Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Nhiều kết quả tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được các ngành, địa phương quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực.

Huyện Chư Păh là một trong những địa phương đạt tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cao, chiếm trên 96,46% diện tích cần cấp. Ông Hoàng Anh Tuệ-Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Păh-cho biết: Để đạt được kết quả này, ngoài nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của tập thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị còn có sự quan tâm hỗ trợ kinh phí từ UBND huyện. Theo đó, từ năm 2014 đến năm 2019, UBND huyện đã cấp hơn 14 tỷ đồng để đo đạc và cấp giấy CNQSDĐ tập trung cho 11 dự án tại 2 thị trấn và 9 xã trên địa bàn. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm, huyện còn cấp từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để Chi nhánh xây dựng phương án đo đạc và cấp lẻ giấy CNQSDĐ cho người dân.

 Người dân huyện Phú Thiện làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Hồng Thương
Người dân huyện Phú Thiện làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Hồng Thương


Bà Nguyễn Thị Hương (tổ 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) cho hay: “Gia đình tôi có 2 lô đất. Nhờ được cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện hướng dẫn, tôi làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ rất thuận lợi. Có giấy này, tôi sẽ vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập cho gia đình”.

Tương tự, tính đến ngày 20-11-2021, huyện Phú Thiện đã cấp 72.003 giấy CNQSDĐ với diện tích 23.950,77 ha (chiếm 90,16% diện tích cần cấp). Trưởng phòng TN-MT huyện Nguyễn Minh Đăng cho hay: Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập tổ công tác gồm Phòng TN-MT, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, Chi cục Thuế và UBND các xã, thị trấn hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân trong việc đăng ký; đồng thời, thành lập tổ công tác xuống từng địa bàn thôn, làng, tổ dân phố để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện; tổ chức đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân. “Với quan điểm dễ làm trước, khó làm sau, chúng tôi đã phối hợp rà soát, tổng hợp và triển khai thực hiện trước đối với các hồ sơ có nguồn gốc, loại đất không vướng mắc về thủ tục. Đối với các hồ sơ còn vướng mắc, chúng tôi tổng hợp xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để có hướng giải quyết”-Trưởng phòng TN-MT huyện nêu kinh nghiệm.

Theo ông Văn Anh Việt-Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính và Thống kê (Sở TN-MT), lũy kế đến ngày 20-11-2021, toàn tỉnh đã cấp 827.150 giấy CNQSDĐ với diện tích 412.765 ha (chiếm gần 95,3% diện tích cần cấp). Việc thực hiện tiếp nhận, trả kết quả trong công tác cấp giấy CNQSDĐ thời gian qua đã được luân chuyển qua hệ thống theo quy trình một cửa điện tử nên hồ sơ giải quyết nhanh gọn, không có tình trạng thất lạc. Việc thực hiện và phối hợp theo cơ chế liên thông, một cửa đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan liên quan trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời đảm bảo các thủ tục được thực hiện song song, đồng bộ, chặt chẽ, chính xác và đúng quy định.

Cũng theo ông Việt, công tác cấp giấy CNQSDĐ trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số khó khăn. Để góp phần hoàn thành công tác cấp giấy CNQSDĐ lần đầu, tới đây, Sở TN-MT sẽ thường xuyên kiểm tra tình hình xử lý hồ sơ của các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nhằm có những chỉ đạo kịp thời; thường xuyên rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; xác định rõ lộ trình bố trí kinh phí và thứ tự ưu tiên đối với các địa phương cần hỗ trợ kinh phí đo đạc, đảm bảo việc đo đạc hoàn thành theo từng địa giới hành chính, không dàn trải và kéo dài. Ngoài ra, Sở đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính toàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch công tác quản lý đất đai tại địa bàn, góp phần kêu gọi đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư.

“Sở TN-MT cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện kê khai đăng ký đất đai lần đầu theo quy định; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp về đo đạc, đăng ký, cấp giấy CNQSDĐ nhằm hoàn thành công tác cấp giấy CNQSDĐ lần đầu, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính làm cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai”-ông Việt thông tin thêm.

 

 HỒNG THƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.