Cánh đồng hoa tím và truyền thuyết khởi sinh tộc người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ dịp Tết nguyên đán 2017, cánh đồng lúa thuộc xã Băng A Drênh, huyện Krông Ana, Đắk Lắk bỗng nhiên xuất hiện một loài hoa dại nhuộm tím cả vùng trời thu hút hàng nghìn bạn trẻ từ nhiều nơi đổ về tham quan, chiêm ngưỡng. Ít ai biết rằng, ẩn sau cánh đồng hoa tím tuyệt đẹp ấy là một truyền thuyết khởi sinh ra loài người được đồng bào Ê đê lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Quà bất ngờ từ mẹ thiên nhiên

 

Cánh đồng hoa tím thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến.
Cánh đồng hoa tím thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến.

Gần một tháng nay, khu đầm lầy thuộc thôn 10, xã Băng A Drênh bung nở bạt ngàn hoa tím khiến nhiều bạn trẻ tìm đến để lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Bạn Đỗ Uyên Như, ở thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: Mình biết đến cánh đồng hoa tím từ đầu năm 2017 nhưng chưa có dịp đến. Qua mạng xã hội biết hoa tím nở lại nên một mình phóng xe hơn 40 cây số đến tận nơi chiêm ngưỡng. Nhìn, ngắm, cảm nhận hoa trực tiếp thấy đẹp hơn trong ảnh nhiều. Những tia nắng ban mai soi chiếu xuống làn nước trong veo làm cho sắc tím thêm mờ mờ ảo ảo hút hồn bao du khách thưởng ngoạn. Mong sao loài hoa này sẽ mãi khoe sắc để nhiều người có cơ hội thưởng thức vẻ tinh khôi giữa cánh đồng quê thanh bình.

Anh Lê Tất Ân, nhà ở thôn Ea Brin, xã Băng A Drênh - đối diện cánh đồng hoa tím cho biết, hoa mọc ở khu đầm này mới là một phần rất nhỏ so với cánh đồng rộng hơn 6 héc ta nhuộm nguyên một màu tím rịm khiến cộng đồng mạng phát “sốt” hồi đầu năm. Anh kể: Năm 1994 khi anh đặt chân đến, cánh đồng này chỉ là một vùng đất trũng, nước ngập quanh năm, cây cối um tùm. Sau đó, đồng bào Ê đê ở buôn K62 khai phá dần để trồng lúa nước. Sau vụ thu hoạch Đông Xuân (tầm tháng 12 dương lịch), ruộng đồng còn ẩm ướt là thời điểm thích hợp cho loài hoa tím mọc. Cây nở hoa kéo dài tới tháng Tư khi người dân cày xới, chuẩn bị cho mùa vụ mới.

Đây là loài hoa dại, thân cây nhỏ, cao khoảng 25 -30 cm, lá có cuống ngắn, bông màu tím dài như đuôi chồn tí hon. Dân bản địa thường gọi là cây ngọ đất. Khách đến tham quan đặt tên là hoa kỳ lân, hoa oải hương… Cũng có người gọi bằng cái tên dung dị “hoa tím”. Mọi năm hoa mọc lưa thưa, năm nay do thời tiết thay đổi nên hoa mọc dày đặc, tím cả cánh đồng. Sau vài bức ảnh tự sướng đăng lên mạng, ngày càng có nhiều người đến chụp ảnh. Ngày thưa vài chục người, lúc đông nhất lên đến hàng trăm lượt. Có người đến đơn thuần để ngắm hoa nhưng cũng lắm người thiếu ý thức giẫm đạp tạo dáng, nhổ cả gốc chỉ để chụp cho được tấm hình ưng ý khiến loài hoa đang nở đẹp phút chốc trở nên bầm dập hoang tàn.

 

Hoa tím mờ mờ ảo ảo dưới ánh nắng ban mai.
Hoa tím mờ mờ ảo ảo dưới ánh nắng ban mai.

Anh Đào Đức Hiệp (huyện Krông Ana), một trong những người đầu tiên phát hiện, chia sẻ hình ảnh cánh đồng hoa lên mạng xã hội bày tỏ sự tiếc nuối: Thấy hoa đẹp và lạ nên mình chia sẻ với mong muốn nhiều người biết đến cảnh đẹp tự nhiên của quê hương. Không ngờ một số người thiếu ý thức đến phá khiến hoa trơ trụi. Cũng là hai nhóm đi vào đó chơi, chụp hình, nhóm thì đứng trên bờ chụp, vui chơi, dọn rác, nhóm còn lại vô tư phi xuống đầm ngắt hoa, nhổ gốc chụp ảnh tự sướng đủ kiểu khiến mình cảm thấy hối hận khi chia sẻ hình ảnh cánh đồng hoa tím này lên mạng.

Để tránh trường hợp giẫm đạp lên hoa mà vẫn đáp ứng được nhu cầu chụp ảnh lưu niệm của du khách, anh Ân dự định sau khi thu hoạch lúa xong sẽ khoanh vùng khoảng 5-6 sào đất, lên luống, tưới nước cho hoa nở đều và đắp một con đường nhỏ cho khách tiện lui tới. Cách làm này vừa tạo nên một địa điểm tham quan thú vị, vừa giúp anh có thêm thu nhập từ việc bán nước dạo, vẹn cả đôi đường.

Truyền thuyết khởi sinh loài người…

Đến thăm cánh đồng hoa tím, chúng tôi được già làng Y Nuốt Niê (72 tuổi, ở buôn K62) kể truyền thuyết đầy huyền bí về nguồn gốc xuất hiện tộc người Ê đê. Già Y Nuốt cho biết thuở nhỏ được ông bà kể rằng: Từ rất xưa, nơi cánh đồng hoa tím hiện giờ là một vùng đất trũng hoang vu rộng cả trăm mẫu. Ở giữa có một hồ lớn, xung quanh có rất nhiều cây đa, cây sao, bằng lăng bao bọc. Cạnh hồ có một hang đá màu đen sẫm, cao khoảng nửa mét, rộng bằng sải tay người trưởng thành. Một ngày nọ, trời bỗng dưng tắt nắng, gió thổi ào ào, mây đen ùn ùn kéo đến làm rung chuyển cả vùng đất. Từ trong hang, 4 dòng họ của người Ê đê lần lượt chui ra: họ Ayun, Êban, Mlô, H’ Drue. Hang được đặt tên là Băng A Drênh. Băng: tiếng Ê đê có nghĩa là cái hang; A Drênh là tên của người con gái đầu tiên chui ra khỏi hang như vai trò dẫn đầu, thủ lĩnh. Truyền thuyết phần nào lý giải chế độ mẫu hệ của người Ê đê. Từ đó trở đi, người Ê đê xem hang đá là tổ tiên của mình. Điều kỳ diệu là từ ngày đó có một giống hoa dại cứ mãi tím biếc, sắt son trải dài lan tỏa quanh nơi khai sinh 4 dòng họ người Ê Đê.

 

Bà H’ Nơm H’ Drue người duy nhất của dòng họ H’ Drue được giao quyền cúng tế.
Bà H’ Nơm H’ Drue người duy nhất của dòng họ H’ Drue được giao quyền cúng tế.

Hàng năm cứ vào tháng 3 - 4 Âm lịch, 4 dòng họ lại thay nhau làm lễ cúng tế, cầu cho sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ vật dâng tế gồm: Một cây nêu to cắm trước miệng hang, một con trâu trắng, 7 ché rượu cần, 7 gùi gạo tẻ và các vật dụng lao động. Khi thầy cúng đọc lời khấn cầu thần linh, mở đầu nghi thức cúng, con trâu trắng được làm thịt để dâng tế. Sau đó thầy cúng lấy tiết trâu bôi vào tay rồi đưa vào trong miệng hang đá khoảng 10 phút thì lấy ra. Trong hang sẽ có con vật bí ẩn ăn phần tiết. Nếu con vật ăn phần tiết ở đầu đốt ngón tay thì khi dân làng vừa uống rượu, ăn thịt xong trời sẽ xuất hiện mưa; còn nếu con vật ăn ở phần 2 đốt tay thì khi dân làng về đến nhà mới có mưa; nếu tiết bị ăn ở lòng bàn tay thì sau lễ cúng 2-3 ngày trời mới đổ mưa. Lúc thầy cúng đọc lời khấn, nếu có con vật nhỏ như con ong hoặc con bù mắt bay ngang qua mặt thì lễ cúng coi như thất bại, thần linh sẽ không nghe được lời nguyện cầu của dân làng. Trong quá trình dâng lễ, người trẻ không được lại gần hang đá. Nếu phạm điều cấm ky đó, sau này lập gia đình sẽ không sinh được con.

Cứ thế, lễ cúng được duy trì hết đời này qua đời khác một cách chu tất, linh thiêng nên dân làng no ấm… Có chuyện rằng , đến lượt dòng họ nọ tổ chức nhưng chỉ làm một lần rồi bỏ. Họ lấp hang lại và trồng lúa, ngô, khoai, sắn để lo cho cái bụng. Từ đó tai ương ập đến buôn làng. Bà H’ Nơm H’ Drue (52 tuổi) - người duy nhất của dòng họ H’ Drue được giao quyền cúng tế lý giải rằng: Thời bố mẹ bà lễ cúng vẫn được thực hiện nhưng khi chiến tranh ập đến, dân làng ly tán. Khi trở về, cây cối bị tàn phá, hang đá biến mất, những người biết cúng tế về với Yàng (thần linh) lại thêm cuộc sống khó khăn nên phong tục cúng lễ không còn được duy trì. “Mẹ  bảo, hang đá đó linh lắm. Mỗi khi gặp hạn hán, dân làng lại đem lễ vật như trâu, bò, lợn, gà đến nhờ gia đình bà mang ra hang đá khấn. Ngay sau đó, trời lập tức ban mưa giải hạn giúp buôn làng. Nay mọi thứ đổi thay, các tập tục xưa cũ mai một dần. Giờ bà chỉ kể lại cho con cháu biết nguồn cội của dòng họ mình, đồng thời giáo dục tình đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa các dân tộc anh em” - bà H’ Nơm bày tỏ.

Chưa đầy hai tháng nữa, cánh đồng lúa Băng A Drênh sẽ được thu hoạch nhường chỗ cho loài hoa tím khoe sắc. Thêm truyền thuyết vì nơi khởi sinh nguồn gốc một tộc người càng làm cho cánh đồng trở nên ly kỳ, hấp dẫn níu chân bao khách phương xa.

Huỳnh Thúy/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.