Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Sau khi dịch được khống chế, các doanh nghiệp đã nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh. Cùng các gói hỗ trợ của Chính phủ, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp để kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp.

 

Ảnh hưởng nặng nề

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty 15 gặp nhiều khó khăn. Tổng số lao động của đơn vị phải tạm dừng làm việc là gần 6.000 người. Cùng với đó, sự ngưng trệ từ phía thị trường tiêu thụ mủ cao su lớn nhất thế giới là Trung Quốc khiến sản phẩm của đơn vị bị “đóng băng”. Chỉ trong quý I-2020, thiệt hại của đơn vị ước tính 13,63 tỷ đồng. Những khó khăn gặp phải khiến đơn vị không đảm bảo được vốn phục vụ sản xuất trong thời gian tới.

 Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hoa bị sụt giảm mạnh doanh thu do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: H.D
Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hoa bị sụt giảm mạnh doanh thu do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: H.D



Tương tự, gần 16,5 tỷ đồng là số tiền mà Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-lâm sản Đường Vạn Phát (huyện Krông Pa) khó thu hồi từ nông dân trồng và chăm sóc mía nguyên liệu. Bà Bùi Thị Quy-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: “Nguyên nhân là vì thời tiết nắng nóng kéo dài khiến mì và mía bị chết, nông dân thất thu. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến Công ty gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh”.

Không chỉ trong thời điểm dịch bệnh hoành hành mà kể cả sau thực hiện giãn cách xã hội, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường thì nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm tới đầu tháng 6-2020, toàn tỉnh đã có 55 doanh nghiệp giải thể (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019) và 127 doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động (tăng 23%). Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) lý giải: “Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gần như đình trệ, kinh doanh thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp vốn có năng lực tài chính yếu nên không trả được nợ ngân hàng và rơi vào phá sản”.

Do tác động của dịch bệnh, doanh thu của các doanh nghiệp bị giảm mạnh, thậm chí không phát sinh doanh thu nhưng vẫn phải chịu các khoản chi phí như: lương, bảo hiểm, lãi vay, thuê mặt bằng… Để tạm thời đối phó với khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng. Ông Nguyễn Văn Ngọc-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hoa (232 Hùng Vương, TP. Pleiku) cho hay: Doanh thu trung bình của doanh nghiệp giảm rất nhiều do ảnh hưởng dịch bệnh. Trong đợt giãn cách, doanh nghiệp hầu như không có doanh thu, sau đó nhích lên được khoảng 20%, tới thời điểm này tạm phục hồi nhưng cũng chỉ đạt khoảng 60% so với lúc chưa xảy ra dịch. Còn các chương trình hỗ trợ, chúng tôi hầu như chưa tiếp cận được; lãi suất ngân hàng cũng không được giảm”.

Cũng gặp khó liên quan tới lãi suất ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-lâm sản Đường Vạn Phát bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn được giãn nợ gốc trả vay ngân hàng trong 2 năm, từ năm 2020 đến tháng 5-2022; giảm lãi suất ngân hàng 4%/năm và hoãn lại tiền lãi chậm trả cho đến khi tái sản xuất để vượt qua khó khăn trước mắt”.

Theo ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: “Có tới 85% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và chưa thể hồi phục được ngay. Số doanh nghiệp này hiện rất khó khăn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Qua khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp thì vấn đề khó khăn nhất hiện tại chính là tiếp cận nguồn vốn vay, được giãn nợ và giảm lãi suất vay ngân hàng”. Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh việc giảm lãi suất ngân hàng, rộng đường tiếp cận tín dụng thì rất nhiều doanh nghiệp còn mong muốn có những hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội hoặc giảm bớt các chi phí khác như: tiền điện, nước, tiền thuê mặt bằng...

Cùng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp

Có vai trò lớn nhất trong việc giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tính đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các gói hỗ trợ.

Doanh nghiệp luôn cần sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương để vượt qua tác động của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: H.D
Doanh nghiệp luôn cần sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương để vượt qua tác động của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: H.D

Ông Nguyễn Văn Ngọc-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Hoa: “Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là được hỗ trợ vay vốn với lãi suất hợp lý để có thể duy trì và vực dậy hoạt động sau dịch. Còn rộng hơn nữa, tôi kỳ vọng tỉnh sẽ có những giải pháp để người dân phát triển kinh tế, có thu nhập, lúc đó các dịch vụ kèm theo cũng sẽ phát triển”.
 

Ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai-cho biết: “Chi nhánh đã chủ động làm việc với các khách hàng có hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời như: giảm lãi suất, cơ cấu nợ, giãn nợ… Với tinh thần đồng hành đến tận cùng, chúng tôi đã thực hiện giảm lãi suất 0,5% trong 3 tháng 4, 5 và 6-2020 cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch với tổng dư nợ là 130 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đối với các khách hàng có hồ tiêu bị chết ở 2 huyện Chư Pưh và Chư Sê, chúng tôi miễn giảm lãi quá hạn tối đa 200 triệu đồng, cơ cấu hồ sơ cho vay lại trong thời hạn 5 năm”.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, toàn tỉnh có hơn 1.660 khách hàng được vay mới với tổng số tiền hơn 3.650 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ hơn 20.560 tỷ đồng. Trong đó, số dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ là gần 1.100 tỷ đồng/gần 400 khách hàng; số dư nợ đã miễn, giảm lãi là gần 9.650 tỷ đồng, số lãi đã được miễn giảm là trên 5 tỷ đồng/8.316 khách hàng.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng thể hiện rất tốt vai trò “cầu nối” khi nhanh chóng tổng hợp, cung cấp danh sách doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, đồng thời là đầu mối tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp gửi về Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh để kịp thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai các giải pháp tháo gỡ. Những chính sách mới, chương trình mới hỗ trợ doanh nghiệp cũng được Hiệp hội thông tin để doanh nghiệp có thể tiếp cận. “Hiệp hội cũng là đầu mối tổ chức một cuộc gặp giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh với một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn để doanh nghiệp nêu lên những kỳ vọng cấp thiết nhất”-ông Nguyễn Tuấn cho hay.

Sau thời gian hoàn toàn “đóng băng”, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh hiện đã diễn ra bình thường trở lại. Ông Hoàng Lương Quang-Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-thông tin: “Chi cục đã đảm bảo thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh được diễn ra bình thường. Chúng tôi luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng trong việc thông quan hàng hóa, không để xảy ra tình trạng ách tắc, tồn đọng hàng hóa tại cửa khẩu và đảm bảo các yêu cầu về phòng-chống dịch theo quy định”.

Sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch là điều dễ nhận thấy. Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đánh giá rất cao sự hỗ trợ này. Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic (TP. Pleiku) bày tỏ: “Điều khiến chúng tôi cảm thấy lạc quan và tin tưởng nhất chính là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và sự hỗ trợ, chia sẻ, đồng hành của các sở, ngành để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đây chính là điểm tựa để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch”.

Theo nhiều doanh nghiệp, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ là rất tốt. Tuy nhiên, so với tình hình thực tế thì vẫn chưa thực sự phù hợp. Giãn nợ và giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là việc các ngân hàng phải triển khai để tránh rủi ro nợ xấu tăng. Nhưng với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn dĩ đã không dễ tiếp cận vốn ngân hàng thì qua đợt dịch này sẽ càng khó hơn do hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng. Trên thực tế, những doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn thì rất khó tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ từ các ngân hàng.

 HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước