(GLO)- Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng là Thông tư vô cùng quan trọng, dự kiến nguồn kinh phí cần thiết cho chủ đầu tư để tổ chức quản lý việc thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi hoàn thành, nghiệm thu bàn giao, đưa công trình vào khai thác sử dụng. Song vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh một số điều, khoản.
Những dự án được đề cập đến trong Thông tư này là những dự án sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên, bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh và vốn đầu tư khác của Nhà nước. Theo đó, chi phí quản lý dự án được quản lý trên cơ sở được lập phù hợp với nhiệm vụ quản lý dự án hàng năm và các chế độ chính sách theo quy định hiện hành.
Nhà tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ đang gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng. Ảnh: H.D |
Một số điều khá quan trọng về quản lý chi phí tư vấn cũng được Thông tư chú ý nhắc tới như trường hợp sản phẩm tư vấn đã hoàn thành nhưng không được sử dụng (không do lỗi của nhà thầu tư vấn) thì chủ đầu tư cần phải thanh toán chi phí tư vấn đã thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp nhà thầu tư vấn phải sửa đổi, bổ sung công việc tư vấn đã hoàn thành theo yêu cầu của chủ đầu tư (không do lỗi của nhà thầu tư vấn) thì chủ đầu tư cần phải thanh toán chi phí để thực hiện các công việc này trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ đầu tư với nhà thầu tư vấn…
Được thể hiện khá chặt chẽ trong việc xác định và quản lý chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn, song theo ông Nguyễn Bá Thạch-Phó Trưởng ban Xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh: Đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt, có kiến trúc mang tính chất đặc thù thì phải tổ chức thi tuyển, theo đó, phải có Hội đồng chấm thi. Điều này đòi hỏi phải có kinh phí để tổ chức thi, trả thù lao cho Hội đồng chấm thi cũng như phải có kinh phí để trao giải thưởng. Nhưng hiện tại, các chi phí này không nằm trong chi phí quản lý dự án, mà lên kế hoạch riêng thì rất khó được duyệt. Bởi vậy, các công trình có các khoản chi này nên đưa vào mục chi phí chuyên gia, song phải quy định rõ ràng, cụ thể.
Cũng góp ý cho Thông tư, ông Phan Hữu Hiếu- Hội phó Hội Xây dựng Gia Lai cho rằng, một số điều khá quan trọng đã bị “bỏ quên”. Ngoài các mục được xác định và quản lý chi phí quản lý dự án lẫn xác định và quản lý chi phí tư vấn nêu ra như chi phí tổ chức lập báo cáo đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giám sát đầu tư, thi tuyển thiết kế kiến trúc; thẩm định dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình; lựa chọn nhà thầu; giám sát thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, khảo sát địa chất công trình… thì còn một chi phí nữa cũng quan trọng vô cùng nhưng không được nhắc tới là chi phí thiết lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đại diện cho các đơn vị thi công, ông Trọng Nghĩa-một chủ thầu xây dựng cho biết, trong quá trình thi công công trình, nhất là những công trình lớn, hầu hết các công nhân phải ở lại ngay tại công trình. Kéo theo đó là những chi phí phát sinh như: lán trại, điện, nước sinh hoạt cho công nhân… Bình thường, khoản này vẫn được tính vào dự toán công trình, song thường là thấp, và các chủ thầu phải gánh phần lớn chi phí này. Việc lập một dự toán riêng cho các khoản này là điều không thể, “vậy chi phí này nên đưa vào khoản nào đó, nếu không sẽ rất khó khăn cho chúng tôi”-ông Nghĩa bày tỏ.
Còn khá nhiều ý kiến xung quanh các điều khoản trong Thông tư hướng dẫn việc xác định và quản lý chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn như chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật thấp, tăng định mức chi phí thiết kế đối với các công trình ở biên giới và các vùng khó khăn… Điều chỉnh được những thiếu sót trên, tin rằng công tác quản lý chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn sẽ chặt chẽ hơn, rõ ràng, minh bạch hơn, theo đó, chất lượng công trình-từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi hoàn thành, nghiệm thu bàn giao, đưa công trình vào khai thác sử dụng-sẽ được nâng lên, đảm bảo hơn.
Hà Duy