Ngày lễ Tình nhân không có hoa hồng
Vào một ngày trong tháng 12.2024, sau khi ăn tối, anh Trần Văn Lợi (25 tuổi), sinh sống tại Vĩnh Phúc, đang nằm nghỉ ngơi thì thấy khó thở. Sáng hôm sau anh Lợi đi khám bệnh thì được bác sĩ thông báo bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối. Trước đó sức khỏe anh Lợi bình thường, không có triệu chứng gì đặc biệt. "Khi được thông báo, mình còn không biết đây là bệnh gì", anh Lợi nói.
![Chị Phượng là hậu phương vững chắc cho anh Lợi yên tâm chữa bệnh Chị Phượng là hậu phương vững chắc cho anh Lợi yên tâm chữa bệnh](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a248b05dd599741887d348c87bb23b71cf4ce45dd744bd9a934f4a67df24a3a235c697b7c7aae9d23cbbe07163dc2311161f64d6379ba9792f47e2586e4338babd37ce2a358f72809219d134b07b38c70597f40d1faf985acb3dd41e294cfacd24f298784a55ac27df0eff35eaee37be0354/phuong-la-hau-phuong-vung-chac-cho-loi-yen-tam-chua-benhanh-nvcc-17394530647401863725955.jpg)
Dù có đang chịu đựng những đau đớn, anh vẫn yêu thương mình và con. Dù bao khó khăn, mình tin chỉ cần có nhau, mọi chuyện rồi sẽ vượt qua.
Chị TRẦN THỊ BÍCH PHƯỢNG, ngụ tỉnh Vĩnh Phúc
Sau khi được bác sĩ giải thích về căn bệnh suy thận mạn và phải lọc máu 3 lần/tuần, anh Lợi sốc, suy sụp. Vợ của Lợi, chị Trần Bích Phượng (25 tuổi), kể khoảnh khắc ấy chị bật khóc nức nở, ôm chầm lấy chồng. Từ ngày phát hiện ra bệnh, sức khỏe của anh Lợi yếu đi nhiều, có những ngày chỉ nằm một chỗ vì khó thở, bước xuống cầu thang cũng khó khăn. Anh Lợi từ trụ cột gia đình đã nghỉ làm cơ khí vì sức khỏe không cho phép.
3 tháng qua, chị Phượng thường xuyên vào viện để theo dõi quá trình lọc máu của chồng. Phượng cho biết chị đã quen với cảnh ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế nhựa ngoài hành lang bệnh viện, ánh mắt hướng về cánh cửa phòng lọc máu, nơi chồng chị đang trải qua những cơn đau đớn. "Có hôm đang lọc máu, máy có vấn đề khiến anh khó thở, co giật làm mình hốt hoảng", chị Phượng kể lại.
Từ khi anh Lợi phát bệnh, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ có nhiều sự thay đổi. Chị Phượng không còn thời gian cho bản thân, mọi năng lượng đều dồn cho chồng và con mới 18 tháng tuổi. Nhưng điều duy nhất giúp chị Phượng đứng vững chính là tình yêu dành cho chồng. "Dù có đang chịu đựng những đau đớn, anh vẫn yêu thương mình và con. Dù bao khó khăn, mình tin chỉ cần có nhau, mọi chuyện rồi sẽ vượt qua", chị Phượng nói.
Anh Lợi và chị Phượng gặp và yêu nhau từ 5 năm trước, khi cả 2 còn là sinh viên theo học tại TP.Hà Nội. Tháng 5.2022, cặp đôi kết hôn và có con sau đó không lâu. Những tưởng cặp đôi đã có được cuộc sống hôn nhân viên mãn thì biến cố bất ngờ ập tới.
Anh Lợi cho biết những mùa lễ Tình nhân trước không tặng hoa, mà đi ăn mì cay, món ăn yêu thích của chị Phượng. Valentine năm nay của anh Lợi và chị Phượng không còn sự lãng mạn như lúc mới yêu, mà là "vợ chồng nghĩa nặng tình sâu", cùng nhau vượt qua biến cố cuộc đời.
Không có khoảnh khắc lãng mạn nhưng là ngày tuyệt vời nhất
Tháng 12.2023, anh Nguyễn Đạt Chiến (26 tuổi) và chị Phí Trang (21 tuổi), sinh sống tại H.Quốc Oai, TP.Hà Nội, kết hôn sau 3 năm yêu nhau. Sau đám cưới 3 tháng, khi chị Trang đang mang thai thì biến cố bất ngờ ập đến.
![Anh Chiến là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chị Trang Anh Chiến là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chị Trang](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a248994de38e4cfcb9cd5a948cce24dcddc4fdff6e4ef6a8f04f01c49155024c3f1ecf8f81db60420e899c40f551ec4c0adffa281333e11ab5c18bf2722fbb232f9c3cda5145d46fd143b036dbff7648900929242c4c1fc8a906954314e6511effb2/chien-la-cho-dua-tinh-than-vung-chac-cho-tranganh-nvcc-1739453175101302966383.jpg)
Lúc đó, vợ chồng mình đều phải tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Mình tự an ủi rằng bản thân vẫn may mắn, còn lành lặn để gánh vác gia đình. Mình đã động viên bằng mọi cách để vợ yên tâm. Mình cũng tạm gác công việc và sẵn sàng bán tài sản nếu cần để lo cho vợ đến cùng. Vì mình tin rằng còn người là còn tất cả và ở tuổi 26, vẫn còn nhiều cơ hội để làm lại.
Anh NGUYỄN ĐẠT CHIẾN, ngụ H.Quốc Oai, TP.Hà Nội
"Sáng hôm đó, Trang bất tỉnh trong nhà vệ sinh. Gia đình vội đưa vào viện rồi chuyển tuyến trên. Bác sĩ chẩn đoán Trang bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh. Trước đó, Trang thường đau đầu, sức khỏe giảm sút nhưng mọi người nghĩ do mang thai", anh Chiến kể lại.
Bác sĩ xác định não của chị Trang không còn sự sống, chỉ còn tim đập, tiên lượng xấu; dù mổ thành công, nguy cơ sống thực vật vẫn rất cao. "Đó là khoảnh khắc làm mình đau đớn nhất, khi vợ từ một người khỏe mạnh bỗng chốc có nguy cơ đối mặt với cảnh tàn tật suốt đời. Đau lòng hơn là còn đứa bé trong bụng vì vợ thì phải dùng thuốc nặng", anh Chiến nói.
Nhưng cuối cùng, anh Chiến ký giấy phẫu thuật, chấp nhận bước vào hành trình gian nan cùng vợ. Ca mổ thành công, chị Trang tỉnh lại sau một ngày nhưng bị liệt nửa người trái, cần thời gian dài tập luyện. Khi ấy, chị đang ở những tháng cuối thai kỳ, bụng lớn, sức yếu, khiến việc phục hồi càng khó khăn.
"Lúc đó vợ chồng mình đều phải tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Mình tự an ủi rằng bản thân vẫn may mắn, còn lành lặn để gánh vác gia đình. Mình đã động viên bằng mọi cách để vợ yên tâm. Mình cũng tạm gác công việc và sẵn sàng bán tài sản nếu cần để lo cho vợ đến cùng. Vì mình tin rằng còn người là còn tất cả và ở tuổi 26, vẫn còn nhiều cơ hội để làm lại", anh Chiến nói thêm.
Mỗi ngày từ 7 - 22 giờ, anh Chiến luôn túc trực bên vợ, hỗ trợ tập luyện, chăm sóc ăn uống, vệ sinh. Nhờ sự chăm sóc tận tình, sau 21 ngày, chị Trang bắt đầu có cảm giác ở phần cơ thể bị liệt. Đến ngày 43, chị có thể ngồi ăn cơm cùng gia đình.
Sau hơn 90 ngày xảy ra biến cố, chị Trang hạ sinh con trai đầu lòng. Bé trai được đặt tên ở nhà là Gấu, trở thành niềm hạnh phúc lớn nhất của cả hai vợ chồng sau hành trình đầy gian nan. Sau tất cả, anh Chiến chỉ muốn nhắn nhủ vợ: "Tương lai của gia đình mình còn rất sáng, chỉ cần vượt qua giai đoạn này mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn".
Dù không có những khoảnh khắc lãng mạn, nhưng trong mắt anh Chiến, ngày lễ Tình nhân năm nay lại là ngày tuyệt vời nhất. Bởi trong thử thách, tình yêu giữa anh và chị Trang càng thêm bền chặt. Anh chỉ muốn vợ biết rằng anh sẽ luôn ở bên, không chỉ trong những ngày tháng đầy gian nan này, mà suốt cả quãng đường dài phía trước.
Sự hồi phục của chồng là món quà lớn nhất
Chị Nguyễn Hoàng Lệ My (36 tuổi, quê Đồng Tháp), đã cùng chồng là anh Jeong Yeon Hong (người Hàn Quốc, cả 2 đang sinh sống tại TP.Busan, Hàn Quốc), đối mặt với bi kịch lớn khi anh gặp tai nạn chấn thương sọ não nghiêm trọng vào năm 2023, với tỷ lệ sống chỉ 1%.
![Chị My mong chồng hồi phục từng ngày Chị My mong chồng hồi phục từng ngày](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a248da1ef4a8112da4de5fcfdf30ce48fac728c939096d00dcfdc8eb4e1f49bea2363fa0d73924a55bf8f3aae2680a79690c45fa5381f2307cefcfa607190bb737885e53a024ff5e1b16ba6e06ef4c7b0d8662a2d6350900a1ad0c62346a1227f5ea/chi-my-mong-chong-hoi-phuc-tung-ngayanh-nvcc-17394532804641203209060.jpg)
Ngày lễ Tình nhân năm nay không còn là một ngày lãng mạn như những năm trước, thay vào đó là một dịp đặc biệt, tràn đầy tình yêu thương và hy vọng. Dù không thể cùng chồng đi dạo hay thưởng thức bữa tối lãng mạn như những cặp đôi khác, nhưng mình lại có một niềm hạnh phúc riêng, được nhìn thấy chồng từng bước hồi phục sau tai nạn nghiêm trọng.
Chị NGUYỄN HOÀNG LỆ MY (36 tuổi, quê Đồng Tháp)
Cuối tháng 9.2023, sau khi đi dự tiệc với đồng nghiệp, anh Yeon Hong về nhà bằng tàu điện ngầm. Anh bị trượt té ở ga tàu và chấn thương sọ não, phải cấp cứu trong đêm. "Trước khi bị tai nạn, anh còn gọi điện đùa giỡn với vợ. Mình như chết lặng khi biết tin dữ", chị My nói.
Chị My kể sau ca phẫu thuật gấp, bác sĩ thông báo gia đình chuẩn bị hậu sự bởi khả năng hồi phục gần như bằng không. Cả gia đình suy sụp nhưng chỉ có chị My là không chấp nhận. "Khi nào thấy sự sống của chồng chấm dứt trước mắt, mình mới bỏ cuộc", chị My nói.
Đêm đó, chị My thức trắng đến 10 giờ sáng hôm sau, không ăn uống. Gia đình đã có ý định lo hậu sự cho anh Yeon Hong, nhưng chị My thuyết phục mọi người chờ thêm nữa. Vài ngày sau, anh Yeon Hong có tín hiệu đáng mừng, mở mắt, vài ngón tay cử động nhẹ, chị My như vỡ òa, khóc nức nở.
Sau những nỗ lực không ngừng, sức khỏe của anh Yeon Hong dần hồi phục. Bác sĩ chẩn đoán những tín hiệu đáng mừng, khi tay anh đã cử động được, mắt linh hoạt hơn và hồi phục nhận thức.
"Ngày lễ Tình nhân năm nay không còn là một ngày lãng mạn như những năm trước, thay vào đó là một dịp đặc biệt, tràn đầy tình yêu thương và hy vọng. Dù không thể cùng chồng đi dạo hay thưởng thức bữa tối lãng mạn như những cặp đôi khác, nhưng mình lại có một niềm hạnh phúc riêng, được nhìn thấy chồng từng bước hồi phục sau tai nạn nghiêm trọng", chị My tâm sự.
Chị My dự định dành cả ngày chăm sóc anh Yeon Hong, giúp anh luyện tập các bài vật lý trị liệu, hỗ trợ từng động tác nhỏ. Trong suốt thời gian ở bên chồng, chị không ngừng nói những lời động viên, kể về cuộc sống, những kỷ niệm đẹp của hai người. Mỗi lần anh Yeon Hong đáp lại bằng ánh mắt hiểu ý hay cử chỉ nhỏ, chị My lại cảm thấy trái tim mình ấm áp hơn bao giờ hết. Đó là những khoảnh khắc mà không có gì quý giá hơn với chị My.
Theo Nguyễn Điền Thái Phúc (TNO)