Chậm giải ngân vốn đầu tư công và trách nhiệm của người đứng đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là kết thúc năm 2022 nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất thấp. Điều đáng nói là trong khi Chính phủ rất quyết liệt trong việc chỉ đạo, đôn đốc thì tỷ lệ giải ngân năm sau vẫn cứ thấp hơn năm trước, thậm chí nhiều đơn vị xin “trả lại” vốn được giao.
Mặc dù ai cũng biết, kích thích đầu tư, trong đó ưu tiên đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định vĩ mô, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Trước dự báo tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động bất thường, khó đoán định và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp sẽ cùng lúc tác động không thuận lên nền kinh tế, Chính phủ đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022 và các năm tiếp theo. Để thực hiện được điều này, nguồn vốn đầu tư công năm nay đã được tăng thêm khoảng 110 ngàn tỷ đồng so với năm 2021, lên tới 542 ngàn tỷ đồng, với kỳ vọng “nguồn vốn mồi” này sẽ kích thích nhiều nguồn vốn khác, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng.
Để giải ngân nguồn vốn này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công và thành lập 6 tổ công tác đi kiểm tra; tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; thậm chí đã có rất nhiều công điện và văn bản chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Thế nhưng, đã qua 11 tháng của năm 2022, nguồn “vốn mồi” 542 ngàn tỷ đồng mới chỉ được giải ngân hơn 52,4%. Nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp. Ngay như TP. Hồ Chí Minh-đầu tàu kinh tế phía Nam, rất nhiều công trình, dự án đầu tư cho hạ tầng nền kinh tế đang cần vốn nhưng cũng mới giải ngân hơn 12.665 tỷ đồng, đạt 34%.
Nhiều nguyên nhân được nêu ra để lý giải cho tình trạng này như: khó khăn trong giải phóng mặt bằng, quy định pháp luật chồng chéo, thiếu cơ chế chính sách trong quá trình triển khai thực hiện... Thế nhưng, khi có tới hơn 20 bộ, ngành, cơ quan trung ương xin được giảm vốn, trả lại gần 8 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công của năm 2022 thì đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, liên quan đến câu chuyện trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Từ việc vỉa hè trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội được lát đá tự nhiên “có tuổi thọ lên tới 50-70 năm” nhưng chỉ mới vài năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng; hay không ít đô thị cứ đến hẹn lại lên, vào dịp cuối năm là vỉa hè, đường/cống dù vẫn đang còn sử dụng tốt, thậm chí là mới thay, sửa chưa lâu đã lại được lật lên làm lại… nhiều ý kiến cho rằng, ở một góc độ nào đó cần xem xét việc “trả lại” dự án đầu tư công là điều đáng mừng. Bởi đây là nguồn vốn mà nhiều năm nay không ít bộ, ngành, địa phương xem như “tiền chùa”, bằng nhiều cách “vẽ dự án” để “xin tiền” cho bằng được. Việc xin giảm vốn, trả lại vốn, không tiêu được cũng đồng nghĩa đã thừa nhận có những dự án hoặc kém chất lượng ngay từ khâu thiết kế hoặc “sợ trách nhiệm” nếu cố tình đầu tư sai, không hiệu quả.
Đã đến lúc người ta cũng nhìn ra “tiền công không phải tiền chùa”!
Số liệu thống kê 11 tháng cho thấy nhiều gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm nay. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%; các cân đối lớn được bảo đảm. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2022, 2023.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 mới đây đã nhấn mạnh đến không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý của nền kinh tế, trong đó có tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đặt ra. Gần 48% nguồn vốn đầu tư công (tương đương trên 255 ngàn tỷ đồng) chưa được giải ngân, trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn… là một sự bất hợp lý và lãng phí cơ hội cho phát triển. Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo cần phải “chủ động và quyết liệt hơn nữa trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là về giao thông, năng lượng, ưu tiên gỡ khó cho doanh nghiệp, mở chiến dịch thúc đẩy giải ngân đầu tư công…”.
Vì sao cũng trong cùng cơ chế/thể chế/pháp luật ấy, nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất cao, đạt trên 90%, thậm chí là 100% kế hoạch? Rõ ràng, cần phải nghiêm túc hơn nữa trong việc yêu cầu và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm không chỉ với nguồn vốn “công”, dự án đầu tư “công”, mà cao hơn là trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức lãnh đạo.
ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Chiêu trò nguy hại

Chiêu trò nguy hại

Những ngày vừa qua, một cuộc tranh cãi đã diễn ra trên mạng xã hội, bắt nguồn từ nhiều ý kiến cá nhân trước một hoạt động của doanh nghiệp. Cuộc tranh cãi đã trở nên ồn ào, gây nhiều phản ứng hơn khi xuất hiện một làn sóng định hướng thông tin bằng phương pháp seeding.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

Để giang sơn gấm vóc mãi mãi yên bình, cường thịnh

(GLO)- Nửa thế kỷ hòa bình thống nhất là nửa thế kỷ xây dựng lại non sông từ vỡ vụn chiến tranh. Vượt qua những trở lực từ bên ngoài, dám nhìn nhận những sai lầm nội tại, chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu mà 40 năm trước, nhiều người không thể hình dung.

Tự hào là người Việt Nam

Tự hào là người Việt Nam

Mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, cũng đều tự hào mình là con dân đất Việt, tự hào về một Việt Nam đang trên đà đổi mới, phát triển. Niềm tự hào đó chính là sức mạnh nội sinh, để mỗi người có thể góp sức mình làm “rạng danh đất nước” trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Hòa bình cho tất cả chúng ta

Trong những ngày cả nước hướng về đại lễ của dân tộc, câu chuyện hào hùng được tiếp nối qua bao thế hệ, người trẻ hôm nay kể về niềm tự hào bằng ngôn ngữ thế hệ gen Z, gen Y, những video, hình ảnh, bài viết ngập sắc cờ đỏ sao vàng phủ kín mạng xã hội.

'Ngấm' bảng giá đất mới

'Ngấm' bảng giá đất mới

Gần nửa năm sau khi bảng giá đất mới có hiệu lực, nỗi lo về tác động của giá đất tăng kéo theo tiền sử dụng đất tăng đã trở thành hiện thực. Tại TP.HCM, hàng trăm người đã phải rút hồ sơ vì tiền chuyển mục đích sử dụng đất vượt quá khả năng tài chính của họ.