Chạm gặp Tà Đùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vùng đất Tà Đùng thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông xưa chỉ là cái tên, để rồi nay trở thành điểm đến cho biết bao người, dẫu chỉ là đứng trên ngọn đồi cao nhìn xuống mênh mông. Hồ Tà Đùng, vốn dĩ là hồ nước được tạo nên bởi việc làm đập xây dựng thủy điện Đồng Nai 3 và 4 cách đây hơn 10 năm. Mực nước dâng cao ngập các thung lũng và chừa lại các ngọn núi cao nhấp nhô thành vô số đảo lớn nhỏ, gần 40 cụm đảo ngập trong nước, tạo nên một cảnh vật kỳ vỹ và được mệnh danh là vịnh Hạ Long của Tây Nguyên, Với diện tích rộng lên đến 5000 ha, Tà Đùng có một sức hút kỳ lạ, dẫu chính là đến để ngắm nhìn.

 


Từ Gia Nghĩa đi theo con đường uốn lượn gần 50 km, chúng tôi đến Tà Đùng. Con đường xa cho một chạm gặp, dẫu có người bảo với tôi rằng nơi đó chỉ là hồ nước, có gì đâu mà xem. Nhưng bất cứ một nơi nào đó bạn chưa đặt chân đến, đó đều là những cảm xúc đẹp, những cảm xúc khó phai nhòa trong cuộc hành trình tìm đến. Trong những cuộc hành trình của mình, tôi đã đi bộ trên con đường dốc với mồ hôi đẫm ướt chỉ để tìm gặp cầu Mây ở Sa Pa- đích đến là một cây cầu đã gãy, nhưng cảm giác hôm đó thật thỏa lòng. Còn với Tà Đùng là cảm giác khác, một cảm giác tận ngắm.
 
Khu vực đã được quy hoạch thành một điểm đến hẳn hoi, có dòng chữ Tà Đùng nổi bật cho khách chụp ảnh lưu niệm, anh thanh niên bán vé vào cổng sốt sắng gợi ý chụp ảnh dùm, mà theo anh, việc anh chụp ảnh dùm để khách có ảnh để lưu giữ chuyến đi.
 
Không là hoang sơ mà nơi này đã được trang điểm theo cách cho nơi chốn đến thêm sinh động. Cổng vào là khung sắt có hoa lá hình trái tim, ở khoảng đất bên cạnh là thảm hoa bươm bướm, ngôi nhà tròn nổi bật làm bằng lá buông để khách ở lại có thể tới nhâm nhi ly rượu, ngắm hoàng hôn hoặc bình minh. Nhưng như tất cả bao người tìm đến Tà Đùng, chúng tôi chỉ lướt qua mọi thứ để nhìn thấy - bên dưới kia là một mênh mông, những “hòn đảo” không theo một quy luật nào, giống như đang chen cùng để cho mắt người dõi theo, còn xa tít tắp là mờ ảo mây mù.
 
Những nhà làm du lịch đã tạo ra những hành lang vừa tầm, cao thấp khác nhau để cho khách tìm đến đứng đó, ở nhiều góc độ khác nhau mà tận hưởng sự kỳ ảo của thiên nhiên. Có hành lang dài, có chỗ dưới thấp, có cả cách thiết kế một vòm cây để ngồi vào đó mà tạo dáng, là cổng trời mờ ảo giống như cõi thiền. Tới Tà Đùng, dẫu chỉ phóng tầm mắt ngắm nhìn. Là núi trùng núi, những đảo nổi nhiều hình dạng khác nhau, có khi giống như đang vươn ra, có khi như cao ngạo che chắn nắng mai…cứ thế nối với nhau trong đất trời mênh mông đến lạ. Và chen cùng những hòn đảo nhỏ ấy là những dòng nước, len lách tìm lối đi, những cây xanh cao vừa đủ làm duyên và những bãi cát như mời gọi ghé bến bờ. Có một cầu kính chênh vênh ở độ cao chừng 5 mét, dài 5 mét và đường nhô ra chừng 4 mét. Bước lên cầu kính như thêm chút cảm giác cho lần chạm gặp Tà Đùng.
 
Hiện tại, ở đây đã khai thác dịch vụ ở lại đêm, tạo ra những chốn riêng tư rất khác như cho người muốn trốn lánh nhân gian có những ngày chỉ có thiên nhiên hòa trộn. Ở lại, là sáng mai thức dậy thấy mây trôi bềnh bồng trên 40 hòn đảo, là nghe tiếng của cả trăm loài chim sáng sớm bay tìm mồi, là thuê con thuyền chèo nhẹ nhàng trong mênh mông…

Theo NHƯỢC QUÂN (baolamdong)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.