Những câu chuyện đẹp giữa mùa thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tiếp tục lan tỏa cảm hứng tích cực trong cộng đồng bởi sự nhiệt huyết của đội hình tình nguyện cùng những câu chuyện về nghị lực vươn lên của các thí sinh đặc biệt.

Những thí sinh đặc biệt

Mặc dù bị khuyết tật bẩm sinh về cơ thể, trí tuệ nhưng với mong mỏi được chạm tới ước mơ trên con đường tri thức, các sĩ tử đặc biệt của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) đã nỗ lực để hoàn thành bài thi một cách tốt nhất.

Dù chỉ cao 1,3 m, nhỏ bé hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa do 2 chân bị khuyết tật bẩm sinh nhưng em Rah Lan H'Hương được bạn bè khâm phục bởi nghị lực vươn lên. Bỏ qua nhiều lời trêu chọc của các bạn trong những ngày đầu tiên đến trường, H'Hương quyết tâm học tập. Tuy khớp đầu gối bị vẹo nhưng trong suốt 12 năm học, H'Hương luôn đến trường sớm hơn các bạn.

Em Rah Lan H'Hương (bìa trái, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Chu Văn An) trao đổi bài với bạn học sau kỳ thi. Ảnh: Vũ Chi

Em Rah Lan H'Hương (bìa trái, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Chu Văn An) trao đổi bài với bạn học sau kỳ thi. Ảnh: Vũ Chi

Nhà H'Hương ở xã Ia Mlah, huyện Krông Pa. Hoàn cảnh khó khăn nên hàng ngày, cha mẹ không thể đưa đón em đến trường. Vì vậy, khi vào lớp 10, H'Hương ở trọ cùng bạn tại thị trấn Phú Túc. Nhớ cha mẹ và các em nên cuối tuần, H'Hương lại cặm cụi đạp xe vượt quãng đường gần 20 km về thăm nhà.

“Xa gia đình em không sợ, cực khổ em cũng không sợ. Điều làm em sợ nhất chính là những hôm trở trời, chân đau nhức khiến em không thể đến trường. Nằm trong phòng trọ khóc một mình, em tự nhủ phải cố gắng học để sau này bớt khổ”-H'Hương trải lòng.

Và, kỳ thi tốt nghiệp THPT là cơ hội để H'Hương hiện thực hóa ước mơ của mình. Không có điều kiện học thêm, H'Hương tự ôn tập ở nhà, bài nào chưa hiểu, em tranh thủ hỏi thêm thầy cô, bạn bè.

“Ước mơ của em là thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Quy Nhơn để trở thành lập trình viên. Năm ngoái, điểm chuẩn của trường là 23,5 điểm. Mặc dù ôn tập khá kỹ nhưng em cũng có chút lo lắng. Trong số các môn thi tốt nghiệp, em sợ nhất môn Ngữ văn nhưng em cũng đã làm bài khá tốt. Môn Toán em tự tin mình được trên 7 điểm. Em cảm ơn cha mẹ, thầy cô, bạn bè cùng các anh chị ở Huyện Đoàn đã luôn đồng hành, động viên em cả về vật chất lẫn tinh thần trong kỳ thi này”-H'Hương chia sẻ.

Cũng là thí sinh khuyết tật, em Kpă Thức (buôn Thim, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đã trải qua rất nhiều khó khăn để đến với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thức kể, khi em vào lớp 1, thấy em tiếp thu bài chậm và kém hơn các bạn cùng trang lứa, thầy cô đã hỗ trợ gia đình đưa em đi giám định. Kết quả, em bị khuyết tật trí tuệ mức độ nhẹ. Chứng bệnh khiến em lúc nhớ lúc quên nên dù đã rất cố gắng Thức vẫn không thể đạt được thành tích học tập như mình mong muốn. Nhưng, điều khiến Thức buồn hơn cả lại là chuyện riêng của gia đình. Mẹ em thường xuyên uống rượu và đi lang thang, ba em mắc bệnh tâm thần cũng bỏ nhà đi. Em phải ở nhờ nhà dì. Thương em, bạn bè, thầy cô luôn đồng hành, hỗ trợ tiếp thêm động lực giúp Thức tiếp tục đến trường theo đuổi giấc mơ con chữ.

Các em học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia hoạt động tư vấn-tiếp sức mùa thi để có thêm trải nghiệm, rèn sự tự tin. Ảnh: Đức Thụy

Các em học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương tham gia hoạt động tư vấn-tiếp sức mùa thi để có thêm trải nghiệm, rèn sự tự tin. Ảnh: Đức Thụy

Tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, lượng sức mình, Thức không đặt ra chỉ tiêu quá cao. Với em, đây là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời. “Em sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành kỳ thi. Dù đủ điểm tốt nghiệp hay không, em cũng sẽ đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Em mơ ước mình trở thành bác sĩ thú y”-Thức bày tỏ.

Ghi dấu màu áo tình nguyện

Tại điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương, ngoài lực lượng tình nguyện của Thành Đoàn Pleiku còn có 13 tình nguyện viên là học sinh. Các em là thành viên của Câu lạc bộ Điều ước thứ 7, bí thư, lớp trưởng của các lớp thuộc Trường THPT chuyên Hùng Vương. Dù lần đầu tham gia hoạt động “tiếp sức”, nhưng các em đã phối hợp nhịp nhàng với lực lượng tình nguyện viên của Thành Đoàn Pleiku. Các em đều rất cố gắng đến điểm thi từ sớm, túc trực ở cổng trường để sẵn sàng nhận nhiệm vụ từ các anh, chị trong đội hình tình nguyện; luôn gửi lời chúc tốt đẹp đến các thí sinh.

Từ nguồn quỹ của Câu lạc bộ Điều ước thứ 7, các em đã trích 1 triệu đồng để mua bút chì, Atlat Địa lý Việt Nam để tặng các sĩ tử. Nhiều thí sinh quên đem theo máy tính cầm tay cũng được các tình nguyện viên nhỏ tuổi cho mượn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có ý nghĩa quan trọng nên các thí sinh đều căng thẳng, áp lực. Và, chính những nụ cười rạng rỡ, sự cổ vũ của các tình nguyện viên đã giúp thí sinh thêm niềm tin để hoàn thành tốt kỳ thi. Em Trần Gia Bảo (lớp 11C4, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ: “Em thấy rất vui khi được tham gia “tiếp sức” cho các sĩ tử. Đây là cơ hội để em trải nghiệm bởi sang năm, em cũng trở thành thí sinh của kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

2 tuần trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, trên đường đi học về, em Ksor Hương (buôn Ma Rin 3, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) bị tai nạn xe máy dẫn đến gãy chân trái. Tỉnh dậy trong bệnh viện, nước mắt em chảy dài vì lo lắng bởi kỳ thi sắp diễn ra. Không thể đến trường ôn tập, Hương nhờ cha mẹ mang sách vở vào bệnh viện để em tự học. Xuất viện về nhà được 2 ngày, Hương tham gia kỳ thi với chiếc nạng gỗ.

Thương con bị tai nạn bất ngờ, ba em đã quyết định nghỉ việc đồng áng đưa đón con trong suốt kỳ thi. Nhưng bất lợi với em là phòng thi ở trên lầu 3. Vết thương đau nhức khiến em không thể di chuyển. Ngày làm thủ tục dự thi, 2 cha con ngước nhìn từng bậc cầu thang mà không khỏi ái ngại. Những bậc cầu thang ấy thường ngày, em chỉ cần chạy vài bước nay bỗng trở nên dài vô tận.

Trung úy Nguyễn Hoài Bảo (Công an huyện Ia Pa) hỗ trợ thí sinh Ksor Hương (buôn Ma Rin 3, xã Ia Ma Rơn) bị gãy chân di chuyển từ phòng thi trên lầu 3 xuống sân trường. Ảnh: Vũ Chi

Trung úy Nguyễn Hoài Bảo (Công an huyện Ia Pa) hỗ trợ thí sinh Ksor Hương (buôn Ma Rin 3, xã Ia Ma Rơn) bị gãy chân di chuyển từ phòng thi trên lầu 3 xuống sân trường. Ảnh: Vũ Chi

Chứng kiến cảnh 2 cha con chở nhau đến trường với chiếc nạng gỗ, các chiến sĩ Công an cùng các đoàn viên, thanh niên tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành đã không ngần ngại đề nghị được hỗ trợ cõng Hương lên phòng thi. Một người cõng, 1 người cầm nạng giúp em lên phòng thi, hình ảnh ấy lặp đi lặp lại trong suốt những buổi thi làm lay động trái tim nhiều người.

Trung úy Nguyễn Hoài Bảo (Công an huyện Ia Pa, người trực tiếp cõng Hương lên phòng thi) tâm sự: “Không ai muốn mình gặp rủi ro để được giúp đỡ. Bị tai nạn trước kỳ thi đã khiến Hương không thể tự di chuyển. Khi giúp được em, chúng tôi cũng thấy ấm lòng. Hy vọng em có thể hoàn thành tốt kỳ thi để thực hiện ước mơ của mình”.

Còn với Hương thì từ tâm trạng buồn rầu, lo lắng, trải qua 2 ngày thi, em cảm thấy mình thật may mắn vì được mọi người yêu thương, giúp đỡ. “Kỳ thi năm nay, em chỉ đặt mục tiêu đậu tốt nghiệp để đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Em xin gửi lời cảm ơn đến các anh, các chị tình nguyện viên đã giúp đỡ em trong suốt 2 ngày thi vừa qua. Đây sẽ là kỷ niệm đẹp nhất trong quãng đời học sinh của em”-Hương chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước. 

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.