Cấp phép và quản lý trật tự xây dựng: Nhiều vướng mắc, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, việc cấp phép và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số bất cập, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ kịp thời.

Nhiều tồn tại, bất cập

Từ ngày 23 đến 31-3, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế và giám sát trực tiếp việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động cấp giấy phép xây dựng (GPXD), quản lý trật tự xây dựng tại Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và một số huyện, thị xã, thành phố. Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý nhà nước về cấp GPXD, quản lý trật tự xây dựng thời gian qua được ngành chức năng, UBND cấp huyện thực hiện đúng quy định của pháp luật và theo phân cấp của UBND tỉnh. Trong 2 năm (2020-2021), toàn tỉnh đã cấp 5.626 GPXD, các hồ sơ được tiếp nhận và cấp GPXD đảm bảo theo quy định của pháp luật.

 Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh họp tổng kết đợt giám sát về cấp phép và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quang Tấn
Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh họp tổng kết đợt giám sát về cấp phép và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quang Tấn


Bên cạnh những mặt đạt được, hoạt động cấp GPXD, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Qua hậu kiểm, ngành chức năng đã phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc cấp GPXD cũng như các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Nhiều địa phương còn chậm trễ trong việc hoàn thành công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 44/QĐ-UBND của UBND tỉnh, chưa lập quy chế quản lý kiến trúc nên gây khó trong việc cấp GPXD và quản lý trật tự xây dựng. Cơ quan thẩm định cấp GPXD chưa xem xét hết các yếu tố về năng lực của các đơn vị tham gia thực hiện dự án (chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân, nhiều trường hợp mượn tên để thiết kế nhà ở tư nhân nhưng không được kiểm soát) và các kết quả tính toán kết cấu; vẫn còn hồ sơ cấp GPXD trễ hạn. Việc phối hợp giữa các ngành và địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; việc lập thủ tục xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở một số địa phương chưa dứt điểm. Tình trạng chậm nộp phạt và khắc phục hậu quả của các cá nhân sau khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt còn xảy ra nhưng việc đôn đốc, nhắc nhở chưa thực hiện thường xuyên, nhất là trên địa bàn TP. Pleiku.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku-lý giải: Hoạt động mua bán, sang nhượng quyền sử dụng đất đối với các thửa đất đang vi phạm và xử lý về trật tự xây dựng chưa được cung cấp thông tin cho địa phương cũng như các cơ quan liên quan, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý và khắc phục hậu quả. Một số xã, phường thực hiện chưa nghiêm, chưa chủ động, thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Công tác phối hợp giữa Đội kiểm tra quy tắc quản lý đô thị với UBND các xã, phường còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng công trình hoàn thành mới phát hiện vi phạm, gây khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả.

Theo ông Lý Tấn Toàn-Phó Giám đốc Sở Xây dựng, các quy định pháp luật về quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở nông thôn còn bất cập, chưa đảm bảo tính răn đe; thiếu văn bản quy phạm hướng dẫn liên quan đến một số nội dung như: chuyển đổi công năng sử dụng từ nhà ở sang hoạt động sản xuất kinh doanh nhà hàng, karaoke, nhà nuôi yến… gây khó khăn trong công tác kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng từ cấp tỉnh đến cơ sở còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng của người dân ở một số nơi chưa cao; công tác kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự xây dựng của UBND cấp huyện, xã chưa thường xuyên; việc kiểm tra và xử lý cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng chưa thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, việc kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn có nơi chưa kịp thời, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa dứt điểm.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát thực tế một số công trình xây dựng trên địa bàn phường An Tân (thị xã An Khê). Ảnh: Quang Tấn
Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát thực tế một số công trình xây dựng trên địa bàn phường An Tân (thị xã An Khê). Ảnh: Quang Tấn



Cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Để hoạt động cấp GPXD và quản lý trật tự xây dựng đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, theo ông Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh: Sở Xây dựng cần sớm ban hành “Sổ tay hướng dẫn cấp GPXD và quản lý trật tự xây dựng”, trong đó, hướng dẫn cụ thể các trình tự, thủ tục cấp GPXD công trình, nhà ở và dẫn chiếu các quy định về hành vi vi phạm pháp luật về sai phép, không phép, điều khoản xử lý. Tăng cường công tác thanh-kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội, ngân sách nhà nước. Đồng thời, hướng dẫn thủ tục, biện pháp tháo gỡ vướng mắc, chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong công tác cấp GPXD để hoạt động xây dựng đi vào nền nếp. Sở Xây dựng và UBND cấp huyện cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ phù hợp cho các cán bộ, công chức về công tác cấp GPXD và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Quán cà phê Thông Farm & Bistro (hẻm 466 Lê Thánh Tôn, phường Hội Phú, TP. Pleiku) bị yêu cầu tháo dỡ vì xây dựng nhiều công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Ngọc
Quán cà phê Thông Farm & Bistro (hẻm 466 Lê Thánh Tôn, phường Hội Phú, TP. Pleiku) bị yêu cầu tháo dỡ vì xây dựng nhiều công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Ngọc

Trong 2 năm (2020-2021), ngành chức năng và UBND cấp huyện đã phát hiện 348 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện 39 trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của cấp huyện; Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phát hiện và xử lý 5 trường hợp tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; UBND cấp huyện phát hiện và xử lý 304 trường hợp.
 

Kết luận qua đợt giám sát về hoạt động cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, ông Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 7-1-2019 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; Quy chế quản lý kiến trúc nhằm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế tại địa phương. Trong quá trình phân quyền, phân cấp phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được sửa đổi, bổ sung năm 2019). Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh việc hoàn thiện công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để làm cơ sở cấp GPXD và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về cấp GPXD và quản lý trật tự xây dựng; đảm bảo việc xây dựng phải tuân thủ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện cần tập trung chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn lập kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm đối với hoạt động cấp GPXD và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.

“Đặc biệt, ngành chức năng, UBND cấp huyện, xã cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Thường trực HĐND cấp huyện cần tăng cường tổ chức giám sát công tác quản lý nhà nước về hoạt động cấp GPXD và quản lý trật tự xây dựng nhằm kịp thời chấn chỉnh và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác này tại địa phương. Đồng thời, UBND cấp huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động cấp GPXD và quản lý trật tự xây dựng, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của người dân, ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển”-Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị.

 

 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.