Theo Thành An (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.