Nam sinh lớp 8 lan tỏa đam mê tiếng Anh đến trẻ em yếu thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hành trình dạy tiếng Anh cho trẻ em yếu thế của nam sinh Nguyễn Viết Minh-Lớp 8.1, Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) thời gian qua đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng. Bằng việc làm này, em đã biến tình yêu Anh ngữ của mình trở nên thiết thực, đầy ý nghĩa.

Đều đặn vào sáng thứ 7 hàng tuần, Nguyễn Viết Minh có mặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh để dạy tiếng Anh cho trẻ em yếu thế ở đây. Mỗi buổi học thường kéo dài khoảng 1,5 giờ đồng hồ với sự tham gia của khoảng 15 em ở các độ tuổi khác nhau.

Bên cạnh dạy từ vựng theo chủ đề, Minh còn hướng dẫn thành viên lớp học giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các trò chơi nhỏ để khích lệ tinh thần học tập cũng như tạo ra bầu không khí thoải mái, gần gũi.

cu-moi-sang-thu-7-hang-tuan-viet-minh-lai-deu-dan-den-day-hoc-cho-cac-em-yeu-the-tai-trung-tam-bao-tro-xa-hoi-tong-hop-tinh-anh-thuy-hang.jpg
Cứ mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, em Nguyễn Viết Minh (bìa trái) lại đều đặn đến dạy học cho các em yếu thế tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thúy Hằng

Được biết, Minh là một học sinh sôi nổi, tích cực trong học tập. Em có niềm say mê đặc biệt với môn tiếng Anh với thành tích nổi trội trong bảng điểm. Suốt các năm học THCS, điểm trung bình môn học này của em luôn đạt trên 9.

Minh cũng thường xuyên thử thách bản thân ở các cuộc thi tiếng Anh lớn, nhỏ trong và ngoài nhà trường. Một số "trái ngọt" mà em gặt hái được có thể kể đến như: giải nhì cuộc thi “English Speaking” của Hệ thống Anh ngữ Quốc tế Việt Mỹ năm 2023; giải nhất cuộc thi “English Speaking Contest” của Hệ thống Anh ngữ Quốc tế Việt Mỹ năm 2024; giải nhất vòng thi sơ khảo cụm thi đua công tác Đội số 3 “Hội thi tiếng Anh năm học 2024-2025” do Thành Đoàn, Hội đồng Đội TP. Pleiku phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức...

nguyen-viet-minh-nang-no-tham-gia-cac-cuoc-thi-tieng-anh-de-nang-cao-kien-thuc-cho-chinh-ban-than-minh-anh-nvcc.jpg
Nguyễn Viết Minh (thứ 5 từ phải sang) tích cực tham gia các cuộc thi tiếng Anh để nâng cao kiến thức cho chính bản thân mình. Ảnh: NVCC

Ngoài việc học tại trường và hoạt động tại các nhóm học trực tuyến, Minh còn tham gia Câu lạc bộ (CLB) Tiếng Anh cảm hứng-nơi đang vận hành dự án dạy tiếng Anh cho trẻ em yếu thế tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh để đồng hành, sẻ chia với những hoàn cảnh kém may mắn.

Cô Lê Thị Mai-giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS Lý Tự Trọng-nhìn nhận: "Sự tâm huyết và nhiệt tình ở Minh là điều “hiếm thấy” ở học sinh đồng trang lứa. Tôi rất hãnh diện và tự hào khi em có thể ứng dụng những kiến thức đã học để làm những điều có ích cho cộng đồng; thực sự là tấm gương sáng cho các bạn đồng trang lứa noi theo".

Để có được những bước đệm thành công trên hành trình miệt mài truyền lửa đam mê tiếng Anh, Minh luôn có sự động viên, “sát cánh” của gia đình.

"Người thân, đặc biệt là mẹ đã hỗ trợ rất nhiều để em có thể phát triển như ngày hôm nay. Mẹ đã đầu tư để em có điều kiện học tiếng Anh tốt nhất và cũng nói cho em hiểu về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong tương lai. Mỗi khi gặp khó khăn trong các hoạt động xã hội, mẹ luôn là người cho em lời khuyên hữu ích để em vực dậy tinh thần, tiếp tục hành trình này"-Minh bày tỏ.

viet-minh-luon-nhan-duoc-su-dong-hanh-tu-me-luong-thi-phuong-duyen-bia-phai-tren-hanh-trinh-nuoi-duong-va-lan-toa-niem-dam-me-tieng-anh-cho-cac-tre-em-yeu-the-anh-thuy-hang.jpg
Nguyễn Viết Minh và mẹ. Ảnh: Thúy Hằng

Chị Lương Thị Phương Duyên (mẹ Minh) chia sẻ: Tôi đã mất khoảng 3 năm để tìm kiếm cho con những câu lạc bộ, những hoạt động xã hội để con để có cơ hội phát triển năng lực và trau dồi khả năng thấu hiểu, sẻ chia với cộng đồng.

Thật may mắn khi tôi được người bạn giới thiệu đến CLB Tiếng Anh cảm hứng của bạn Trần Thị Kim Phùng Thủy. Ban đầu, Minh được rèn luyện khả năng giao tiếp tiếng Anh qua các buổi sinh hoạt của CLB. Lâu dần, con đã cùng Thủy thực hiện các dự án xã hội ý nghĩa.

"Dù phải dành nhiều thời gian, công sức nhưng tôi vẫn thấy vui vẻ khi được đồng hành cùng con trên chặng đường này. Nhìn các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tôi rất thương và luôn mong con trai mình có thể hỗ trợ các em học tiếng Anh. Hơn nữa, con cũng có thể san sẻ tình thương và biến lớp học trở thành nơi tràn ngập niềm vui và năng lượng tích cực"-chị Duyên khẳng định.

lop-hoc-tieng-anh-mien-phi-danh-cho-cac-tre-em-yeu-the-tai-trung-tam-bao-tro-xa-hoi-tong-hop-tinh-luon-tran-ngap-tieng-cuoi-noi-anh-thuy-hang.jpg
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các trẻ em yếu thế tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh luôn tràn ngập niềm vui. Ảnh: Thúy Hằng

Nhìn thấy năng lực ngoại ngữ cùng khả năng sư phạm của chàng trai nhỏ, chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Chủ nhiệm CLB Tiếng Anh cảm hứng cùng các thành viên trong CLB đã tin tưởng, tín nhiệm Minh cho vị trí Phó Chủ nhiệm CLB.

Chị Thủy cho hay: "Minh đã hỗ trợ rất nhiều trong dự án này. Nếu không có Minh, CLB không thể điều hành dự án dài hơi và tốt như hiện tại".

Phân bổ thời gian hợp lý là bí quyết để Minh có thể vừa hoàn thành tốt việc học tại trường, vừa tham gia hiệu quả hoạt động CLB và dự án cộng đồng. “Em luôn ưu tiên cho việc học đầu tiên. Trước khi tham gia các hoạt động bên ngoài nhà trường, em thường tập trung làm bài tập và ôn luyện ngay tại lớp để giảm tải lượng bài tập về nhà.

Ngoài ra, em cũng dành thời gian cho các sở thích cá nhân như: đọc sách khoa học hay xem phim, đọc truyện để nạp lại năng lượng”-Minh cho biết.

Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Minh bảo rằng, em chưa có sự lựa chọn rõ ràng nào về ngành nghề, chỉ kỳ vọng bản thân sẽ trở thành một người có ích cho xã hội.

Bên cạnh Minh, gia đình và thầy cô giáo cũng luôn ủng hộ và tin vào sự thiện lành của cậu trò nhỏ-tấm gương sáng của thế hệ trẻ Gia Lai biết sống trách nhiệm, cống hiến và lan tỏa những việc làm ý nghĩa cho cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa về trên lưng áo mẹ

(GLO)- Từ khi còn nhỏ, tôi đã có thói quen dậy sớm. Mỗi khi tiếng mấy con gà ở chái bếp cất lên, tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa, tôi lại nghe tiếng ho cố nén của mẹ. Lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Minh họa: H.T

Ký ức chợ quê

(GLO)- Khi tiếng gà gáy vang lên trên mái nhà, mẹ tôi vội trở dậy chuẩn bị ra chợ. Không chỉ riêng mẹ tôi, việc đi chợ lúc sáng sớm đã trở thành nếp quen của nhiều người dân quê.

Những lá đơn tình nguyện nhập ngũ

Những lá đơn tình nguyện nhập ngũ

(GLO)- Hàng năm, nhiều thanh niên trong tỉnh đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Với mong muốn góp một phần công sức vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, những lá đơn tình nguyện thể hiện ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước.

Khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên

Khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên

(GLO)- Trong chiến tranh, với khát vọng hòa bình, hàng triệu thanh niên xung phong ra chiến trường, hiến trọn tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thời bình, mỗi người trẻ lại mang khát vọng cống hiến trí tuệ, sức lực, của cải, tinh thần để đem đến điều tốt đẹp cho cộng đồng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đồ cũ

(GLO)- Có lẽ thuộc tuýp người hoài cổ nên tôi thường tiếc nuối những điều thuộc về xưa cũ. Đôi khi, không hẳn là những khắc khoải mơ hồ mà ám ảnh tôi bằng cả một vùng ký ức ắp đầy nhớ thương day dứt. Một ngày bất giác chạm vào, lòng lại chênh chao nhớ người, nhớ về một thời gian khó ngày xưa.