Liên Hiệp Quốc ngày 26-1 kêu gọi các nước Đông Phi hành động ngay lập tức trước dịch cào cào, châu chấu tàn phá mùa màng, đe dọa an ninh lương thực ở các quốc gia vốn nạn đói đang hoành hành.
Châu chấu dày đặc khiến người ta không thể mở mắt nhìn - Ảnh EPA
Đây là nạn cào cào, châu chấu tồi tệ nhất ở Kenya trong 70 năm qua. Hàng trăm triệu con côn trùng tràn vào quốc gia này từ các nước lân cận là Somalia và Ethiopia.
Đối với Somalia và Ethiopia, hai quốc gia này chưa từng bị phá hoại thế này trong ít nhất 25 năm qua.
Ndunda Makanga, một nông dân Kenya, cho biết: "Ngay cả những con bò cũng ngỡ ngàng trước những gì đang xảy ra. Cào cào, châu chấu chén sạch tất cả mọi thứ, từ bắp, đậu, cao lương".
David Phiri, chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo: Đến tháng 3 tới, khi có mưa, thời điểm nông dân bắt đầu trồng rau ở Đông Phi, lượng cào cào châu châu có thể tăng lên gấp 500 lần trước khi thời tiết mùa khô tháng 6 làm giảm tốc độ sinh sản và lan tràn của chúng. "Chúng ta phải hành động ngay lập tức", ông kêu gọi.
Theo Liên Hiệp Quốc, cần khoảng 70 triệu USD để đẩy mạnh việc phun thuốc trừ sâu từ trên không, cách hiệu quả duy nhất để chống lại dịch cào cào, châu chấu.
Việc này là không dễ dàng tiến hành triệt để, đặc biệt là ở Somalia, do một số khu vực của nước này đang nằm trong tay nhóm vũ trang cực đoan al-Shaidab, có liên hệ với Al-Qaeda
Jens Laerke, văn phòng nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Geneva cho biết: Chỉ một đàn cào cào, châu chấu nhỏ cũng có thể ăn sạch một lượng lương thực đủ cho 35.000 người một ngày.
Theo báo Anh The Guardian, nông dân thậm chí không dám thả gia súc ra ngoài ăn cỏ. Dù bị thiệt hại nặng nhưng họ gần như không thể làm gì.
Kipkoech Tale, chuyên gia kiểm soát dịch hại di cư của Bộ Nông nghiệp Kenya, cho biết: "Tình hình rất căng. Khoảng 70.000 ha đất trồng trọt của Kenya đã bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã phun thuốc diệt 20 đàn và vẫn còn nhiều đàn khác nữa. Và nhiều đàn hơn nữa đang bay đến. Một bầy có thể có tới 150 triệu con cào cào, châu chấu trên một kilômét vuông.
Một đàn đặc biệt lớn đang hoành hành ở vùng đông bắc Kenya trên một diện tích 2.400 km2.
Kenya cần nhiều thiết bị phun để trang bị cho bốn máy bay phun thuốc diệt côn trùng. Ethiopia cũng huy động bốn máy bay cho cuộc chiến chống cào cào, châu chấu.
Các nước cần một số lượng thuốc trừ sâu lớn tức thì.
Từ người dân đến chuyên gia nông nghiệp các cấp, ai cũng thừa nhận chưa từng thấy nhiều cào cào, châu chấu phá hoại đến thế. Chúng ăn sạch mọi thứ từ nông sản cho người đến thức ăn cho gia súc. Chúng cũng đẻ nhiều trứng và bắt đầu thế hệ tiếp theo.
Nhà khoa học về khí hậu Abubakr Salih Babiker ở Nairobi cho biết: "Sự thay đổi về khí hậu đã tạo nên những điều kiện đặc biệt cho cào cào, châu chấu sinh đẻ. Di chuyển theo chiều gió, đàn côn trùng có thể bay khoảng 150km/ngày. Chúng hiện đang di chuyển đến Uganda và Nam Sudan, đất nước non trẻ với gần một nửa dân đối mặt với nạn đói do nội chiến.
Uganda chưa từng bị dịch cào cào, châu chấu từ những năm 1960 và hiện đang được báo động về tình hình.
Nông dân dễ dàng mất trắng trước nạn dịch này. Trước khi có dịch cào cào, châu chấu hiện nay, gần 20 triệu người dân ở Đông Phi đã gặp khó khăn về lương thực do tình hình hạn hán và lụt lội ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp trong khu vực.
Châu chấu nằm đặc kín mặt đất ở Enziu, gần thủ đô Nairobi của Kenya. Dịch châu châu đã diễn ra từ tháng 12-2019 ở Kenya - Ảnh: EPA
Một trời châu chấu trên cánh đồng của những nông dân may mắn thu hoạch trước khi đàn châu chấu, cào cào tràn tới - Ảnh: EPA
Châu chấu quá dày đặc khiến người ta không thể mở mắt nhìn - Ảnh EPA
Cào cào, châu chấu bay rợp trời ở Ololokwe, hạt Samburu - Ảnh: EPA
Châu chấu sa mạc đậu trên cây ở Lekiji, ở Đông Samburu - Ảnh: EPA
Hồng Vân (TTO)