Chúng ta vừa bước vào nửa còn lại của năm 2020 với hành trang khiêm tốn nhưng lạc quan: tăng trưởng kinh tế 1,81%. Khiêm tốn bởi đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Lạc quan bởi tăng trưởng kinh tế thế giới đang suy thoái rất nặng, nặng nhất từ lúc khủng hoảng kinh tế năm 1929 - 1933. IMF đã thay đổi dự báo theo chiều hướng tiêu cực từ chỗ dự báo thế giới âm (-) 3%, nay là -4,9%.
Các đối tác kinh tế lớn của chúng ta đều dự báo giảm mạnh (Mỹ -8%, khu vực đồng euro -10,2%, Nhật -5,8%, Hàn Quốc -2,5%...). Việt Nam nhắm tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 4% trong khi phía trước còn ngổn ngang, vì vậy cần có gói hỗ trợ mới.
Cả cộng đồng doanh nghiệp đang gặp khó. Gói hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thuế đã đi một chặng đường. Nhưng vẫn có đến 29.200 doanh nghiệp (không tính số giải thể), trong đó TP.HCM là 8.300 doanh nghiệp, tạm ngưng hoạt động. Phải tìm ra nguyên nhân, tiến hành cấp cứu, chữa trị để đưa số doanh nghiệp này trở lại hoạt động. Vì vậy, cần phải đánh giá gói hỗ trợ về thuế, vốn ngân hàng hiệu quả đến đâu, điểm nào phát huy, cần khắc phục gì. Trên cơ sở đó đưa ra gói hỗ trợ mới.
Ưu tiên hàng đầu của gói hỗ trợ mới là bảo vệ thị trường nội địa 100 triệu dân, bằng mọi cách không để dịch quay lại. Ngành y tế phải có kịch bản tốt nhất như đã từng làm, không để xảy ra lây nhiễm lần 2. Kinh nghiệm những tháng sau giãn cách xã hội cho thấy doanh nghiệp hoạt động được là nhờ thị trường nội địa.
Không chỉ bảo vệ thị trường này khỏi dịch bệnh mà còn phải nuôi dưỡng, kích thích người dân tiêu xài. Có thể nghiên cứu giảm thuế giá trị gia tăng cho người dân. Đặc biệt là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để tiêu thụ được nhiều vật tư, hàng hóa hơn.
Cần kết hợp giữ vững thị trường với tiếp sức cho doanh nghiệp. Với doanh nghiệp làm ăn có lãi trong năm 2019, nay gặp khó khăn ngưng hoạt động thì Nhà nước nên thoái 30 - 50% số thuế thu nhập mà doanh nghiệp đã nộp.
Vừa qua, Quốc hội có thông qua nghị quyết giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỉ đồng. Nhưng thẳng thắn rằng, năm 2020 phía trước còn đầy khó khăn, doanh nghiệp có lãi là "anh hùng". Có lẽ sẽ không có nhiều "anh hùng" như thế. Vì thế, không hẳn doanh nghiệp nào cũng được giảm thuế.
Trong khi thực tế nhiều doanh nghiệp cần trợ giúp. Vì vậy mới cần đến hồi tố. Năm 2019 là năm có nhiều thuận lợi, số doanh nghiệp có lãi cũng nhiều, hoàn lại tiền thuế đã nộp năm 2019 là đặt trợ giúp đúng người đúng nơi, nhất là với các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch, vận tải...
Chúng ta tạm yên ổn nhưng các đối tác kinh tế trên thế giới phải vật lộn với dịch. Mà như vậy, cơ hội làm ăn chưa thể "hanh thông". Trong khi đó cũng sắp hết thời gian hoãn, giãn tiền thuế, tiền thuê đất. Vì vậy, phải sớm tiếp tục cho giãn, hoãn nộp số tiền này ra đến cuối năm, thay vì chỉ có 5 tháng, tức đến hết tháng 10. Phải tính sớm, nếu không, đến hạn doanh nghiệp còn khó vẫn phải xoay tiền trả nợ thuế, tiền thuê đất, cực kỳ khó.
Ngay lúc này cũng cần có hỗ trợ không chỉ tạo ra hiệu quả trước mắt mà còn khích lệ lâu dài, đó là tiếp sức cho các doanh nghiệp làm được hàng thay thế nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, các doanh nghiệp công nghệ... Một mũi tên trúng hai đích. Nền kinh tế đang cần sự chuyển dịch này. Làm bài bản, sau này chúng ta bớt phụ thuộc vào bên ngoài và chuyển sang kinh tế dịch vụ, kinh tế số...
Có gói hỗ trợ thứ 2 chính là tiếp sức để doanh nghiệp trụ lại cho đến giai đoạn "hậu COVID-19".
Theo TRẦN HOÀNG NGÂN (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
(Dẫn nguồn TTO)