Giải ngân vốn đầu tư công: Cần giải pháp căn cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tình trạng dự án chờ vốn, dự án bị điều chỉnh, giá vật liệu xây dựng tăng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như giải ngân vốn đầu tư công rất cần có những giải pháp căn cơ và lâu dài.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 và vốn kéo dài năm 2021 sang năm 2022 của tỉnh là 3.627,35 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 31-10, toàn tỉnh giải ngân được 1.475 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch. Trong đó, kế hoạch giao mới năm 2022 đã giải ngân 1.318,7 tỷ đồng, đạt 40,8% (vốn ngân sách địa phương giải ngân 1.017,8 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương giải ngân 300,9 tỷ đồng, đạt 24,1% kế hoạch); vốn năm 2021 chuyển sang năm 2022 đã giải ngân được 156 tỷ đồng, đạt 39,5% kế hoạch (vốn ngân sách địa phương 153,9 tỷ đồng, đạt 52,08%; vốn ngân sách trung ương 2,1 tỷ đồng, đạt 2,18%). Trong tổng số 28 dự án khởi công năm 2022, đến nay có 13 dự án đã triển khai thi công, 6 dự án đang triển khai lựa chọn nhà thầu, 6 dự án đang trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, 3 dự án đang lập thiết kế bản vẽ thi công. 
Tỷ lệ giải ngân của tỉnh thấp hơn mức trung bình cả nước (47%) và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (51%), năm 2020 (khoảng 70%). Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do các dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội lĩnh vực y tế chậm đề xuất; kế hoạch sử dụng đất các địa phương chậm được phê duyệt; giá vật liệu xây dựng tăng quá cao gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Thi công hạng mục sân bê tông Trường Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy
Thi công hạng mục sân bê tông Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư từ tiền sử dụng đất đạt quá thấp, chưa kịp bố trí cho các dự án tại nhiều địa phương cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân chưa đạt như mong đợi. Ông Huỳnh Tuấn Kiệt-Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đức Cơ-cho hay: “Nguồn vốn từ tiền sử dụng đất tỉnh chưa phân bổ nên chưa giải ngân cho nhà thầu. Thời gian qua, một số nhà thầu phải tự bỏ tiền túi ra để thi công chứ hoàn toàn chưa ứng được vốn”.
Một nguyên nhân khách quan cần nhắc tới là đến tháng 7-2021, Quốc hội mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (giai đoạn 2021-2025). Vì vậy, đầu năm 2022, các chủ đầu tư chủ yếu triển khai các dự án chuyển tiếp, còn số dự án mới hầu như đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục. Quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng nên để có khối lượng thực hiện, khối lượng giải ngân buộc phải tới cuối năm.
Trong năm 2022, tỉnh đã có nhiều động thái nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án như lập 4 đoàn công tác tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15-9-2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 2164/UBND-KHTH chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các chủ đầu tư quyết liệt triển khai. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các chủ đầu tư nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án đầu tư, lựa chọn các tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thực sự, khắc phục tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai, gây mất thời gian và làm chậm tiến độ giải ngân vốn. 
Giá vật liệu xây dựng tăng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhiều dự án. Ảnh: Hà Duy
Giá vật liệu xây dựng tăng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhiều dự án. Ảnh: Hà Duy
Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các sở, cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất, hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện; phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân từng dự án. Bên cạnh đó, kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết cắt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng; hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ thực hiện cũng như giải ngân vốn đầu tư công cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài. Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 6 giải pháp trọng tâm để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đó là tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, coi việc xây dựng kế hoạch là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tiến độ, giải ngân các chương trình dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải bám sát các mục tiêu, căn cứ, nguyên tắc, yêu cầu, trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm quy định tại Luật Đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội. Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu lập, thẩm định, phân bổ, thông báo kế hoạch cho từng chương trình, dự án, từng chủ đầu tư thông qua việc sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư, phù hợp với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định. Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện công tác lập kế hoạch để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác lập kế hoạch cũng như cập nhật các chính sách, chế độ, phương pháp lập kế hoạch mới.
HÀ DUY 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.