(GLO)- Khác với những năm trước, phương án phụ thu chiều rỗng giá cước xe khách Tết Ất Mùi 2015 được sự kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng. Điều này đã góp phần bình ổn thị trường cước vận tải hành khách, giảm áp lực tiền vé tàu xe cho nhân dân về Tết. Tuy nhiên, thực tế lại nảy sinh một số vấn đề bất cập trong việc giải tỏa khách.
Theo Công văn số 92/SGTVT-KHTCVT ngày 23-1-2015 của Sở Giao thông-Vận tải về việc phụ thu giá vé dịp Tết Nguyên đán 2015, thời gian tính phụ thu chiều rỗng sẽ rút ngắn hơn so với những năm trước. Đồng thời, tất cả các tuyến vận tải chỉ thực hiện phụ thu giá vé một chiều. Đáng nói là vấn đề giải tỏa khách của tuyến Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh. Nếu như trước đây tuyến này được chia ra 2 mức tính phụ thu 40% và 60% tùy vào từng thời điểm thì Tết Nguyên đán 2015 sẽ chỉ tính phụ thu 60% trong khoảng thời gian trước Tết 5 ngày (từ ngày 25 đến ngày 30 tháng Chạp năm Giáp Ngọ) và sau Tết 5 ngày (từ mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng năm Ất Mùi). Tương tự, một số tuyến như Gia Lai đi Khánh Hòa, Ninh Thuận, đi các tỉnh phía Bắc và miền Trung (từ Huế trở ra) và ngược lại cũng sẽ giảm thời gian tính phụ thu. Những tuyến có cự ly ngắn như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đak Lak, Kon Tum… vẫn giữ nguyên mức giá cước như ngày thường…
Ảnh: Lê Lan |
Việc siết chặt quản lý việc tăng giá vé phụ thu chiều rỗng góp phần bình ổn thị trường và quyền lợi của hành khách đang được bảo vệ. Song, theo tìm hiểu của chúng tôi, các đơn vị vận tải, đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện vận tải tuyến Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh (và ngược lại) đang tiến hành hủy phiếu đặt chỗ trong khoảng thời gian từ ngày 17 đến 24 tháng Chạp năm Giáp Ngọ vì sợ lỗ. Giám đốc một hãng vận tải tuyến này (đề nghị giấu tên) lý giải: Nếu để ở mức giá bình thường là 280.000 đồng/vé nhân với 40 giường, doanh thu là 11.200.000 đồng. Trong đó, chi phí nhiên liệu là 6.700.000 đồng; chi phí bến bãi, cầu đường 1.500.000 đồng; lương lái xe và nhân viên 1.800.000 đồng. Trừ hết, phần lãi doanh nghiệp còn lại là 1.200.000 đồng, chưa tính thuế giá trị gia tăng, hao mòn xe… nếu phải lo chiều rỗng thì doanh nghiệp sẽ lỗ.
Như vậy, các hãng xe trong tỉnh chỉ chạy theo kế hoạch (bình quân 20-22 phương tiện/ngày). Tính bình quân mỗi xe khoảng 40 chỗ thì mỗi ngày chỉ có thể giải tỏa được khoảng 800-880 khách, trong 8 ngày có thể giải tỏa khoảng 6.400-7.040 khách. Trong khi theo tính toán của vị Giám đốc này, lượng phiếu đặt chỗ trong các ngày từ 17 đến 24 tháng Chạp của riêng hãng đã là 2.400 chỗ (hãng dự tính chạy 7 xe: 4 xe kế hoạch, 3 xe tăng cường). Nếu hủy xe tăng cường thì số khách bị hủy phiếu đặt chỗ là 960 khách. Đó chỉ mới là con số mà một hãng xe đưa ra, nếu tính rộng cho 9 doanh nghiệp chạy tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh thì đây quả là con số không nhỏ.
Một số ý kiến quan ngại rằng nếu doanh nghiệp vận tải địa phương không triển khai xe tăng cường, những hành khách bị hủy vé trên phải đi xe của các đơn vị tăng cường tại đầu bến TP. Hồ Chí Minh vẫn phải mua vé giá cao (tại Bến xe Miền Đông, giá vé trong các ngày trên vẫn tính phụ thu 40%-60%) trong khi đó các phương tiện tăng cường đầu bến đối lưu thường ít quen đường, chất lượng xe cũng là một vấn đề đáng quan tâm… Chưa kể, một số doanh nghiệp vận tải ở Gia Lai lại chọn cách “lách” bằng cách ủy thác bán vé cho đầu bến TP. Hồ Chí Minh. Tuy vấn đề này chưa ngã ngũ nhưng nếu không có phương án giải tỏa hợp lý thì phần thiệt sẽ vẫn rơi vào hành khách…
Chính vì vậy, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần sớm có phương án giải tỏa khách hợp lý (trước Tết ở đầu TP. Hồ Chí Minh và sau Tết ở đầu Gia Lai) để đảm bảo phương tiện đầy đủ đưa người dân về quê ăn Tết an toàn.
Lê Lan