Năm 2020 được dự báo sẽ chứng kiến nhiều biến động đến từ những sự kiện nổi bật, như bầu cử tổng thống và quốc hội ở Mỹ, đối đầu Mỹ - Iran, khủng hoảng khí hậu và mới nhất là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra...
Dưới đây là một số kịch bản nổi bật trong bối cảnh thế giới dường như ngày càng trở nên khó đoán.
Kinh tế sẽ khởi sắc hơn
Theo đánh giá của Công ty Economist Intelligence Unit (EIU, trụ sở ở Anh), GDP toàn cầu năm 2019 chỉ tăng 2,2%, mức thấp nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Trong năm nay, theo dự báo của EIU, căng thẳng thương mại tiếp tục phủ bóng lên hoạt động đầu tư trên thế giới. Ngoài ra, sự sụt giảm của hoạt động sản xuất toàn cầu cũng tác động tiêu cực lên tăng trưởng.
Dù vậy, kinh tế toàn cầu năm 2020 nhìn chung được dự báo sẽ khởi sắc hơn năm ngoái (tăng trưởng 2,4%). Đáng chú ý, các nền kinh tế giàu có dự kiến vẫn tăng trưởng "uể oải" như năm 2019. Riêng mức tăng của khu vực đồng euro (eurozone) là 1,3%, so với tỉ lệ 1,2% năm ngoái.
Sức ép lên khu vực đồng euro càng tăng sau khi kinh tế nước Đức, lớn nhất châu Âu, chỉ tăng 0,6% vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Dù vậy, bà Christine Lagarde, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu, được cho là một người không e dè với các gói kích thích kinh tế nên sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để ngăn nguy cơ "hạ cánh cứng" (thuật ngữ phản ánh tình trạng một nền kinh tế nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó là suy thoái) ở châu Âu.
3 nỗi lo của Đông Nam Á
Một khảo sát được Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) công bố trong tháng 1 cho thấy bất ổn chính trị nội bộ, suy thoái kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu được coi là 3 mối quan ngại an ninh hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong năm 2020. Ngoài ra, 73,2% trong số hơn 1.300 chuyên gia, nhà phân tích, lãnh đạo doanh nghiệp khắp Đông Nam Á được hỏi cho rằng khu vực này đang trở thành "đấu trường cạnh tranh" của các cường quốc, tăng so với tỉ lệ 62% năm ngoái. Đáng chú ý, biển Đông đang trở thành nơi đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra, cũng theo cuộc khảo sát, Nhật Bản đã trở thành đối tác được tin cậy nhất tại Đông Nam Á, theo sau là Liên minh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc... Dù vậy, xét về mức độ ảnh hưởng, Trung Quốc được nhìn nhận là quốc gia có ảnh hưởng chính trị, kinh tế và chiến lược lớn nhất tại khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dễ dàng đánh bại các đối thủ trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa tại bang Iowa hôm 3-2 Ảnh: REUTERS
Ông Donald Trump nhiều khả năng tái đắc cử
Một trong những tâm điểm chú ý của dư luận Mỹ nói chung và thế giới nói riêng trong năm nay là cuộc đua vào Nhà Trắng và cuộc bầu cử quốc hội. Dự báo của trang Vox nghiêng về khả năng Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, một phần nhờ nền kinh tế đang tăng trưởng trong lúc tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Một yếu tố nữa là nhà lãnh đạo Mỹ không phát động chiến tranh mới hoặc mở rộng các cuộc chiến đang diễn ra theo cách thức khiến nhiều binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Với cuộc bầu cử quốc hội, Đảng Cộng hòa được đánh giá vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát thượng viện.
Khó có chiến tranh Mỹ - Iran
Khả năng binh sĩ Mỹ đổ bộ vào Iran là rất thấp ngay cả khi hai bên vừa có cuộc xung đột trực diện nhất trong nhiều năm trở lại đây ngay khi bước vào năm mới. Sau khi Mỹ tiến hành vụ ám sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Tehran đã đáp trả bằng vụ tấn công tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq hôm 8-1.
Hành động trả đũa của Iran chỉ gây ra thương vong khiêm tốn - 11 binh sĩ Mỹ bị thương - nên Washington trước mắt khó có phản ứng mạnh. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump được cho là không muốn đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến khác, nhất là khi cuộc bầu cử đến gần. Vì thế, bất kỳ sự gia tăng hành động quân sự nào nhằm vào Iran, nếu có, sẽ chỉ diễn ra dưới dạng không kích những mục tiêu ở nước này hoặc nhằm vào các lực lượng ủy nhiệm của Iran, như phong trào Hezbollah ở Lebanon. Tuy nhiên, bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng đều có nguy cơ dẫn đến xung đột rộng lớn hơn.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu gặp khó
Những năm gần đây ghi nhận lượng khí thải carbon trên toàn cầu tăng so với năm trước đó. Vì thế, kịch bản này nhiều khả năng lặp lại trong năm nay, nhất là khi dân số toàn cầu vẫn đang tăng và nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trở nên sa sút. Các nước phát thải nhiều khí chỉ mới có những bước đi chiếu lệ để giảm lượng khí thải của mình và không có nhiều dấu hiệu cho thấy điều này sẽ thay đổi trong năm nay.
Năm 2020 nhiều khả năng cũng ghi nhận một xu hướng đáng buồn khác khi nhiệt độ bình quân toàn cầu được dự báo sẽ tăng so với năm 2019. Điều đáng nói là theo Tổ chức Khí tượng thế giới, năm ngoái được xem là năm nóng thứ 2 từng được ghi nhận, chỉ thua năm 2016.
Hoàng Phương (NLĐO)