Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand nhất trí tăng cường quan hệ giữa NATO và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặt ra nhiều suy ngẫm về triển vọng hình thành một “NATO châu Á”.
Lần đầu tiên, nhóm bốn nước đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương (viết tắt là AP4) gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra cuối tháng 6 vừa qua tại Madrid, Tây Ban Nha. Đồng thời, các nhà lãnh đạo AP4 đã có cuộc thảo luận bên lề về tình hình quốc tế và vấn đề hợp tác với liên minh quân sự này. Động thái đó đặt ra nhiều suy ngẫm về nguyên nhân phía sau và khả năng thành lập một “NATO châu Á”.
Từ trái sang: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6. Ảnh: AFP |
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã thảo luận tình hình Ukraine và tác động đối với thế giới từ quan điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trên cơ sở thừa nhận rằng an ninh của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu là không thể tách rời, các lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy lợi thế từng nước và đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác, tăng cường hiểu biết chung giữa NATO và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tại cuộc họp, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đề cập đến Khái niệm Chiến lược mới của NATO và cho rằng thế giới ngày nay đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết. Có thể nói, động lực thúc đẩy các nhà lãnh đạo AP4 thảo luận quan hệ với NATO chính là việc hai bên tìm kiếm được sự tương đồng trong nhận thức về các mối đe dọa an ninh chung.
Nhận thức về Trung Quốc
Cuộc họp của bốn nhà lãnh đạo châu Á được xem là nỗ lực của các nước trong việc kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này phản ánh mối quan ngại gia tăng của các quốc gia về tình hình phức tạp ở khu vực, nơi Bắc Kinh không ngừng tìm cách bành trướng, mở rộng tầm ảnh hưởng.
Đáng chú ý, việc Trung Quốc và Solomon, quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương xác nhận ký kết hiệp ước an ninh hồi tháng 4.2022 đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ nhiều quốc gia khu vực, nhất là Úc, New Zealand, Mỹ và Nhật Bản.
Về phía NATO, tổ chức này đã thông qua Khái niệm Chiến lược mới, xác định Trung Quốc là “thách thức hệ thống” lâu dài và ứng phó với Trung Quốc là một trong những ưu tiên chiến lược của liên minh trong thập niên tới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như sự gắn kết trong quan hệ Nga - Trung đã khiến NATO thấy rằng mối quan tâm của họ không chỉ còn giới hạn ở hai bờ Đại Tây Dương.
“Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng ta nhưng chúng ta phải nhìn rõ những thách thức nghiêm trọng mà họ đặt ra”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm 29.6. Đồng thời, ông bày tỏ lo ngại về “quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc” giữa Nga và Trung Quốc có thể “làm tổn hại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đi ngược lại các giá trị và lợi ích của chúng ta”.
Nhận thức về tình hình quốc tế
Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo AP4 đã lên án mạnh mẽ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Theo Thủ tướng Nhật Bản, điều này làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế và việc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là không thể chấp nhận được.
Khái niệm Chiến lược mới của NATO cũng cho rằng hành động gây hấn của Nga là “vi phạm luật nhân đạo quốc tế”, “phá vỡ hòa bình” và “làm thay đổi nghiêm trọng môi trường an ninh” tại châu Âu, đồng thời coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh và sự ổn định” của khối. Lãnh đạo các nước thành viên NATO đều có phản ứng mạnh mẽ trước chiến dịch quân sự mà Nga đang thực hiện tại Ukraine.
Tuy nhiên, NATO và nhóm bốn nước đối tác châu Á - Thái Bình Dương cũng không mong muốn tìm kiếm sự đối đầu hay gây ra mối đe dọa trực tiếp với Nga.
Cuộc họp bốn bên đã tạo ra khuôn khổ để các nước thảo luận về vấn đề hợp tác với NATO. Sự chuyển biến trong chiến lược, mục tiêu, ưu tiên của NATO cho thấy rõ ràng lợi ích an ninh của NATO ngày càng gắn chặt với những biến chuyển an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên cơ sở thừa nhận rằng an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu là không thể tách rời, các nhà lãnh đạo châu Á nhất trí tăng cường hiểu biết chung, thúc đẩy hợp tác, kết nối giữa NATO và khu vực.
Từ triển vọng “NATO châu Á”
“Bộ tứ” là một cách gọi khác của “Đối thoại Tứ giác An ninh”, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Thách thức từ sức mạnh ngày một gia tăng và cách hành xử của Trung Quốc đã tạo động lực cho bốn nền dân chủ lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xích lại gần nhau, tạo tiền đề cho một khuôn khổ hợp tác quốc phòng đa phương.
Tuy không nói trực tiếp, nhưng mục đích của “Bộ tứ” là nhằm ứng phó và từng bước kiềm chế Trung Quốc. Trung Quốc xem “Bộ tứ” là “NATO châu Á”, và cáo buộc mục đích là nhằm kiềm chế Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực.
Ý tưởng về một “NATO châu Á” được đề cập trong những năm 1950 khi Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles kêu gọi Mỹ xây dựng một liên minh quân sự ở Đông Nam Á để đối phó với Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập. Tuy nhiên, một khuôn khổ liên minh đa phương ở châu Á theo mô hình NATO đã không trở thành hiện thực.
Đến những thập niên gần đây, Mỹ bày tỏ ý định tìm kiếm một liên minh quốc phòng chính thức với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, “Bộ tứ” là một trong những trụ cột chủ chốt giúp kết nối bốn quốc gia dân chủ nhằm duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tổng thống Joe Biden hiện nay đang tiếp nối tham vọng xây dựng một “NATO châu Á” từ chính quyền tiền nhiệm với mục đích ngăn chặn ảnh hưởng ngày một lớn mạnh của Trung Quốc tại khu vực.
Trái với những nỗ lực và các tuyên bố cứng rắn từ Mỹ, các nước thành viên còn lại trong “Bộ tứ” khá dè dặt trước ý tưởng về một “NATO châu Á”. Ấn Độ vốn là quốc gia đi đầu phong trào không liên kết, thường quan tâm đến các vấn đề liên quan đến lợi ích chung (an ninh hàng hải, hợp tác chống khủng bố…). Sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc cũng khiến Úc quan ngại về ý định tham gia một liên minh quân sự chính thức để kiềm chế Trung Quốc.
Môi trường quốc tế hiện nay bao gồm mạng lưới các tương tác quyền lực phức tạp hơn, sự đan xen cạnh tranh - hợp tác trong mối quan hệ giữa các quốc gia sâu sắc hơn. Vì thế, có ý kiến cho rằng, “Bộ tứ” không nhất thiết phải trở thành một “NATO châu Á”. Thay vào đó, nhóm tứ cường có thể phát triển thành một khuôn khổ hợp tác quốc phòng đa phương kiểu mới, đóng vai trò hỗ trợ các quốc gia trong khu vực ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Đến “Bộ tứ” mới đang hình thành?
Cuộc họp bốn bên của các lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đã đặt ra câu hỏi về triển vọng hình thành một “Bộ tứ” mới, cũng như một “NATO châu Á” nhằm tăng cường năng lực đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, giữa các nước vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt lợi ích.
Nhật Bản không chỉ e ngại Nga - nước có chung đường biên giới trên biển cũng như những tranh chấp chưa giải quyết ở nhóm đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc, mà còn lo lắng trước chính sách quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc - nước tuyên bố có quan hệ “không giới hạn” với Nga. Đặc biệt, mối quan hệ Hàn - Nhật cũng rơi vào cảnh nguội lạnh do bất đồng về những vấn đề trong chiến tranh chưa thể hóa giải. Trong khi đó, Úc và New Zealand lại muốn hạn chế tham vọng an ninh và thương mại của Trung Quốc ở các quốc gia quần đảo Thái Bình Dương, khu vực mà Canberra và Wellington coi là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của họ.
Như vậy, khả năng thành lập một “NATO châu Á” sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh quốc tế, khu vực; yếu tố nội bộ; ý chí, lợi ích và tầm nhìn của các quốc gia về các vấn đề chung.
Theo KIỀU MY (TNO)