Câu chuyện đẹp ở một ngôi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình yêu thương được xây dựng từ sự đoàn kết của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường, những người hết lòng cống hiến cho nền giáo dục nước nhà và sống nghĩa nhân

Tôi hiện đang công tác tại một trường THPT của huyện ngoại thành phía Tây Nam của thành phố, đó là Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM.

Buổi họp chi bộ và chủ trương của nhà trường

Trường THPT Đa Phước nằm trong con hẻm đóng trên địa bàn xã, học sinh của trường đa số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Vậy nên những khó khăn về mặt kinh tế luôn đè nặng trên vai các bậc phụ huynh, cả những âu lo con đường đến trường phải bỏ ngỏ giữa chừng trên gương mặt của các học trò đang tuổi ăn tuổi lớn…

Cô Võ Thị Lang, tổ phó tổ Ngữ văn trao sách 0 đồng cho học sinh

Cô Võ Thị Lang, tổ phó tổ Ngữ văn trao sách 0 đồng cho học sinh

Không gian trưng bày gian hàng sách 0 đồng năm 2024

Không gian trưng bày gian hàng sách 0 đồng năm 2024

Câu chuyện bắt đầu bằng sự thấu hiểu được những khó khăn mà các em học sinh của trường đang gặp phải. Cách đây hơn 10 năm, một nữ sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ ly hôn, mỗi ngày em được mẹ cho 2.000 đồng để đi học. Không có tiền ăn cơm trưa, hằng ngày em phải đạp xe từ trường về nhà ăn vội chén cơm rồi lại tất tả chạy về trường cho kịp giờ học trong cái nắng gay gắt của trưa hè. Vất vả là vậy nhưng em luôn nỗ lực trong học tập. Biết em có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất hiếu học, cô Võ Thị Mỹ Phượng - giáo viên môn ngữ văn - đã hỗ trợ em phần ăn trưa tại căng tin trường, để em yên tâm ở lại nghỉ ngơi học tập.

Từ câu chuyện bữa ăn trưa của học trò mình, cô giáo Phượng đã đề xuất lên chi bộ nhà trường về rất nhiều trường hợp của học sinh đang cần những bữa ăn trưa khác. Đề xuất của cô Phượng đã được thầy hiệu trưởng và chi bộ đồng ý. Nhà trường đã lập danh sách học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí vươn lên trong học tập, có học lực khá giỏi để nhận những suất ăn trưa miễn phí tại trường, từ đó được mang tên là "Bữa cơm tình thương" của Trường THPT Đa Phước. Năm học 2023-2024, bữa cơm tình thương đang hỗ trợ cho 17 em học sinh diện khó khăn. Mỗi tuần các em sẽ nhận 5 phiếu ăn trưa trong tuần, mỗi năm học sẽ là 35 tuần các em được nhận phiếu.

Lan tỏa tấm lòng nhân ái

Khi mới thành lập, nguồn quỹ bữa ăn trưa còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là những đóng góp của cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường. Thầy cô giáo của trường cũng có đời sống không mấy khá giả, có nhiều trường hợp thầy cô thuộc gia đình nhà giáo cần được hỗ trợ từ Công đoàn ngành giáo dục. Thế nhưng vì tương lai của mỗi em học sinh, tấm lòng nhà giáo không chỉ sáng trên bục giảng với những bài học, mà còn tỏa sáng ở mỗi góc cạnh đời sống của các em học sinh, mong muốn được sẻ chia, mỗi người đóng góp một chút để cùng xây dựng con đường đến trường của học sinh Đa Phước trở nên vững chắc hơn.

Học sinh nhận phiếu “Bữa cơm tình thương”

Học sinh nhận phiếu “Bữa cơm tình thương”

Từ đó hằng năm cứ đến ngày hội nghị cán bộ công chức, viên chức, tập thể sư phạm trường cùng chung tay xây dựng quỹ bữa ăn tình thương. Đến hôm nay sau hơn 10 năm lan tỏa, chương trình "Bữa cơm tình thương" đã nhận được những đóng góp của các nhà hảo tâm trong và ngoài xã, của phụ huynh và của các em học sinh cũ ngày nào đã ra trường được trưởng thành từ bữa cơm trưa của trường, nay trở về chia sẻ, ủng hộ xây dựng quỹ bữa ăn trưa.

Ở Trường THPT Đa Phước, những việc làm mang nét đẹp ý nghĩa nhân văn không chỉ dừng lại ở "Bữa cơm tình thương" mà còn lan tỏa và được nhân rộng ra hơn nữa, đó là mô hình "Gian hàng sách 0 đồng" với thông điệp trao sách gửi yêu thương tới các em học sinh không có điều kiện mua sách giáo khoa, dụng cụ học tập; cũng là để những thế hệ tương lai của đất nước hiểu thêm về lòng nhân ái, lá lành đùm lá rách, hướng các em tới phương châm sống thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí.

Tặng sách cho học sinh nghèo

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, giá tiền của một bộ sách giáo khoa lên tới hàng trăm ngàn một bộ, sách thì có nhiều bộ như Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức từ nhiều nhà xuất bản, mỗi trường sẽ chọn một bộ sách giáo khoa để dạy. Ở một xã thuộc vùng sâu, vùng xa của thành phố, nơi tập trung nhiều hộ gia đình khó khăn, nếu trường hợp gia đình có 2 đến 3 người con trong độ tuổi ăn học, bao nỗi lo về kinh tế, mua sắm cặp sách, dụng cụ học tập của con em vào năm học mới là nỗi trăn trở của rất nhiều phụ huynh.

Đồng cảm trước những khó khăn mà phụ huynh, học sinh đang phải đối diện, từ tháng 5-2023, tổ ngữ văn đã phối hợp với thư viện trường lập kế hoạch trình lên thầy hiệu trưởng về việc quyên góp sách giáo khoa, sách tham khảo cũ từ các em học sinh trong trường, sách sau khi được quyên góp sẽ chuyển về phòng thư viện trao cho các em học sinh nghèo...

Qua những đôi bàn tay cần mẫn của thầy cô giáo tổ văn khi soạn và phân loại sách theo môn, theo khối, những bộ sách thật gọn gàng. Thầy cô cẩn thận vuốt những trang sách bị quăn mép, gãy lề, nâng niu chỉnh sửa từng trang sách như đang nâng niu vun đắp từng ước mơ của mỗi em học sinh.

Giúp học sinh vững bước tương lai

Từ kế hoạch nhỏ này của tổ ngữ văn và thư viện trường đã kết nối được những đóng góp của nhiều học sinh trong trường. Đến tháng 7-2023, thầy Đặng Nguyễn Anh Huy, phó hiệu trưởng nhà trường, đã kiến nghị đổi từ chương trình quyên góp sách cũ thành "Gian hàng sách 0 đồng" với thông điệp trao sách gửi yêu thương, tiếp nhận các loại sách như sách giáo khoa, sách tham khảo, dụng cụ học tập từ thầy cô trong trường, của phụ huynh và các em học sinh…

Tôi là một nhân viên thư viện của trường, là người tiếp nhận những yêu thương qua từng trang sách và cũng là người trao gửi đi những yêu thương đó tới học trò, tôi cảm nhận được những niềm vui, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của các em học sinh khi được trao tặng những bộ sách, dụng cụ học tập, như trút bỏ được những gánh nặng, khi ngày mai các em chỉ việc đến trường học. Chương trình trao tặng sách cho học sinh nghèo qua gian hàng sách 0 đồng của Trường THPT Đa Phước là một việc làm ý nghĩa nhân văn lan tỏa tới các em học sinh trong trường, các bạn trẻ khi mỗi ngày các em học sinh cũ dù đã ra trường vẫn trở về trao tặng sách, cùng trường đóng góp xây dựng những việc làm tử tế qua mỗi trang sách. Từ đây con đường đến trường của các em học sinh Trường THPT Đa Phước đã vững chắc hơn, từ "Bữa cơm tình thương" đến "Gian hàng sách 0 đồng" những yêu thương mãi lan tỏa, là động lực tiếp lửa cho các em bay cao chinh phục ước mơ của mình…

Tình yêu thương đó được xây dựng từ tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường, những con người không chỉ ngày ngày mang trí lực cống hiến cho nền giáo dục nước nhà, mà còn chuyên chở luôn cả những chuyến đò đong đưa tình người hướng tới xây dựng một trường học hạnh phúc đúng với slogan của trường "Học sinh Đa Phước - vững bước tương lai"…

Lưng áo đẫm mồ hôi của thầy cô

Để gian hàng sách 0 đồng được hình thành là cả một hành trình cùng nhau đóng góp xây dựng, là tổ tin học đã thiết kế những pano quảng cáo bắt mắt cho gian hàng sách, là lưng áo thấm đẫm mồ hôi của thầy Huy, thầy Trí, cô Lang, cô Thắm khi khiêng từng cái bàn, ôm từng chồng sách giữa những chiều tháng 3 nắng đổ lửa.... Đến hôm nay, sau 1 năm kể từ ngày khai trương, gian hàng sách 0 đồng đã trao tặng cho các em học sinh khối 10, khối 12 gần 70 bộ sách giáo khoa, hơn 200 tập vở và dụng cụ học tập. Tuy nhiên do mới năm đầu thực hiện nên còn nhiều phụ huynh và các em học sinh chưa biết đến chương trình trao tặng sách của trường. Mặt khác, một số em học sinh mặc cảm, e ngại hoàn cảnh của mình nên chưa dám đón nhận.…

Phiếu “Bữa cơm tình thương”

Phiếu “Bữa cơm tình thương”

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.