Thực trạng đáng lo ngại này không còn là hiện tượng cá biệt. Những vụ việc như đường dây sản xuất thuốc giả vừa bị triệt phá ở Thanh Hóa, với hơn 10 tấn thuốc và nguyên liệu không rõ nguồn gốc bị thu giữ, chỉ là bề nổi của một mạng lưới hàng giả đang vận hành lặng lẽ trên không gian số. Các sản phẩm đó vẫn ngang nhiên xuất hiện trên TikTok, Shopee, Facebook - nơi thuật toán đề xuất có thể đưa những video "review" thuốc đến hàng triệu người tiêu dùng.
Không thể trông chờ người dân trở thành "người tiêu dùng thông minh" trong một thị trường thiếu kiểm soát. Người dân cũng không thể trở thành chuyên gia dược phẩm, chỉ để được uống một viên thuốc an toàn. Trách nhiệm này phải thuộc về cơ quan quản lý, các sàn thương mại điện tử và các nền tảng số đang nắm vai trò phân phối ngầm.
Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã khẳng định mục tiêu lớn nhất, trọng tâm nhất, cấp thiết nhất lúc này là phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống của nhân dân, người dân không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn phải tiến tới ăn ngon, ăn sạch, mặc đẹp, sống vui, sống khỏe. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng từng chỉ đạo rõ ràng rằng bảo vệ người dân trước hàng giả, hàng kém chất lượng là "mệnh lệnh không thể trì hoãn". Những định hướng, chỉ đạo này là chỉ dấu cho một đòi hỏi hết sức cấp thiết: tái thiết lập kỷ cương trên thị trường những hàng hóa có tác động đến sức khỏe cộng đồng.
Nhiều quốc gia đã đi trước VN trong việc thiết lập hệ thống kiểm soát chặt chẽ. Ở Mỹ, chỉ các hiệu thuốc trực tuyến đạt chứng nhận VIPPS mới được phép hoạt động. Người dân có thể tra cứu thông tin giấy phép và lịch sử phân phối của từng nhà thuốc. Tại châu Âu, các trang web bán thuốc đều phải gắn biểu tượng xác thực của cơ quan quản lý y tế, dẫn tới trang xác minh chính thức. Singapore còn đi xa hơn khi sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát nội dung quảng cáo y tế trên mạng, đồng thời xây dựng cổng truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng tra cứu từng hộp thuốc bằng mã định danh duy nhất.
VN không thiếu năng lực để triển khai những giải pháp đó. Vấn đề là phải có quyết tâm chính trị đủ mạnh để tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng và công cụ thực thi hiệu quả. Phải khẩn trương luật hóa hoạt động bán thuốc online, giới hạn nền tảng được phép kinh doanh dược phẩm. Phải triển khai hệ thống mã QR thống nhất toàn quốc do Bộ Y tế quản lý, làm nền tảng truy xuất nguồn gốc và thu hồi thuốc lỗi. Phải ràng buộc trách nhiệm pháp lý với các nền tảng số, nếu để lọt sản phẩm không phép, không rõ nguồn gốc. Và trên hết, cần tăng cường hậu kiểm định kỳ, công khai kết quả kiểm nghiệm để người dân không còn phải mua thuốc trong nỗi hoang mang.
Mỗi viên thuốc đến tay người dân đều là một lời cam kết từ hệ thống - rằng sức khỏe nhân dân là điều không ai được phép đánh đổi.
Không thể bắt đầu ngày mới bằng một viên thuốc giả, một hộp sữa giả hay một niềm tin sai lệch. Thị trường online cần được phát triển, nhưng không thể là "vùng xám" của hàng hóa độc hại và đạo đức thương mại lệch chuẩn.
Theo Anh Vũ (TNO)

Sau vụ thuốc giả tràn lan: Sàn thương mại 'bay màu' vài loại

Ổ nhóm sản xuất thuốc giả 'khủng' đối diện với khung hình phạt nào?
